Là vùng chuyên canh nông nghiệp của tỉnh Kon Tum, song có hơn nửa dân cư là người dân tộc thiểu số nên những năm trước đây, huyện Đăk Hà luôn phải đối mặt với vấn đề đói nghèo và tụt hậu. Từ năm 2008 trở lại đây, nhờ được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng, cộng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Đăk Hà đã trở thành điểm sáng trong bức tranh nông thôn mới của khu vực Tây Nguyên.
Quê nghèo đổi đời
Gặp “Nông dân sản xuất giỏi” Nguyễn Duy Thuần (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) khi toàn xã Hà Mòn đang hồ hởi tổ chức lễ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, anh cho hay: “Ở đâu không biết, chứ ở Hà Mòn, khi tất cả người dân đã đồng thuận, đã đoàn kết một lòng thì công cuộc xây dựng nông thôn mới về đích sớm là lẽ tất nhiên”. Xã Hà Mòn cách trung tâm huyện Đăk Hà chỉ khoảng 5km, nhưng vào những năm 1990, người dân trong xã có việc ra huyện lỵ chỉ có cách... đi bộ, đường sá bụi mù vào mùa khô, mùa mưa thì lầy lội, nhếch nhác.
Ngày đầu, sẵn có nghề thợ mộc, anh Thuần “lăng xăng” đóng cái tủ cho nhà này, sửa lại gian bếp cho nhà kia, chỉ mong đủ cơm ngày ba bữa. Nhưng với gốc gác nông dân, anh mạnh dạn vay mượn để mua đất trồng cà phê, rồi nhận khoán vườn cây của nông trường. Quen tay hay làm, nên 5ha cà phê đã xanh tốt, bội thu. Giờ đây, khi đã là “chủ đồn điền” với bạt ngàn cà phê, mỗi năm thu nhập gần cả tỷ đồng, anh Thuần đang tính chuyện mua nhà ở TP Kon Tum (tỉnh lỵ tỉnh Kon Tum) để cho con đi học cấp 3.
Từ thị trấn Đăk Hà, men theo kênh thủy lợi đầy ắp nước, đến xã Hà Mòn. Dọc theo con đường trải nhựa phẳng lì vào xã Hà Mòn là những ngôi nhà ngói mới san sát, xen giữa những vườn cà phê xanh mướt là những ngôi biệt thự khang trang. Ông Nguyễn Kế Trường, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn tự hào khoe: Giờ xã Hà Mòn chẳng còn hộ nào nghèo, số hộ giàu, khá chiếm đến gần 70%; thu nhập bình quân đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,2 lần so với thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn của tỉnh Kon Tum.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, người được hưởng lợi chính là nhân dân. Nhận thức rõ điều đó nên lãnh đạo xã Hà Mòn đã tích cực phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã và các tổ chức đoàn thể, cùng phối hợp tổ chức các buổi họp dân để vừa thực hiện công tác tuyên truyền, vừa bàn bạc, thống nhất từng nội dung thực hiện.
Ông Vũ Xuân Cầu, người tiên phong trong phong trào hiến đất xây chợ của xã chia sẻ: “Hiến đất để xã xây chợ cũng là đầu tư cho chính mình, vì thế tôi sẵn sàng hiến 1.200m² đất không đòi hỏi gì cả”. Ông Đào Anh Thư, Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn, thổ lộ: “Hiện, ngoài số lượng lớn lao động đã qua các lớp đào tạo, xã còn hàng ngàn lao động trước đây làm công nhân quốc phòng có kỷ luật lao động, có trình độ và tinh thần hợp tác. Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu để Hà Mòn vượt qua khó khăn, thách thức, trở thành vùng sản xuất cà phê hiệu quả ở tỉnh Kon Tum, xứng đáng với danh hiệu vùng nông thôn mới tiêu biểu của Tây Nguyên”.
