Rộn ràng năm học mới

Hôm qua 5-9, 22 triệu HS-SV trên cả nước đã náo nức đón ngày khai trường. Đây là năm học có sứ mệnh quan trọng trong việc triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Rộn ràng năm học mới

Hôm qua 5-9, 22 triệu HS-SV trên cả nước đã náo nức đón ngày khai trường. Đây là năm học có sứ mệnh quan trọng trong việc triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai giảng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai giảng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trong ngày tựu trường, hơn 2.800 thầy cô giáo, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh trống khai trường và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, quản lý chất lượng giáo dục ở nhà trường phải tiếp tục đổi mới một cách toàn diện với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất và lương tâm của người thầy, trách nhiệm của giáo viên sẽ dạy đầy đủ nhất cho các em HS yêu quý. Đồng thời các thầy giáo, cô giáo cũng là tấm gương sáng nhất, gần nhất mà các em HS sẽ mang theo cả cuộc đời. Ngày khai giảng năm học mới không chỉ là ngày hội của các em học sinh, các bậc phụ huynh mà còn là ngày hội của nhân dân cả nước”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước quyết tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có tri thức, trình độ cao làm nòng cốt thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, góp phần làm vẻ vang non sông, đất nước và con người Việt Nam với tầm vóc mới.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dự lễ khai giảng năm học mới 2011 - 2012 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội (huyện Ba Vì - Hà Nội).

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dự lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khai giảng năm học mới tại trường THPT Đa Phúc và THPT Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THCS Thanh Quan, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đến dự và đánh trống khai trường tại Trường THPT Tống Văn Trân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhắn nhủ thầy và trò trường phát huy truyền thống hiếu học để phát triển quê hương Nam Định.

TPHCM: Thí điểm phổ cập tiếng Anh cho HS

Sáng 5-9, hơn 2.000 học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nô nức tham dự lễ khai giảng đón chào năm học mới 2011 - 2012. Đến dự có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Năm học vừa qua, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tiếp tục được công nhận là trường xuất sắc, được vinh dự nhận cờ thi đua của UBND TPHCM. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng nỗ lực của tập thể thầy cô giáo và các em HS trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định, phát triển GD-ĐT cùng với phát triển khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển. Toàn ngành GD-ĐT TP nói chung và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói riêng, với vị trí của mình cần phải đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó tập trung vào các nội dung: Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt”. Đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, đảm bảo kỷ cương trong dạy và học, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

Tại buổi lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đơn vị tiếp tục giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong ngành giáo dục của TP, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo: Năm học này TPHCM sẽ triển khai thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015 mà Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là một trong những đơn vị nòng cốt, thí điểm thực hiện. Vì vậy, bên cạnh lĩnh vực chuyên môn, tôi đề nghị nhà trường chủ động tích cực tham mưu đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học hiện đại và khang trang để phục vụ tốt hơn nữa công tác giảng dạy và học tập.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chúc mừng các học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: MAI HẢI

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chúc mừng các học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: MAI HẢI

Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã dự lễ khai giảng cùng thầy cô giáo và các em HS Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đã dự lễ khai giảng tại Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp).

Ngày 5-9, UBND quận Bình Tân đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới và chính thức đưa vào sử dụng 9 trường học mới theo chuẩn quốc gia với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng (gồm 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 trường THCS, 2 trường THPT) với quy mô gần 300 phòng học cùng các công trình phụ trợ, phòng chức năng.

Các em học sinh vui mừng bước vào năm học mới.

Các em học sinh vui mừng bước vào năm học mới.

Cùng ngày, trên địa bàn phường An Phú, quận 2, Trường THCS Lương Định Của đã được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới, phục vụ nhu cầu học tập của 725 học sinh. Trường được xây dựng theo chuẩn quốc gia, gồm 45 phòng học, các phòng chức năng và các công trình phụ trợ, công viên, sân thể thao… Kinh phí xây dựng 63,34 tỷ đồng từ ngân sách TP.

ĐBSCL: Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học

Ngày 5-9, hầu hết các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã đồng loạt làm lễ khai giảng năm học 2011 - 2012. Tại TP Cần Thơ, năm học này có gần 209.000 học sinh các cấp với tổng số 408 trường học, trung tâm.

Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học mới cơ bản đã hoàn tất. Năm nay, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ tiếp tục vận động xã hội hóa thực hiện chỉ đạo 3 đủ của Bộ GD-ĐT (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đến trường). Đối với những em con thương binh, liệt sĩ, sở đã cấp phát miễn phí 2.275 bản sách giáo khoa, tương đương khoảng 22 triệu đồng.

Cùng ngày, tại Đồng Tháp, trên 270.000 học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên trong tỉnh bước vào ngày khai giảng năm học mới. Năm học này, ngành GD-ĐT Đồng Tháp xác định là “Năm học tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Mạng lưới trường lớp ở Đồng Tháp được tiếp tục đầu tư hoàn thiện, số phòng học được xây dựng mới gần 1.000 phòng; trong đó có 829 phòng học và 155 phòng chức năng. Mặt khác, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của đoàn thể, gia đình giúp đỡ học sinh khó khăn, chủ yếu là tổ chức đưa đón học sinh vùng lũ đến trường.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Cà Mau, trong năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh Cà Mau có 122.521 em học sinh ở tất cả các cấp học đến trường. Trong năm học này, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 136 tỷ đồng sửa chữa trường lớp. Ngành GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cũng đã đầu tư xây dựng mới hơn 560 phòng học (trong đó có 220 phòng là nhà công vụ cho giáo viên); nâng cấp sửa chữa gần 240 phòng học; cấp hơn 12.000 bộ bàn ghế cho các trường với tổng kinh phí hơn 240 tỷ đồng.

  • Khai giảng năm học mới tại Trường Sa

Sáng 5-9, hơn 261.000 học sinh của 311 trường học các cấp tại Khánh Hòa đã khai giảng năm học mới, đặc biệt trong đó có huyện đảo Trường Sa. Năm học này, toàn huyện đảo Trường Sa có 36 em học sinh trong độ tuổi đến trường, các em học sinh tập trung chủ yếu ở các xã Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Theo quy định, từ mẫu giáo đến hết cấp 1, các em học tại các điểm trường trên đảo, lên cấp 2 sẽ chuyển vào học ở đất liền.

  • Trên 5.000 tỷ đồng tín dụng dành cho HS-SV

Hôm qua 5-9, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết đến thời điểm này nguồn vốn cho chương trình tín dụng học sinh - sinh viên (HS-SV) năm học 2011 - 2012 đã có trong tài khoản của ngân hàng và sẵn sàng chuyển về địa phương khi có nhu cầu. Tiền giải ngân cho học kỳ 1 năm học này ước trên 5.000 tỷ đồng. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-8-2011 mức cho vay tín dụng HS-SV đã được nâng từ 900.000 đồng lên 1 triệu đồng/HS-SV/tháng. Như vậy, mỗi HS-SV được vay 10 triệu đồng trong 1 năm học. Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh từ 0,5% lên 0,65%/tháng, bằng lãi suất chương trình cho hộ nghèo vay.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tình trạng thủ tục rườm rà trong chương trình tín dụng HS-SV năm nay cũng được khắc phục. Khi gia đình HS-SV có nhu cầu vay vốn, đủ tiêu chuẩn, được chính quyền xã, các trường xác nhận theo mẫu giấy quy định thì việc quyết định cho vay, giải ngân sẽ thuận lợi.

  • Miền Trung, Tây Nguyên: Còn nhiều khó khăn khi đưa trẻ đến trường

Cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, sáng 5-9, các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng đồng loạt tổ chức lễ khai giảng đón chào gần 200.000 học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT bước vào năm học mới 2011 - 2012. Để chuẩn bị cho năm học mới 2011 - 2012, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đã đầu tư 116 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường. Đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn TP bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, không xảy ra tình trạng học ghép hay học 3 ca.

Cùng ngày, học sinh đồng bào Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) cũng chào cờ đón năm học mới. Từ sáng sớm, người dân các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ đã đưa 181 con em của mình đến trường mầm non, tiểu học dự lễ khai giảng năm học mới. Trong không khí hân hoan ngày tựu trường, hơn 500 học sinh đồng bào Mã Liềng (Tuyên Hóa), A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch), Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch) ở vùng biên giới Việt - Lào đã nô nức dự lễ khai giảng năm học mới ở các điểm trường, cụm trường giữa đại ngàn. Năm nay có nét mới con em đồng bào dân tộc ở đây được học tiếng Anh từ lớp 3.

Ngày 5-9, Sở GD-ĐT Đắc Lắc cho biết đã chọn 4 trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, Lê Thị Hồng Gấm (thị xã Buôn Hồ), Lý Thường Kiệt, Võ Thị Sáu (TP Buôn Ma Thuột), mỗi trường chọn 2 lớp để triển khai mô hình trường tiểu học mới. Mô hình trường học mới sẽ áp dụng những thành tựu, kinh nghiệm giảng dạy ở một số nước tiên tiến trên thế giới để đạt mục tiêu đến năm 2015 tất cả trẻ em (đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và con em các dân tộc thiểu số) được đi học, hoàn thành giáo dục tiểu học bắt buộc, miễn phí và có chất lượng.

Năm nay, tỉnh Kon Tum có gần 135.000 học sinh ở các cấp học, bậc học. Theo thống kê, toàn tỉnh có 4.965 phòng học, trong đó 2.311 phòng học kiên cố, 2.262 phòng học bán kiên cố và 392 phòng học tạm nên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới giáo dục và tổ chức dạy 2 buổi/ngày… Tại các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, học sinh đến các điểm trường phải băng rừng, vượt suối nhất là trong mùa lũ rất nguy hiểm.

  • Bị nạn sau lễ khai giảng

Khoảng 8 giờ ngày 5-9, trên đường về nhà sau khi dự lễ khai giảng, khi đến ngã tư đường liên thôn thuộc thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) em Nguyễn Văn Tiễn (7 tuổi, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nhơn Lý) bị xe tải chở hàng đông lạnh BKS 77C-001.83, do anh Hồ Văn Lê (39 tuổi, huyện phù Mỹ, Bình Định) điều khiển, tông trúng. Dù được người dân địa phương đưa vào Trạm y tế xã Nhơn Lý cấp cứu nhưng em đã tử vong. Theo các nhân chứng, tai nạn xảy ra khi em Tiễn băng qua đường.

Nhóm PV
Ảnh: Minh Điền - Việt Dũng

Tin cùng chuyên mục