
Một cây cầu chỉ được làm tạm bằng tre nứa bắc qua sông. Không mưa bão, chỉ cần một trận gió to là người đi qua cầu “đứng tim”, tính mạng chập chờn trên mặt nước. Người dân, nhất là các cháu học sinh muốn đi lại bằng đường khác, nhưng chịu, vì đây là con đường duy nhất. Đó là thực tế đang diễn ra ở cây cầu tạm bắc qua sông Dinh đến xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An (ảnh).

Chúng tôi có mặt ở cây cầu tạm Sơn Tiến đúng thời điểm học sinh đi học về. Nhìn các em ngập ngừng, run run qua cầu mà chính chúng tôi cũng thấy… run. Theo quan sát, cây cầu tạm này có chiều dài khoảng hơn 100m. Những thân gỗ to nhất cũng chỉ bằng bắp chân được cắm xuống lòng sông làm trụ, hai bên mạn cầu dùng thân tre để chống cho cầu không nghiêng và đỡ rung. Mặt cầu lát bằng nan tre đan qua loa rộng chừng 1m, nhưng hai bên không có lan can. Cầu chỉ đi được một chiều, người phía này sông qua trước thì phía bên kia phải đứng đợi.
Em Lê Thị Hương ở xóm Sơn Tiến kể, mỗi ngày phải đi qua cầu 4 lần để đến lớp và về nhà. Có lần, sáng đi học qua cầu nhưng trưa về không thấy cầu đâu vì đã bị lũ cuốn trôi, phải quay về nhà bạn xin ở nhờ. Bà Nguyễn Thị Thiên (xóm Sơn Tiến) thì cho biết: “Vì đây là cầu tạm nên cứ mùa mưa lũ đến lại bị cuốn trôi. Thế nên, mỗi năm ít nhất chúng tôi cũng phải mất công dựng từ 3 đến 5 lần”. Kinh phí để làm cầu tạm do người dân tự đóng góp, người cây gỗ, cây tre, người góp công…
Ông Trương Văn Thiêm, xóm trưởng xóm Sơn Tiến cho biết: “Người dân tự làm cầu, tự kiểm tra và thay thế khi có những thanh tre mục nát hoặc gãy. Nhưng như thế vẫn không thể đảm bảo. Năm ngoái bị cuốn trôi 4 lần. Có nhiều hôm sáng làm cầu, chiều mưa lũ về cuốn trôi mất, cả làng lại chặt tre làm lại cầu. Không tự làm cầu thì không có cách nào mà qua trung tâm huyện cả. Mới đây, thấy một đoàn công tác về đo đạc xong rồi cũng đi mất, không biết đến khi nào mới có cầu? Mùa mưa bão lại cận kề rồi, không đi không được, mà đi thì nguy hiểm không ai biết trước”.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp, cho biết: “Đây cũng là vấn đề đau đầu của địa phương. Không biết có bao nhiêu lần cầu được người dân dựng lên lại bị nước cuốn trôi. Gần như năm nào cũng có người khi qua cầu gặp sự cố, rất may là cho đến nay chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào”.
Ông Bùi Thanh An, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, huyện không có kinh phí để xây dựng cầu nên người dân vẫn phải sử dụng cầu tạm để qua sông Dinh. Mùa mưa bão đến nơi rồi, huyện đã chỉ đạo xã Thọ Hợp đốc thúc kiểm tra tình trạng cầu, yêu cầu có người chốt chặn tại hai điểm đầu cầu, không cho người dân qua cầu khi nước lớn.
DUY CƯỜNG