Nguyễn Nhật Ánh không chỉ thuần túy là tên một nhà văn, hơn thế nữa, đó còn là một thương hiệu trong lòng độc giả. Sách của anh luôn mang chất dí dỏm, vui tươi, thích hợp nhất với những bạn đọc nhỏ tuổi nhưng cũng không hề xa lạ với bạn đọc trưởng thành. Để tạo được dấu ấn hàng chục năm với bạn đọc, nhà văn đã phải không ngừng nỗ lực, rất nhiều tác phẩm của anh đã thể hiện cố gắng làm mới chính mình để chinh phục độc giả. “Đảo mộng mơ” (NXB Trẻ và Công ty sách Đông A liên kết xuất bản) vừa ra mắt bạn đọc chính là sự làm mới đầy ngạc nhiên của nhà văn.
Thiên đường của tuổi thơ
Đảo mộng mơ có nội dung rất nhẹ nhàng. Nó mở đầu như trong một câu chuyện phiêu lưu, cậu bé Tin lạc trên một hòn đảo hoang xa xôi, xung quanh đầy cá mập. Tự nhận mình là “chúa đảo”, vị chúa đảo đã cùng với hai người bạn mà cậu gọi là “chúa đảo phu nhân” và “người thổ dân tên Thứ Bảy” đã xây dựng hòn đảo thành một thiên đường. Hòn đảo cũng đã thay đổi bản thân ba người bạn, từ những cậu bé, cô bé nhút nhát, họ đã thay đổi, mạnh mẽ hơn, sôi động hơn và nhất là giàu trí tưởng tượng hơn.
Giàu trí tưởng tượng, đó cũng chính là những gì tác giả gửi gắm vào Đảo mộng mơ. Bởi vì hòn đảo huyền bí, nơi có “rất nhiều cát, những cây cọ mọc rải rác…”, còn có “những căn lều bị tốc mái, một con sư tử được thuần hóa và hằng năm có bốn trận bão lớn lồng lộn” đó thực tế chỉ là một đống cát được ba của cậu bé Tin mua về xây nhà kho mới. Chỉ một đống cát, ba người bạn, một con cún con, họ đã xây dựng ra một thiên đường của tuổi thơ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được xem là một tài năng đặc biệt trong văn học thiếu nhi Việt Nam. Các tài đặc biệt của anh nằm ở lối kể chuyện rất riêng, không ai có thể bắt chước được. Thoáng đọc, tác phẩm có vẻ rất đơn giản về mặt câu chuyện thế nhưng với mỗi người đọc, mỗi câu chữ lại đưa đến những cảm xúc khác hẳn nhau. Với trẻ em, thế giới của Đảo mộng mơ như trả các em về với trí tưởng tượng vô cùng phong phú mà những trò chơi điện tử đang dần bào mòn đi. Với người lớn, Đảo mộng mơ lại làm họ thoáng mỉm cười, nhớ về một thuở mà một đống cát cũng có thể là hòn đảo hoang giữa biển khơi, một con cá lòng tong cũng có thể là cá mập đầy nguy hiểm. Thời gian, sự trưởng thành, nỗi lo toan cuộc sống, những say mê hiện đại đã làm kỷ niệm của một thời tuổi thơ mất đi. Đảo mộng mơ nhẹ nhàng gợi cho người đọc những kỷ niệm đó.
Không ngẫu nhiên khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được xem là tác giả của dòng văn học thiếu nhi, thiếu niên nhưng bạn đọc người lớn của anh chiếm số lượng không nhỏ.
Vị thế cao hơn
Kích thích sự tưởng tượng của bạn đọc thiếu nhi, gợi lại kỷ niệm thời ấu thơ với bạn đọc người lớn. Có người hỏi rằng, nếu thế Đảo mộng mơ khác gì Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm từng đứng đầu danh sách được ưa chuộng nhất tại Hội sách TPHCM hai năm trước. Không lẽ Nguyễn Nhật Ánh lặp lại chính mình?
Nói lặp lại thì không sai nhưng chưa thật chính xác! Đảo mộng mơ quay lại vị trí của Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ nhưng ở một vị thế cao hơn, phát triển hơn.
Ở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhà văn lần đầu có sự pha trộn giữa một tâm hồn thiếu nhi trẻ trung với một suy nghĩ chững chạc, sâu xa của một người trưởng thành. Sự pha trộn này khá rõ ràng, rành mạch. Đến Đảo mộng mơ, sự pha trộn này đã trở nên hòa quyện hơn bao giờ hết. Vẫn là đó sự tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ nơi con cún có thể là sư tử, con mèo là con báo, nơi mà vị “chúa đảo” cùng “chúa đảo phu nhân” cùng gật gù “tụi mình cưới nhau được ba năm rồi” cho đúng bài bản dù thực tế trò chơi mới chỉ được 15 phút!
Bạn đọc nhỏ có thể không mấy để ý nhưng nếu người đọc là người đã trưởng thành, hẳn sẽ khựng lại khi cậu bé Tin kể cho bạn mình sự ủng hộ của người cha với trò chơi tưởng tượng của mình và rồi thốt lên: “Nếu ba mày còn sống thế nào ba mày cũng bênh mày”.
Một điều đặc biệt nữa ở Đảo mộng mơ là hình thức của sách ảnh hưởng đến cách cảm nhận nội dung. Tác phẩm có hai phiên bản, bản bình thường khổ 13,5x20,5cm như nhiều tác phẩm khác của nhà văn. Nhưng bản khổ 25x25 lại gợi nhiều kỷ niệm. Sách in màu đẹp, bìa cứng và quan trọng nhất là với khổ đó, tranh minh họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường được thể hiện sống động xung quanh những câu chữ. Nói gợi lại kỷ niệm vì bản sách bìa cứng này rất giống với các truyện thiếu nhi của NXB Cầu Vồng (Liên Xô cũ) như Buratino và chiếc chìa khóa vàng, Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc… là những cuốn truyện thiếu nhi từng một thời nuôi dưỡng bao sự tưởng tượng của thiếu nhi Việt Nam. Với khổ rộng, cách cảm nhận sách cũng trở nên thoáng hơn, không gian tưởng tượng là một hoang đảo cũng có phần rộng lớn hơn trong trí tưởng tượng của người đọc.
Tường Vy