Một ngày, có cụ già bị mất trí nhớ, không nơi nương tựa tìm đến, bà Trí đã không nỡ chối bỏ mà mở rộng vòng tay đón cụ, chăm lo cho cụ như đấng sinh thành của mình.
Gia cảnh nghèo khó
Lần tìm, hỏi thăm mãi chúng tôi mới tìm đến được nhà bà Nguyễn Thị Trí ở sâu dưới chân núi thôn Quang Long. Đập vào mắt chúng tôi là người đàn bà gầy ốm đang quét sân, bên cạnh là đứa cháu nhỏ gần 2 tuổi. Phía sau bà là ngôi nhà ngói xập xệ với cửa chính, cửa sổ tuềnh toàng, nền nhà lộ cả “ổ gà”, phía trái ngôi nhà bức tường sắp đổ phải chống bằng những thân tre, gỗ. Vào bên trong, ngôi nhà càng trống trải bởi nhiều vết nứt chạy hằn trên tường, trên nóc nhiều viên ngói vỡ cả mảng lớn khiến ánh mặt trời chiếu qua sáng một góc nhà,… Đồ vật đáng giá nhất trong nhà là những bức ảnh, những tấm giấy khen treo trên cột, trên tường.
Như đoán được băn khoăn, bà Trí ái ngại nói “các chú thông cảm. Nhà được làm từ năm 1989, chỉ được xây bằng vôi vữa. Biết là có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào nhưng giờ tui biết lấy tiền mô ra mà làm”.
Bà Trí kể, vì hoàn cảnh nghèo khó, lại muốn lo cho con có tiền ăn học nên chồng bà chấp nhận đi lao động bên Malaysia, nhưng không may ông bị tai nạn mất năm 2008.
Lúc này, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cả 3 đứa đòi bỏ học để ở nhà giúp mẹ. Nhưng bà nhất quyết bắt cả 3 đứa phải đi học đến nơi đến chốn.
Để lo cho các con bà quần quật suốt ngày với hơn 1 mẫu ruộng, ngoài trồng lúa, bà trồng thêm mía, rau màu nhưng cũng chỉ đủ chắt chiu mẹ con sống qua ngày. Bù lại, không phụ công mẹ, cả 3 con của bà đều học giỏi. Lần lượt, con trai đầu vào học Đại học Công nghiệp TPHCM, con trai thứ hai học Đại học Thủy lợi, cô con gái út cũng đậu vào học ở một trường trung cấp tài chính. Bây giờ 3 người con đã ra trường, đi làm ở TPHCM, Bắc Ninh.
Tấm lòng rộng mở
Kể về việc nhận chăm sóc cụ già, bà Trí cho biết: Một buổi trưa tháng 8-2013, khi đi làm đồng về, bà Trí thấy một ông cụ đang ngồi ngay trên bậc thềm trước cửa nhà mình, tay chân cụ run lẩy bẩy.
Sau khi vào nhà, bà Trí nhận ra đây là cụ Đặng Văn Ngự. Bà Trí có biết sơ sơ là cụ Ngự không có gia đình, sống nay đây mai đó trong vùng. Bà tưởng cụ Ngự tới chơi nên mời cụ ở lại ăn cơm trưa.
Nhưng một ngày, hai ngày, đến ngày thứ ba hỏi thì cụ bảo “Con ạ, giờ ông không đi mô được nữa, ông muốn ở lại đây”.
Bà xuống UBND xã hỏi thăm, thì biết được thêm thông tin là cụ Ngự quê quán ở xã Xuân Thành (cùng huyện), sinh năm 1919, không gia đình, không người thân thích. Bà lập tức gọi điện cho 3 con, nói rằng giờ nhà mình đang túng, lo cho 3 con ăn học không xong làm sao lo thêm cho cụ.
Thật bất ngờ, cả 3 con đều nói rằng: giờ cụ đã già yếu, lại không nơi nương tựa, nếu đẩy cụ đi lỡ cụ có mệnh hệ gì thì ân hận cả đời. Lời của các con tiếp thêm tự tin để bà Trí quyết định giữ cụ Ngự ở lại.
Nhưng cũng từ thời điểm này cụ Ngự phát bệnh về xương khớp, không đi lại được, phải nằm một chỗ. Thỉnh thoảng cụ Ngự tỉnh táo, nhưng khi tỉnh cụ lại khóc, nhắc đi nhắc lại chuyện giấy tờ liên quan đến việc đi dân công hỏa tuyến đã bị đốt hết. Số giấy tờ này ngày trước cụ gửi một cán bộ để làm chế độ chính sách cho mình, nhưng không may người cán bộ này qua đời, người nhà không biết đã đốt luôn theo.
Sau mấy tháng căn bệnh của cụ Ngự thuyên giảm, nhưng lại nảy sinh khó khăn mới. Đó là khi 3 đứa con về nghỉ Tết, rồi sau đó là hè. Nhà chật, các con thiếu giường nằm. Trong khi đó, khi thấy 3 con của bà Trí về thì cụ Ngự lại sợ, sợ đến mức không dám ra ngoài đi vệ sinh.
Thấy nhà cửa xập xệ, Bà Trí xuống UBND xã trình bày hoàn cảnh của mình. Sau một thời gian, xã hỗ trợ cho gia đình bà Trí 20 triệu đồng. Từ số tiền này, năm 2014 bà làm cho cụ Ngự một ngôi nhà nhỏ ngay bên nhà mình, với số tiền gần 27 triệu đồng.
“Còn gần 7 triệu đồng giờ tôi vẫn phải nợ người ta vì lo ăn chưa xong, chứ biết lấy tiền ở mô mà trả”, bà Trí phân trần. Thời gian sau này, cụ Ngự được trợ cấp xã hội hơn 600.000 đồng/tháng, còn bà Trí được hỗ trợ hơn 800.000 đồng/tháng cho công chăm nuôi cụ nên việc lo cái ăn “dễ thở hơn”.
Bây giờ, cụ Ngự đã bị điếc nặng, mắt mờ hẳn, chân run, phần lớn thời gian chỉ nằm một chỗ. Mỗi khi cho cụ ăn, nếu bữa có thịt bà Trí phải băm nhỏ rồi trộn đều với cơm cụ mới ăn được. Nhiều hôm đang 2-3 giờ sáng, đói bụng, cụ lấy gậy gõ vào cửa sổ, bà Trí lại phải vùng dậy nấu mì tôm hoặc cháo cho cụ ăn.
Khi chúng tôi chào ra về, bà Trí tâm sự: “Nói thật với các chú, tui làm việc ni không phải để được mọi người khen là tấm lòng này tấm lòng nọ. Tui thực sự cũng thấy rất khổ tâm. Cha mẹ mình thì chăm lo không được đến nơi đến chốn, lại đi chăm người dưng. Tui chỉ mong cha mẹ tui, anh em hiểu và thông cảm. Giờ mong muốn của tui là các chú viết bài báo lên, lỡ người thân, dòng tộc của cụ mà đọc được thì tìm đến thăm cụ. Tui không có ý đẩy cụ đi, tui đã xem cụ như cha mình nên sẽ chăm cho đến khi cụ về với tổ tiên. Tui chỉ muốn giờ cụ già yếu rồi, muốn có được chút hơi ấm của người thân máu mủ”.