Sách giáo khoa làm cuốn chiếu như hiện nay là không ổn

Với nhiều năm tham gia giảng dạy cho đến kinh nghiệm quản lý, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đã thẳng thắn chia sẻ, phân tích những hạn chế cũng như đưa ra những kiến nghị trong việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) phục vụ cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

SGK mới phải có tính kế thừa, tính đổi mới

* Phóng viên: Thưa ông, với nhiều năm giảng dạy và làm quản lý, theo ông, đã là SGK thì phải đạt những yêu cầu gì?

Sách giáo khoa làm cuốn chiếu như hiện nay là không ổn ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

 - Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM NGUYỄN VĂN NGAI: Theo tôi, đã là SGK cần phải đạt một số yêu cầu tối thiểu sau: Một là phải tuân thủ nghiêm và cụ thể hóa được các chủ trương, định hướng của Trung ương (Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông) và Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.

Hai là phải thực hiện đúng những chỉ đạo triển khai, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước nêu trên (Quyết định số 2632 về “Phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 88 và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33 của Bộ GD-ĐT).

Ba là phải cụ thể hóa được mục tiêu giáo dục của từng bậc học, cấp học được nêu trong Luật Giáo dục 2019 hiệu lực thi hành ngày 1-7-2020. 

Bốn là phải đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, yêu cầu phát triển của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo được tính kế thừa những ưu điểm của sách giáo khoa cũ. Những cơ sở này đòi hỏi những người được giao trọng trách biên soạn SGK phải khảo sát, đánh giá xem SGK trước đổi mới (tạm gọi là SGK cũ) có những ưu điểm, hạn chế và thiếu nội dung, kiến thức gì so với yêu cầu đổi mới. Từ đó, SGK mới phải tiếp tục kế thừa, phát triển những ưu điểm, điều chỉnh hạn chế, bổ sung những gì còn thiếu của SGK cũ so với yêu cầu đổi mới; đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế. 

Năm là SGK mới phải cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất học sinh theo từng cấp học, lớp học. Nội dung từng bài học trong SGK phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh từng khối lớp, cấp học, bậc học; với văn hóa, nếp sống, phong tục, tập quán của người Việt Nam; ngữ liệu sử dụng phải trong sáng, thông dụng, dễ hiểu; tài liệu, tư liệu trích dẫn chủ yếu lấy từ kho tàng văn học, lịch sử Việt Nam (hạn chế sử dụng, vay mượn tài liệu, tư liệu nước ngoài). 

* Để biên soạn bộ SGK mới cho đổi mới, cải cách giáo dục phổ thông chúng ta cần những yếu tố gì? Đội ngũ được chọn lựa viết sách ra sao?

 - Để biên soạn bộ SGK mới cho đổi mới, cải cách giáo dục phổ thông, theo tôi, ngoài kinh phí (tiền) và một số điều kiện cần thiết khác thì việc tuyển chọn đội ngũ biên soạn SGK là rất quan trọng. Đội ngũ này không những phải đạt những tiêu chuẩn theo Điều 13 của Thông tư số 33 của Bộ GD-ĐT mà còn phải am hiểu kiến thức về môn học mình phụ trách, có kinh nghiệm thực tiễn trong dạy học, hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh có liên quan đến SGK mà mình phụ trách biên soạn, đồng thời cần phải nắm vững chủ trương của Đảng, quy định chỉ đạo của Nhà nước và hướng dẫn, triển khai cụ thể của ngành.

Ngoài ra, thành phần người tham gia biên soạn SGK phải có một tỷ lệ hợp lý về đội ngũ các nhà khoa học giáo dục, các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo giỏi, có kinh nghiệm đã, đang giảng dạy môn học ở cấp học, lớp học có liên quan đến cấp, lớp mà mình tham gia biên soạn SGK. Trong đó, tỷ lệ thầy cô giáo đã, đang đứng lớp giảng dạy phải đạt ít nhất 1/3 số thành viên của hội đồng. Nhất thiết những người tham gia biên SGK phải được học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những hướng dẫn có liên quan của ngành và được bồi dưỡng phương pháp viết SGK.

Xử lý sai sót chưa kiên quyết, thiếu thuyết phục

 * Theo ông, SGK tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều, có quá nhiều sai sót thì nên chỉnh lý, hiệu đính hay phải bỏ đi làm lại?

