Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị kinh doanh sách liên tục đưa ra các chương trình hoạt động kinh doanh sách điện tử (ebook), tạo nên sự sôi động cho thị trường ebook trong nước.
Háo hức đọc sách điện tử
Mới đây, Công ty VH Phương Nam đã gây ngạc nhiên với việc ra mắt một nhà sách chuyên kinh doanh sách điện tử tại tầng B2, Trung tâm thương mại Vincom với diện tích hơn 500m2. Đây là nhà sách đầu tiên chuyên dành cho ebook trong cả nước. Trước đó, ebook chỉ có tại các nhà sách trực tuyến, kinh doanh qua mạng.
Tại Hội sách TPHCM lần thứ 7, ebook cũng là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất. Các gian hàng của Lạc Việt, Alezza, Phương Nam, NXB Trẻ… luôn đông khách tìm hiểu về ebook. Thậm chí, gian hàng điện tử của Samsung năm nay cũng được tham gia hội chợ sách do có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đọc ebook.
NXB Trẻ được xem là đơn vị đi đầu khối các NXB trong lĩnh vực ebook. Đến nay, khâu hạ tầng kỹ thuật cho việc xuất bản sách ebook xem như đã hoàn thiện, chỉ còn đợi hoàn tất các vấn đề về thủ tục là có thể triển khai việc xuất bản sách ebook. NXB Tổng hợp TP đang gấp rút triển khai mô hình kinh doanh ebook, dự kiến sẽ được giới thiệu trong thời gian sắp tới.
Các đơn vị kinh doanh sách tư nhân cũng đã mau chóng bắt kịp nhu cầu ebook như Chibooks đã liên kết với Alezza để chuyển hầu hết đầu sách sang dạng điện tử. Firstnews (Trí Việt) hợp tác với Epsilon Mobile, một đơn vị chuyên về khai thác dịch vụ trên thiết bị di động để số hóa sách…
Lo lắng ebook lậu?
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản đã khẳng định việc tạo hành lang pháp lý cho xuất bản, phát hành ebook là một trong những trọng tâm quan trọng nhất của luật xuất bản mới. Tuy nhiên, từ nay cho đến khi luật xuất bản mới được thông qua, triển khai, trên thực tế ebook hầu như hoạt động không có hành lang pháp lý cụ thể nào.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Ebook đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề riêng, chẳng hạn sách chỉ xuất bản trên mạng nhưng có 1 bạn đọc có ý muốn mua dạng sách giấy, NXB thừa sức để in ngay 1 bản sách nhưng luật lại chưa có quy định gì về việc đó nên đành chịu”.
Do những vấn đề về công nghệ, ebook không chỉ thuần túy là chữ, hình mà còn có thể tích hợp âm thanh, âm nhạc, phim ảnh… Việc quản lý, cấp phép những sản phẩm văn hóa có tính chất chung như thế cũng chưa có quy định cụ thể nào.
Vấn đề bản quyền cũng là điều mà những người kinh doanh ebook đang lo lắng. Hiện có 2 khuynh hướng chống ebook lậu khác nhau, một bên tập trung vào kỹ thuật với những công nghệ chống sao chép tiên tiến. Bên kia dùng giá rẻ để chống sách lậu, “Với mức giá 10 - 15 ngàn đồng/bản sách thì bạn đọc chân chính chắc chẳng ai nỡ chép lậu”, giám đốc một NXB cho biết.
Ebook là sản phẩm hiện đại đang góp phần đem đến những luồng sinh khí mới cho văn hóa đọc. Để có thể phát huy hiệu quả loại hình sách này, bên cạnh nỗ lực kinh doanh của các doanh nghiệp đang rất cần nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm sớm đưa ra những hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả bảo đảm quyền lợi chính đáng của người làm sách cũng như lợi ích của bạn đọc.
Tường Vy