Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tại Hội thảo Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại Cần Thơ, rừng ngập mặn ở ĐBSCL đang giảm cả diện tích và chất lượng. Thực tế, thời gian qua, vấn đề này đã được dư luận báo động. Tuy nhiên, vì chén cơm manh áo của con người, rừng ngập mặn ngày càng teo, bất chấp hiểm nguy cận kề.
Vì sinh kế nên phá rừng
ĐBSCL hiện có khoảng 100.000ha rừng ngập mặn, chiếm cứ trên các bãi bồi phù sa ven biển, lưu vực của cửa sông thông ra biển và các đầm trũng nội địa, tập trung ở các tỉnh: Cà Mau (58.285 ha), Bạc Liêu (4.142 ha), Sóc Trăng (2.943 ha), Trà Vinh (8.582 ha), Bến Tre (7.153 ha), Kiên Giang (322 ha), Long An (400 ha)...
Đằng sau những thảm rừng san sát lá là thân phận của bao con người chỉ biết sống bám vào biển, vào rừng. Rừng đã trở thành cần câu cơm, rừng là mái nhà của bao thân phận tha hương chọn nơi đây làm đất mưu sinh. Do vậy, mọi thứ họ đều dựa vào rừng, từ việc chặt rừng dựng chòi, chặt rừng làm củi và nghiêm trọng hơn là giết rừng đổi lấy gạo.
Nếu có dịp về Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau chứng kiến cảnh người ta hì hục xắn những nhát vá mạnh vào gốc cây mắm, lật nó lên và nhanh nhẹn bươi móc để tìm từng con sâm đất mới thấu nỗi đau của rừng. Chỉ vì bắt vài ba con sâm đất, hàng chục cây rừng được trồng 3 - 4 năm tuổi lần lượt bị lật lên. Với giá sâm đất không quá 15.000 đồng/kg, hàng ngày phải có đến hàng chục cây rừng bị lật lên để đem đổi lấy 1 kg gạo. Đây cũng là lý do vì sao, thoạt nhìn vào thảm rừng phòng hộ trông xanh, rất trù phú, nhưng đó chỉ là tấm bình phong. Bởi sau tấm bình phong mỏng manh ấy, đang diễn ra sự tàn phá rừng đến mức tàn khốc.
Theo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trong vùng, toàn tuyến rừng phòng hộ ven biển hiện nay có hàng ngàn hộ sống tự do trong rừng, với hơn hàng chục ngàn nhân khẩu, phần lớn họ đều nghèo, không đất sản xuất và rừng đang phải gánh chịu nhiều áp lực từ việc sử dụng đất, lấy gỗ, lấy củi, hầm than.
Tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, địa hình sông ngòi chằng chịt, luồng lạch ăn thông với rừng, dòng người di dân nhiều nơi về sinh sống, gây áp lực nhiều phía lên tài nguyên rừng. Ngoài bộ phận dân nghèo không có đất sản xuất, lực lượng bảo vệ rừng còn đau đầu bởi một số trường hợp người phá rừng hầm than là cán bộ cơ sở. Những người ấy có đất vuông tôm phần hậu cặp ranh với rừng, khai thác lén lút rất khó phát hiện.
Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng phòng hộ được coi là mô hình sản xuất bền vững, với doanh thu 20 - 25 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều người đã vô tâm và thẳng tay tàn sát rừng. Những thảm rừng mắm bị chết khô đến trơ gốc, rồi những cây đước có tuổi thọ 6 - 7 năm tuổi cũng bị chặt đến tận gốc để nhường chỗ nuôi tôm.
Giữ rừng bằng cách nào?
Thời gian qua, các địa phương ven biển ĐBSCL đã có nhiều cố gắng trồng lại rừng. Tuy nhiên, do sự lựa chọn cây trồng chưa phù hợp ở từng khu vực nên dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, chính quyền địa phương đã chọn trồng rừng đước nhưng do bùn lỏng nên đã có 60% - 90% số cây bị chết. Tại phân trường 184 (Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) do trồng rừng đước trên đất sét cứng nên toàn bộ diện tích rừng trồng bị chết. Ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trồng trên địa hình cao, đất sét nên tỷ lệ sống rất thấp, cây cằn cỗi và có xu hướng chết dần.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau tăng cường công tác bảo vệ song hành với khai thác và trồng mới đáng kể diện tích rừng. Chỉ tính riêng năm 2012, ngành chức năng tỉnh này đề ra kế hoạch trồng rừng mới khoảng 700 ha, nâng tổng diện tích rừng tập trung lên trên 103.700 ha. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh này đã thí điểm trồng rừng ở bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để từ đó nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng Cục Lâm nghiệp), ĐBSCL hiện còn có 479km đường đê biển chưa có đai rừng phòng hộ, chiếm 38,1% tổng số chiều dài đê biển. Trong đó có 144km đê biển có khả năng trồng rừng nhưng chưa có rừng, 335km đê chưa có rừng đang cần có các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ để trồng rừng. Hiện có nhiều đoạn bờ biển và cửa sông đang bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 310km, nhiều nhất ở: Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre.
Trước thực trạng này, ông Hà Công Tuấn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng trên, các địa phương trong vùng phải sớm rà soát lại quy hoạch hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển theo tính chất liên ngành. Đặc biệt chú trọng quy hoạch sử dụng đất để thống nhất quản lý giữa lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, thủy sản; chọn lựa những loại cây khác nhau để trồng phân bổ. Mỗi địa phương phải có một đầu mối quản lý, chú trọng tính đến các vấn đề kinh tế cho nhân dân. Ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, không nên chuyển rừng ven biển sang mục đích sử dụng khác.
Nhóm PV