Đồng bằng sông Cửu Long

Rừng khô chực chờ cháy

Rừng khô chực chờ cháy

Những ngày cuối tháng giêng, nắng gắt, nước bốc hơi nhanh, ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương lo lắng khi mực nước dưới chân rừng đã cạn. Đến chiều 20-2, hàng chục ngàn héc ta rừng ở An Giang, Long An, Kiên Giang… đối mặt với nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.

  • Báo động cấp 4
Rừng khô chực chờ cháy ảnh 1

Báo động cháy cấp 4 ở rừng U Minh Hạ, Cá Mau.

Chúng tôi về Bảy Núi – An Giang ngay thời điểm ngành kiểm lâm dốc toàn lực bảo vệ rừng. Lúc ghé Hạt kiểm lâm Tịnh Biên, Hạt trưởng Trần Phú Hòa than: “Nắng dữ quá làm rừng bị xào lá, nước trữ cạn dần, khả năng cháy đã báo động cấp 4, mọi việc không thể xem thường được”.

Dọc theo núi Phú Cường, núi Nhọn, núi Cấm…, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn hécta rừng khô, nếu một tàn thuốc vô tình rơi xuống có khả năng tạo thành ngọn lửa lớn.

Anh Lý Văn Tâm, Trưởng trạm kiểm lâm An Cư, lắc đầu nói: “1.600 ha rừng đã khô nhiều ngày, trạm vừa huy động lực lượng dọn đường băng cản lửa và cây cỏ khô nhưng nguy cơ cháy ngày càng nặng. Cái khó là rừng nằm cheo leo trên núi và rải rác nhiều nơi, lại thiếu nước trầm trọng. Do đó, xảy ra cháy rất khó chữa…”.

Từ trước Tết đến nay, Trạm kiểm lâm An Cư phải hợp đồng thêm 21 người bảo vệ rừng 24/24 giờ. Trước nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục Kiểm lâm An Giang tăng cường lực lượng trực ở các chốt và phối hợp cùng chính quyền vận động người dân cảnh giác, nghiêm cấm vào rừng đốt than… Đặc biệt, lúc này vào mùa lễ hội vía Bà, lượng du khách hành hương về núi Cấm rất đông, đây là khu vực được canh phòng nghiêm ngặt nhất.

Tại Long An, 64.000 ha rừng tràm đang bị “giặc lửa” đe dọa, trong đó nhiều khu rừng do dân sản xuất không còn giữ được nước do hệ thống thủy lợi yếu kém. Mặt khác, mấy năm nay giá cừ tràm sụt thê thảm, dân trồng tràm lỗ nên họ thờ ơ, thiếu chăm sóc.

Ông Lê Thanh Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng lo lắng nói: “Gần 7.000 ha tràm do dân canh tác đang khô và manh mún, da beo nên việc phòng cháy hết sức khó khăn. Chúng tôi yêu cầu bà con ý thức giữ rừng. Tuy nhiên tình hình rất khó, bởi gần 2.000 ha tràm mới đây bị san bằng để chuyển sang trồng cây khác”.

Ở Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang), khoảng 20.000 ha rừng cũng gặp cảnh tương tự. Nhiều hộ trồng rừng nhưng bỏ bê không coi sóc. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang khẳng định sẽ buộc người trồng rừng làm cam kết giữ rừng, đồng thời tập trung lực lượng bảo vệ 40.000 ha rừng ở Phú Quốc và 8.000 ha rừng U Minh Thượng. Rừng ở U Minh Hạ (Cà Mau), cũng đang khô héo.

  • Giữ rừng còn nhiều bất cập!

Anh Nguyễn Văn Thế, Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi – Cà Mau, thừa nhận: “Cứ đến mùa khô là tụi tui rầu thúi ruột, cả trăm người bám rừng không dám rời nửa bước. Từ năm 2000-2002, rừng Cà Mau cháy liên tục nên ai cũng lo. Mặc dù mọi phương án chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng vẫn phải chờ đến tháng 5 khi có mưa nhiều thì mới thở phào được”.

Ở rừng U Minh Hạ chẳng những kiểm lâm túc trực xuyên suốt ngày đêm mà hàng ngàn hộ dân sống dưới tán rừng cũng không được rời nửa bước. Tất cả “ đóng quân” tại chốt, tại nhà, mọi sinh hoạt, ăn uống… được thực hiện tại chỗ. Tuy nhiên, 20.000 người sống dưới tán rừng U Minh Hạ đa số có đời sống khó khăn, nhiều hộ thiếu ăn vào mùa khô nên buộc lòng phải vào rừng lấy mật ong, bắt cá… và vô tình gây cháy.

Lâm ngư trường U Minh 3 có 722 hộ thì trên 200 hộ thiếu đói từ cách đây một tháng. Hiện tại, Ban giám đốc rà soát danh sách để đề nghị tỉnh hỗ trợ gạo giúp bà con có cái ăn để giữ rừng. Trong khi đó, 52 hộ nghèo ở rừng đặc dụng Vồ Dơi đang xin tỉnh trợ cấp 10 kg gạo/nhân khẩu trong 3 tháng mùa khô.

Một bất cập khác là do sợ cháy rừng nên mấy năm nay nhiều địa phương chủ động đào kênh giữa rừng giữ nước một cách thiếu khoa học, làm mất tính đặc thù và phá vỡ vùng lõi. Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học – Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Cách làm này khiến hệ sinh thái thay đổi, kéo theo nhiều loài động vật và thực vật chịu hệ lụy. Cần nhớ rằng, bản thân cây tràm cũng không thể sống trong nước quanh năm được”.

Theo thạc sĩ Lê Phát Quới, Trưởng phòng Khoa học-Sở Khoa học-Công nghệ Long An, có thể phân ra từng khu vực, chỗ nào bảo vệ nghiêm ngặt và chỗ nào nên cho dân vào khai thác. Dân no bụng họ mới toàn tâm giữ rừng.

Tại Lâm ngư trường 30-4 ở Cà Mau, việc giao khoán đất rừng và xây dựng mô hình nông-lâm kết hợp được triển khai nhiều năm nay. Sản xuất nông nghiệp tách khỏi rừng nên không xảy ra cháy. Rừng xanh tươi, ong về làm tổ nhiều, bà con lâm ngư trường cùng nhau khai thác mật ong chia lợi.

Còn ở rừng Bảy Núi, năm 1999, Chi cục Kiểm lâm An Giang triển khai dự án nuôi nai dưới tán rừng. Ban đầu chọn 4 hộ thí điểm nuôi 8 con, đến nay nâng lên 30 hộ nuôi trên 60 con. Bà con nuôi nai kết hợp trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những hộ như ông Ba Ban, Ba Mẫn… từ “khố rách” nay có thu nhập 50 – 100 triệu đồng mỗi năm, chưa kể hàng chục hécta rừng giá trị cao. Đây chính là phương pháp giữ rừng tốt nhất. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI
 

Tin cùng chuyên mục