 - Cần cố gắng với quyết tâm cao là không để sai sót trong việc viết SGK. Tuy nhiên, nếu có sai sót thì tùy theo tình hình cụ thể của mức độ, liều lượng sai sót, thời gian phát hiện sai sót mà có thể có văn bản đính chính, bổ sung, điều chỉnh ngay hoặc sẽ thực hiện việc đính chính, bổ sung, điều chỉnh khi tái bản để sử dụng cho năm học sau. Riêng SGK tiếng Việt lớp 1 của nhóm tác giả Cánh Diều đã được phát hiện có nhiều sai sót, theo tôi là nên thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK mới để khẩn trương thẩm định lại bộ SGK này và có quyết định phù hợp, kiên quyết hơn trên cơ sở vì sự phát triển của đất nước Việt Nam, vì tương lai con em của chúng ta. 

Qua thẩm định lại, nếu thấy không có khả năng sửa chữa hoàn chỉnh theo yêu cầu như mong muốn về nội dung hoặc về thời gian sửa chữa không kịp để phục vụ tiến độ dạy và học cho năm học 2020-2021 thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên có quyết định tạm ngưng sử dụng, chờ hoàn chỉnh để sử dụng vào năm học sau (nếu hội đồng thẩm định lại có kết luận là đạt yêu cầu sau khi chỉnh lý những sai sót). Khi đó, những nơi đang sử dụng bộ sách này sẽ chọn để đưa vào sử dụng một bộ SGK của nhóm tác giả khác phù hợp hơn.  

* Liệu với việc chỉ dừng ở rút kinh nghiệm sai sót thì có đủ liều để không tái diễn sai sót trong những bộ SGK sau này không?

 - Theo tôi, xử lý đối với những sai sót khá nghiêm trọng trong việc biên soạn, thẩm định, quyết định phê duyệt đưa vào sử dụng SGK tiếng Việt lớp 1 của nhóm tác giả Cánh Diều vừa qua là chưa thật kiên quyết. Dư luận xã hội và đa số giáo viên trực tiếp đứng lớp chưa đồng tình (dù họ chưa dám mạnh dạn nêu chính kiến của mình công khai). Việc xử lý thiếu kiên quyết đó (bao gồm sự thiếu dũng cảm nhận trách nhiệm của người có trách nhiệm chính ở từng khâu, từng việc và việc xử lý chưa nghiêm, chưa đúng mức đối với những người có trách nhiệm liên quan đến việc sai sót) vừa không đủ sức ngăn ngừa những lỗi vi phạm tương tự tái diễn, vừa thiếu trách nhiệm với việc giáo dục, truyền thụ kiến thức cho học sinh - nguồn nhân lực tương lai của đất nước; đồng thời làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với những việc làm tiếp theo của ngành.  

Phải thận trọng, chỉn chu cả về nội dung và hình thức

 * Với cách làm hiện nay theo kiểu cuốn chiếu, không đồng bộ mà năm nay sách lớp 1, sang năm sách lớp 2 và lớp 6 liệu có ổn không? Tại sao chúng ta không làm một cách tổng thể, công bố rộng rãi, thể nghiệm thực tế để lấy ý kiến đóng góp trước khi đưa vào giảng dạy?

 - Theo quan niệm mới hiện nay thì SGK không còn là “pháp lệnh” như trước đây (chỉ có chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 mới là pháp lệnh). Nhưng SGK hiện nay là tài liệu chính thức được sử dụng cho việc dạy và học trong trường phổ thông. SGK cụ thể hóa chương trình phổ thông 2018, một tài liệu rất quan trọng không thể thiếu trong nhà trường. 

Do vậy, SGK cần được biên soạn thật thận trọng, thật chỉn chu cả về nội dung lẫn hình thức theo những yêu cầu đã nêu ở phần trên; đồng thời phải chuẩn xác về ngữ liệu, ngôn phong và đẹp về hình thức (phù hợp với lứa tuổi học sinh ở từng cấp lớp, bậc học). Từ đó cho thấy với cách làm theo kiểu cuốn chiếu như hiện nay (năm nay biên soạn và đưa vào sử dụng SGK lớp 1, sang năm biên soạn và đưa vào sử dụng SGK lớp 2 và lớp 6 và tiếp tục theo lộ trình từng năm như đã quy định cho đến khi hoàn chỉnh bộ SGK của tất cả các cấp học, bậc học phổ thông) là không ổn.

Theo tôi, với tinh thần chậm mà chắc, nên dù có chậm tiến độ so với lộ trình đã quy định, nhưng vì đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và vì tương lai thế hệ trẻ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần xem xét, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ cho phép được tăng thêm thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 để có đủ thời gian cho việc biên soạn những bộ SGK thật hoàn chỉnh, đạt yêu cầu đổi mới. 

Bộ GD-ĐT phải yêu cầu các nhà xuất bản, các nhóm biên soạn SGK phải soạn xong toàn bộ SGK của tất cả các lớp trong từng cấp học hoặc ít nhất phải có đề cương tổng thể, chi tiết về SGK của từng lớp trong từng cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua và được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt thì mới bắt tay biên soạn SGK từng lớp của mỗi cấp học để đưa vào sử dụng trong nhà trường.

Trong quá trình xây dựng đề cương tổng thể, quá trình biên soạn SGK theo đề cương đó, trước khi thông qua các hội đồng, các tổ chức, cá nhân theo quy định cần công bố rộng rãi (theo quy định) để lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng của người dân (trong đó bao gồm cả các chuyên gia, các nhà khoa học giáo dục, các nhà quản lý giáo dục và lực lượng đông đảo giáo viên…) với tinh thần thật sự cầu thị của người làm khoa học. 

Ngoài ra, cần đưa ra thực nghiệm thực tế với thời gian phù hợp, địa bàn thực nghiệm rộng bao gồm những vùng miền có đặc trưng khác nhau (vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện về đời sống, kinh tế thuận lợi, vùng khó khăn…), với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau về đời sống, khả năng tiếp thu… 

Không thể tái diễn sai sót về nội dung

Niềm tin vào đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang có phần lung lay vì những cách làm chưa thuyết phục, cụ thể là việc SGK của nhóm tác giả Cánh Diều có những hạt sạn và đặc biệt là sự nhìn nhận, cách giải quyết sau sự cố đáng tiếc đó của những người có trách nhiệm liên quan. 

Theo tôi, để lấy lại niềm tin, những người được giao trọng trách cần phải làm các việc sau: Những người được giao trọng trách phê duyệt, thẩm định, biên soạn SGK phải bình tâm với tinh thần trách nhiệm, tinh thần cầu thị để lắng nghe, thành khẩn tiếp thu những ý kiến đóng góp từ nhiều nguồn về những hạt sạn đã được phát hiện có trong SGK của nhóm Cánh Diều. Từ đó tìm ra những nguyên nhân của việc để xảy ra những sai sót (nhiều hạt sạn) như vừa qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chủ quan.

Phải giải quyết, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức và cá nhân có trách nhiệm liên quan, đặc biệt là người chịu trách nhiệm chính đã để xảy ra sai sót và đề ra phương hướng khắc phục thật cụ thể, có tính khả thi và có tính thuyết phục cao. Phải cam kết không để tái diễn sự cố đáng tiếc đã xảy ra bằng cách đề ra những việc cụ thể sẽ phải làm như về tổ chức lại nhân sự các hội đồng (hội đồng biên soạn SGK, hội đồng quốc gia thẩm định SGK), về những việc làm cụ thể trong việc biên soạn SGK, tiến độ thực hiện và quy trình công việc sẽ làm để mang lại hiệu quả tốt nhất.

SGK phổ thông là một tài liệu rất quan trọng cho việc giảng dạy của thầy, học tập của trò trong nhà trường phổ thông, do đó cần phải coi trọng việc biên soạn, tránh sai sót nhất là sai sót về nội dung. Tuy nhiên, khi phát hiện có sai sót phải thành khẩn thừa nhận với sự dũng cảm với tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc, vì tương lai thế hệ trẻ, trong đó có con, cháu của mình. Với việc thành khẩn nhận sai sót và quyết tâm sửa chữa chắc chắn sẽ được dư luận xã hội cảm thông và hoan nghênh. Ngược lại, nếu không thừa nhận sai sót hoặc nhận cho có, sửa chữa cho qua chuyện chắc chắn sẽ bị xã hội xem thường và đã mất uy tín thì lại càng mất uy tín hơn.

Tin cùng chuyên mục