Sắc màu thời đại

Một trong những chỉ dấu cho ta thấy rõ nét nhất diện mạo của thời đại chính là màu sắc trên trang phục. Nó văn minh hay lạc hậu, quý phái hay bình dân, thái bình hay loạn lạc, tự do hay khuôn phép chỉ cần nhìn vào trang phục thời đại ấy cũng có thể hiểu được phần nào.

Một trong những chỉ dấu cho ta thấy rõ nét nhất diện mạo của thời đại chính là màu sắc trên trang phục. Nó văn minh hay lạc hậu, quý phái hay bình dân, thái bình hay loạn lạc, tự do hay khuôn phép chỉ cần nhìn vào trang phục thời đại ấy cũng có thể hiểu được phần nào.

Người Việt không lưu giữ lại được nhiều lắm hiện vật hay hình ảnh về trang phục của mình. Xa xưa nhất còn sót lại cũng chỉ là vài bộ triều phục của vua Lê Dụ Tông (1705-1729) được tìm thấy cùng với ngôi mộ ướp xác ông ở vùng Thọ Xuân - Thanh Hóa. Thế nhưng rất tiếc trang phục của một ông vua chẳng bao giờ nói được nhiều điều về triều đại của mình. Đại khái chỉ có mình ông ấy được ăn mặc như thế. Dân thường cho đến quan nhất phẩm mà mặc như vậy sẽ phạm tội khi quân. Hình phạt là tru di tam tộc.

Nghề dệt vải ra đời khá sớm ở Việt Nam. Thư tịch cổ Trung Quốc đã chép lại từ thời Bắc thuộc, người Việt cổ đã biết trồng bông, trồng đay, trồng gai lấy sợi dệt vải. Lại có công chúa Ngọc Hoa, con gái vua Hùng xa xưa hơn nữa đã dạy người làng Cổ Đô - Ba Vì cách chăn tằm dệt lụa. Thế nhưng cũng phải vài ngàn năm sau nghề nhuộm tơ lụa mới ra đời. Phố Hàng Đào ngày trước có ngôi đình thờ ông bà tổ nghề nhuộm lụa tơ là Triệu Xương - Phương Dung. Hai ông bà là người làng Đan Loan - Hải Dương ra kinh kỳ lập nghiệp và mang theo nghề nhuộm quê mình. Nghề nhuộm lụa tơ có những bí quyết đặc dị và đã bị thất truyền. Áo lụa Hà Đông vì thế trong vài chục năm sau hòa bình đều bị phai màu dù chỉ gặp cơn mưa nhỏ. Hà Nội có phố Thợ Nhuộm trước gọi là Hàng Bông Nhuộm. Nghề này ở phố phát triển vào quãng đầu triều Nguyễn chuyên nhuộm vải thâm. Về sau mai một do thuốc nhuộm hóa học của Pháp mang vào.

Người Việt nhuộm vải bằng những vật liệu thiên nhiên sớm hơn thế nhiều. Miền núi có lá cây chàm nhuộm nên sắc vải sợi lanh, sợi bông tuyệt đẹp. Miền xuôi dùng củ nâu lấy trên rừng về nhuộm vải cũng cho vài màu đơn giản nhưng bền bỉ vô cùng. Cho đến tận giữa thế kỷ trước, áo nâu, quần thâm vẫn là hai màu chủ đạo trong trang phục của người Kinh - Việt Nam.

Củ nâu mua về gọt vỏ thái mỏng cho vào cối giã nát. Ngâm vào vại hơn chục ngày cho nổi bọt mới mang ra lọc kỹ lấy nước. Chế thêm chút nước vôi trong là thành thuốc nhuộm. Vải sợi bông nhuộm phơi, phơi nhuộm nhiều lần tùy theo ý thích của mình về màu sắc. Nhuộm ít lần ra vải nâu non. Thiếu nữ chưa chồng ai cũng hãnh diện có chiếc áo cánh nâu non mặc ngoài chiếc yếm thắm lụa đào. Đàn ông, đàn bà lớn tuổi và trẻ con mặc áo nâu gụ sẫm màu hơn. Phần vì vải nhuộm nhiều lần sẫm màu sẽ bền chắc hơn nhiều. Phần nữa cũng là đỡ phải giặt mà khó nhìn thấy cáu bẩn. Vải nhuộm củ nâu nhấn xuống bùn đen tự khắc chuyển màu đen. Gọi là vải thâm. Người Việt có vài cách để gọi màu đen buồn tẻ của mình mà không cần dùng đến chữ đen. Chó mực. Vải thâm. Số nhọ. Màu tang tóc. Vải thâm may váy đàn bà và quần lá tọa cho đàn ông. Thời cải cách ruộng đất, địa chủ bị mang ra đấu tố cũng thấy chỉ mặc những áo váy này mà thôi. Có chăng bớt đi vài miếng vá.

Thời chiến tranh bao cấp, nghề nhuộm thủ công bất ngờ phát triển. Gọi là thủ công là do công đoạn tiến hành. Một chiếc chảo gang lớn đun sình sịch suốt ngày trên bếp than. Thuốc nhuộm đã dùng màu hóa chất. Nghề nhuộm phát triển khắp nông thôn thành thị là bởi quan niệm ấu trĩ về việc “lộ mục tiêu”. Người ta tin rằng máy bay địch có thể trông thấy chiếc áo trắng và thả bom oanh tạc. Có bao nhiêu quần áo sáng màu phải mang nhuộm hết cho đỡ lộ.

Áo quần thời kỳ này nhuộm lại chủ yếu chỉ có hai màu chủ đạo. Đen và xanh tím than. Có thể nhạt đi chút ít thành màu lông chuột và lam sáng. Về sau có thêm màu “cứt ngựa”. Màu này không bền. Áo nhuộm lại hai lần mặc vẫn chưa rách. Ở Hà Nội có xí nghiệp nhuộm Tô Châu của nhà nước làm ăn rất phát đạt. Các cửa hàng mở đầy trên những con phố lớn Hàng Đào, Cầu Gỗ, Hàng Bài, Phố Huế, Hàng Bông… Quần áo mang đến nhuộm đánh dấu bằng chiếc tích kê sắt buộc sợi dây vào lỗ khuyết. Cũng có lúc dây đứt người ta trả nhầm quần ông hàng xóm vì tất cả đã được nhuộm cùng màu. Mang về mặc thấy thênh thang rộng. Chân cẳng và vân vân tong teo đi đằng nào hết cả mới biết.

Rất lâu rồi không còn thấy ai mặc áo nhuộm nữa. Cả ở quê và phố. Những chiếc áo chàm xanh nhuộm thủ công bây giờ được bán như đồ mỹ nghệ lưu niệm. Áo nâu non và nâu gụ chỉ còn thấy trên sân khấu vài vở kịch và phim ảnh thời chưa xa. Cũng rất khó để nhìn thấy ngoài đường nhiều người cùng lúc ăn mặc giống nhau về màu sắc. Có chăng chỉ là mấy anh chị diễu hành đi quảng cáo nhãn hàng.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục