Sách giảm giá và nỗ lực giảm giá sách

Hình ảnh những gian hàng đề bảng giảm giá 30%, 40%, thậm chí 50% đã trở nên bình thường trong các dịp hội sách, dù ở Hà Nội, TPHCM hay Cần Thơ…
Sách giảm giá thu hút rất đông người mua
Sách giảm giá thu hút rất đông người mua
Câu hỏi vì sao sách có thể bán giá thấp như thế nhưng giá sách ở các nhà sách lại vẫn bị xem là cao, một lần nữa được khơi lại.
Từ sách giảm giá
Những năm gần đây, người đọc sách đã quen với khái niệm sách giảm giá. Ban đầu chỉ là các đợt giảm giá của từng đơn vị kinh doanh sách, rồi nhiều đơn vị làm sách hợp lại tổ chức các phiên chợ sách giảm giá và thậm chí gần đây, người ta còn tổ chức hẳn các hội chợ sách chỉ nhằm bán sách giảm giá. Một đặc điểm chung là các dịp bán sách giảm giá đều thu hút rất đông người mua, mức giảm cũng vô cùng đa dạng. Trước đây, mức giảm thấp nhất thường là 10%, nhưng nay con số này đã được đẩy lên 20% và do giới hạn bởi luật nên mức giảm cao nhất dừng ở 50%. Thế nhưng, người làm sách đã tìm ra cách lách luật để vượt qua giới hạn, như sách đồng giá (cuốn sách 40.000, 50.000 hoặc 60.000 đồng, được bán cùng một giá 10.000 hoặc 20.000 đồng). Về cơ bản, mức giảm đó là trên 50% nhưng lại không bị chế tài bởi quy định. Vừa qua, người kinh doanh sách còn “phát minh” một kiểu bán giảm giá mới, là bán theo trọng lượng (tính ký). Cách làm này giống với hình thức bán sách theo kiểu giấy vụn, thay vì là đống sách hỗn tạp, nay bạn đọc có thể chọn lựa cuốn sách ưng ý và cân lên tính tiền.
Nhiều bạn đọc cho rằng, sách giảm giá là sách ế, tồn kho… Điều này chỉ mới đúng một nửa, việc bán giảm giá sách cũng chính là một cách thanh lý sách vì lý do nào đó không bán được, nhằm thu hồi vốn cho đơn vị kinh doanh. Thế nhưng, có rất nhiều trường hợp ngay trong ngày ra mắt sách cũng được giảm giá 20%. Tại hội sách vừa qua, rất nhiều gian hàng như Tiki, Vinabook, Phương Nam… giảm giá sách cho những tác phẩm mới, tác phẩm ăn khách, đây chắc chắn không phải sách tồn kho. Trong những trường hợp này, việc giảm giá được xem là một hình thức quảng bá cho thương hiệu, thu hút bạn đọc hơn là cân đối doanh thu. Thực chất, cách làm này không mấy xa lạ, trước đây từng có một “cuộc chiến” giảm giá sách giữa hai thương hiệu bán sách trực tuyến gây xôn xao dư luận xã hội.
Đến giảm giá sách
Tại chương trình tọa đàm về xuất bản từng được tổ chức tại Đường sách TPHCM, một chuyên gia về xuất bản khi giới thiệu cho các bạn trẻ về việc làm sao để xuất bản một cuốn sách, đã đề cập đến chi phí để thực hiện sách, bao gồm các khoản như: giấy phép xuất bản, thiết kế dàn trang, in ấn, nhuận bút, truyền thông, phát hành…, trong đó chi phí phát hành được xem là cao nhất, chiếm khoảng 30%-40% giá thành một cuốn sách. 
Vậy câu hỏi được đặt ra là có thể giảm giá sách hay không? Câu trả lời là có và nó nằm ở phí phát hành, bởi vì những khoản chi khác đã có quy định cụ thể hoặc nằm ngoài sự khống chế của ngành xuất bản (giấy, mực, vận tải…). Trên thực tế, đã có một số nhà sách luôn bán sách với mức giá giảm từ 10%-20% nhờ việc giảm chiết khấu phát hành. Nhưng con số này rất ít và các nhà sách hoạt động với mô hình như vậy đều có quy mô nhỏ, giới hạn tại một vài địa phương. 
Cách nay vài năm, một nhà giáo sau hơn 40 năm giảng dạy, khi về hưu đã quyết định viết một cuốn sách về chuyện đời, chuyện nghề. Sách được xuất bản nhưng khi phát hành thì tác giả bối rối khi thấy chiết khấu phát hành của các đơn vị phát hành lớn quá cao, nên cô đã chọn một đơn vị phát hành nhỏ do một người quen điều hành có mức chiết khấu thấp. Biết tin cô giáo ra sách, hàng loạt những cựu học trò, bạn bè, người thân trên khắp mọi miền đất nước đã ngỏ ý muốn mua cuốn sách. Thế nhưng, do đơn vị phát hành chỉ giới hạn trong khu vực TP và một vài tỉnh xung quanh nên những người ở xa không thể tìm mua, cô giáo cũng không thể gửi sách cho từng người. Cuối cùng, cô đã chuyển sách qua cho một đơn vị phát hành lớn thực hiện. Với hệ thống nhà sách trải dài khắp cả nước của đơn vị này, dù tận Cà Mau hay vùng Tây Nguyên, dù các tỉnh miền Trung hay khu vực đồng bằng Bắc bộ… chỉ cần đến nhà sách trong khu vực là có thể mua cuốn sách của cô giáo. 
Không chỉ ở Việt Nam, một chuyên gia xuất bản Đức khi giao lưu tại Việt Nam đã tiết lộ rằng, tại Đức hay châu Âu, mức phí phát hành đều rất cao, lên đến 50% tổng giá trị cuốn sách. Bù lại, sách được phát hành đến bạn đọc với quy mô lớn, dịch vụ chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, các đơn vị phát hành lớn cũng đang cạnh tranh quyết liệt, có nơi bằng quy mô, có nơi lại bằng dịch vụ cao cấp…
Thực tế, việc phân định giá sách cao hay thấp là một vấn đề mang tính trừu tượng. Ở đô thị, giá sách trung bình khoảng 100.000 đồng/cuốn, xấp xỉ bằng giá 1 vé xem phim, có thể không là gì với người mê đọc sách. Nhưng ở vùng nông thôn, mức sống còn thấp, rõ ràng giá sách là cả một vấn đề cho độc giả. Nghịch lý ở chỗ, chính ở các vùng đô thị, bạn đọc tiếp cận sách giá rẻ dễ hơn do việc phân phối dễ dàng, chi phí thấp hơn. Trong khi, ở vùng sâu vùng xa, nơi gặp nhiều khó khăn, giá sách lại không giảm do tốn kém nhiều khoản chi phí. Trong khi đó, các nhà phát hành lớn hiện nay đều là các đơn vị kinh doanh, không thể bắt họ đi ngược lại mục tiêu kinh doanh khi phải bỏ ra chi phí lớn để đưa sách đến vùng xa rồi bán với giá thấp.
Tại hội nghị về công tác xuất bản năm 2018 do Bộ TT-TT tổ chức tại Huế vừa qua, vấn đề phát hành sách đến khu vực vùng sâu vùng xa lại được nhắc đến và được xem là trọng tâm của ngành xuất bản trong thời gian tới. Nhưng để làm được điều này lại rất khó khăn, các đơn vị phát hành địa phương đa phần thiếu vốn, nhân lực, ngay cả khâu phát hành ở các khu vực đô thị của địa phương còn gặp nhiều trở ngại chứ chưa nói đến đưa về vùng sâu, vùng xa.
Một đề xuất được nêu lên trong việc phát hành sách là thay vì trông chờ vào các đơn vị phát hành tại địa phương, Nhà nước có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ về vốn, ưu đã về thuế… để chính các nhà phát hành lớn tham gia vào việc đưa sách về vùng sâu, vùng xa. Với ưu thế về nhân lực, tính chuyên nghiệp, nếu được sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị có thể dễ dàng đưa sách về các vùng có nhu cầu với giá thành thấp. Từ đó, góp phần phổ biến, nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa đọc của người dân.

Tin cùng chuyên mục