Rừng Mã Đà vẫy gọi!

Cách TPHCM khoảng 80km, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai với hệ sinh thái rừng tự nhiên đang được nhiều du khách khắp nơi tìm về. Địa chỉ này không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn đang được xem là lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ.
Rừng Mã Đà vẫy gọi!

Cách TPHCM khoảng 80km, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai với hệ sinh thái rừng tự nhiên đang được nhiều du khách khắp nơi tìm về. Địa chỉ này không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn đang được xem là lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ.

Vào rừng

Khám phá Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chính là dịp bạn hòa mình với thiên nhiên nhằm trải nghiệm nhiều điểm thú vị tại Trung tâm Sinh thái Văn hóa Lịch sử Chiến khu Đ, di tích căn cứ Khu ủy Miền Đông... Các cán bộ kiểm lâm sẽ cùng bạn hành quân khám phá rừng nguyên sinh Mã Đà.

Tự tay hái dâu rừng

Tự tay hái dâu rừng

Chắc chắn, bạn sẽ choáng ngợp bởi một màu xanh phủ khắp khu rừng. Càng đi sâu vào rừng bạn càng nghe nhiều tiếng hót lảnh lót của hàng chục loại chim như mời gọi du khách. Cán bộ kiểm lâm sẽ chỉ cho bạn nhận biết các loại cây rừng, đặc biệt là cây trung quân ở rừng Mã Đà - một loại cây có lá kỳ lạ, không bị cháy trong lửa đạn thời chiến tranh và được ví như loài cây huyền thoại che chắn cán bộ trong kháng chiến.

Trên đường đi, bạn còn có thể “ngắt” được hơn 40 loại rau rừng. Dù ở trong rừng, những món đặc sản làm nên thương hiệu của khu bảo tồn này như tép um rau rừng, khô cá kìm bóp gỏi xoài, cá lăng nướng ăn kèm  các loại rau rừng... không thiếu. Thú vị nhất phải kể tới món lẩu măng chua cá lăng, rau bìm bịp. Đây là món ăn nổi tiếng mà người dân nơi đây luôn muốn giới thiệu với khách tham quan.

Món lẩu măng chua cá lăng ở đây được chế biến đơn giản nhưng mùi vị chẳng đâu sánh được. Cá lăng trong tự nhiên thường sinh sống chủ yếu ở những vùng sông suối, thác ghềnh... nên thịt cá săn chắc, ăn có vị ngọt mà không tanh, bở như thịt cá nuôi. Cá lăng dùng nấu lẩu phải còn sống, vừa được đánh bắt. Cá được làm sạch, cắt vừa ăn, sau đó, chần sơ qua nước sôi để thịt săn lại. Hành tỏi băm nhuyễn phi với chút dầu ăn để tạo mùi thơm, cho cà chua, măng rừng vào đảo qua, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi mới cho cá vào. Để thưởng thức món lẩu chua một cách... tròn vị, bạn  phải ăn kèm rau bìm bịp.

Người dân địa phương thường chọn những ngọn non, cọng rau xanh mướt, giòn, vị thanh khi thưởng thức. Rau chỉ cần chần sơ qua nước dùng đang sôi là có thể thưởng thức. Món lẩu này ăn với bún tươi hoặc cơm thì... hết ý.

Xuống hồ...

Đi thuyền thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn trên hồ Trị An, nơi được mệnh danh là Việt Nam đệ nhất hồ, cũng mang đến cho bạn trải nghiệm thú vị không kém. Tại đây, bạn được tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân đánh bắt cá cơm, cá kìm hay thưởng thức các món ăn được chế biến từ những loại cá đặc trưng của vùng hồ Trị An như cá lăng, cá lóc, cá hoàng đế... Nhiều du khách đến đây thường không muốn bỏ qua cơ hội làm ngư phủ khi cùng ngư dân đi te cá cơm, thả lưới bắt tép, đánh bắt cá trên hồ. Thú vị nhất khi đến hồ Trị An là trải nghiệm một đêm lênh đênh trên mặt hồ phẳng lặng, cảm nhận khung cảnh nên thơ, tĩnh mịch của mặt hồ. Ở đó, những căng thẳng, lo toan của cuộc sống đời thường dường như tan biến.

Lẩu măng chua cá lăng hấp dẫn

Lẩu măng chua cá lăng hấp dẫn

Tại khu bảo tồn, bạn không chỉ có dịp khám phá “thế giới” rau rừng mà còn là cơ hội để bạn tìm hiểu công dụng của các loại rau. Có thể “điểm mặt” như rau bìm bịp không chỉ ngon, ăn kèm các món lẩu mà còn được xem là một vị thuốc quý theo dân gian, có tác dụng chữa bệnh gút, giảm đau, hạ sốt, chống viêm, điều kinh... hay còn dùng giã nhuyễn chữa sưng đau, cầm máu, bong gân, gãy xương... Tên rau bìm bịp có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện kể về chim mẹ hái lá bìm bịp nhai nhỏ đắp lên vết thương cho những chú chim non.

Từ đó, người dân nơi đây mới đem loại lá đặc biệt này nghiên cứu thì phát hiện lá bìm bịp chứa nhiều canxi, rất tốt cho sức khỏe. Từ đó, loại rau này được xem như đặc sản, chỉ có tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.

Khu bảo tồn này còn là nơi giao thoa văn hóa của 13 dân tộc khác nhau. Đặc biệt, bạn có thể tìm hiểu thêm lịch sử lâu đời của các dân tộc Chơro, S’tiêng, Mạ... được xem là những cư dân đầu tiên sống trên vùng đất Đồng Nai. Bạn nên đến khu bảo tồn trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, lúc này không khí mát mẻ, khô ráo sẽ giúp bạn dễ dàng khám phá trọn vẹn những địa điểm thú vị tại đây. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị hành trang thật kỹ trước khi thực hiện chuyến đi vượt rừng như đèn pin, nước uống, kem chống muỗi... Đêm xuống, ngồi quanh bếp lửa hồng, bạn sẽ được nghe những người dân địa phương, những lão lâm một đời gắn bó với khu bảo tồn này kể về những huyền thoại rừng Mã Đà đầy thú vị...

Thủy Ngân - Thiên Trang

Tin cùng chuyên mục