Có “ngân hàng”, giã từ chuyện vay gạo
Mùa xuân đang đến gần, khắp các vùng quê của huyện Đăk Hà, những vườn cà phê hoa nở trắng, hương thơm ngan ngát. Tại xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) chiều cuối năm, tiếng xe công nông, máy kéo, tiếng công nhân cạo mủ cao su đan nhau rộn rã. Chứng kiến hình ảnh trên, ít ai biết rằng chỉ cách đây khoảng 5 năm, vào thời điểm này, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã phải đôn đáo chạy ăn từng bữa.
Gạt vội dòng mồ hôi trên mí mắt, chị Y Reh ở thôn Kon Jri (xã Ngọc Wang) kể: “Nhà mình làm hơn 2.000m² cà phê, 1ha mì, nên đến mùa giáp hạt phải đi vay ăn. Chẳng biết đã bao nhiêu lần vay, nhưng nhớ nhất là lần vay 50kg gạo mà trong mấy tháng phải trả 500kg mì khô. Tính ra họ ăn lãi mình gần 200kg gạo… May mà có cái “ngân hàng lương thực” ở thôn”. Cũng ở hoàn cảnh quanh năm thiếu đói như chị Y Reh, bao năm nay, gia đình ông A Đớt, trú ở làng Kon Joong, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) phải bán lúa non. Cả vợ chồng, con cái, nhà có đến cả chục miệng ăn, liên tục trong cảnh “giật gấu, vá vai”. Mỗi kỳ giáp hạt ông lại loay hoay vay mượn, rồi lo trả nợ tư thương.
A Đớt bức xúc cho hay: “Nhiều năm rồi, vợ chồng, con cái nhà mình phải sống trong tình cảnh bấp bênh như thế. Cũng vì bán hạt bắp, củ mì trên rẫy với giá rẻ, mua lúa nợ của tư thương lúc giáp hạt quá đắt nên gia đình mình nghèo miết. Nay có “ngân hàng” của thôn cho mình vay lúa, đến lúc thu hoạch mang trả không bị tính lãi, gia đình mình rất vui...”.
Những câu chuyện trên là nỗi niềm rất thật của hàng ngàn gia đình người dân tộc thiểu số nghèo ở huyện Đăk Hà. Đây cũng là vấn đề nan giải trong suốt thời gian dài của vùng chuyên canh cà phê Đăk Hà. Trong những lần đi khảo sát cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện, chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc thiểu số bán củ mì, trái bắp, hạt cà phê với giá rẻ, mua gạo với giá quá cao, ông Phạm Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà lúc bấy giờ (nay là Bí thư Huyện ủy Đăk Hà) đã nảy ra sáng kiến xây dựng các “Ngân hàng lương thực cộng đồng” ngay tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mỗi “ngân hàng” được cấp 5 tấn lương thực để dự trữ, phần còn lại, chính quyền địa phương huy động sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, kết hợp với vận động bà con mang nguồn lương thực dôi dư trong gia đình gửi vào “ngân hàng”. Các thôn tự huy động dân góp vật liệu xây dựng kho. Đối tượng được vay, mức vay do các thôn đề đạt để xã quyết định… Đến vụ giáp hạt, các hộ nghèo, hộ gặp rủi ro đã không phải đi vay, cầm cố. Nạn cho vay nặng lãi lương thực trong huyện đã gần như chấm dứt.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà khẳng định: Đến nay, đã có 59/67 làng đồng bào dân tộc thiểu số có “ngân hàng lương thực”. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm “ngân hàng” tại các thôn còn lại. Hoàn thành chỉ tiêu này, tình trạng các hộ nghèo, thiếu đói, phải vay nặng lãi trong thời điểm giáp hạt sẽ chấm dứt. Đây cũng là sự ứng phó chủ động và hiệu quả theo yêu cầu “4 tại chỗ” nếu thiên tai, bão lũ xảy ra.
ĐỨC TRUNG