Cận kề Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4), một thông tin gây xôn xao thị trường sách thế giới khi Tòa án tối cao Mỹ chính thức bác đơn kháng cáo buộc tội Google, một trong những công ty cung cấp thông tin lớn nhất trên Internet, vì tự ý số hóa hàng triệu đầu sách của các tác giả trên toàn cầu.
Vào cuối năm 2004, dự án số hóa sách đầy tham vọng của Google với tên gọi Google Book được triển khai. Theo đó, sẽ có ít nhất là 150 triệu cuốn sách trên toàn thế giới được số hóa và đưa lên mạng, tạo thành một thư viện số khổng lồ. Về vấn đề bản quyền, Google khi đó đề xuất con số 125 triệu USD trả cho các tác giả để nhận được giấy phép sử dụng sách, đồng thời tiếp tục trả tiền cho sách được sử dụng tính theo số lần hiển thị.
Dự án này đã ảnh hưởng cực lớn đối với toàn bộ ngành xuất bản thế giới khi đó, đặc biệt là trong bối cảnh sách điện tử (ebook) đang dần hình thành, dự báo sẽ trở thành phương thức đọc sách mới thay thế cho phương thức đọc sách truyền thống bằng sách in như trước đây. Sự kiện này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới xuất bản, sáng tác ở Việt Nam khi ước tính Google sẽ trả khoảng 4 triệu USD cho các tác giả Việt Nam có sách được đưa lên Google Book.
Thế nhưng với một nền xuất bản vừa mới đặt chân vào thế giới thông qua việc gia nhập Công ước Berne (10-2004) thì rõ ràng “miếng bánh” này của Google không dễ ăn. Google không làm việc với từng tác giả mà chỉ thông qua một đơn vị đại diện. Khi đó và thậm chí cả bây giờ các tác giả trong nước đều không có một đại diện bản quyền thống nhất. Phân phối tiền bản quyền cũng là cả một vấn đề, vì sao tác phẩm này được nhiều mà tác phẩm khác lại ít, ai giám sát doanh thu sách trên Google Book, ai kiểm soát nội dung các tác phẩm được đưa lên… Và đến tận giữa năm 2005, khi dự án Google Book bị đình hoãn, những vấn đề trên vẫn chưa có biện pháp giải quyết. Và trên trang tìm kiếm Google, vẫn tồn tại công cụ Google Book, dù dự án tạm khép lại.
Trên thực tế, không phải ai cũng muốn đưa sách mình lên mạng, không phải ai cũng muốn tác phẩm của mình được phổ biến ở mọi nơi. Nhiều tác giả cho rằng dự án của Google Book đã thiếu tôn trọng tác giả, không cho họ quyền quyết định việc phát hành tác phẩm của mình. Và điều này không phải không có lý nên vụ kiện được tòa án ở nhiều nước châu Âu và cả ở Mỹ ủng hộ. Thậm chí, Google đã có lúc phải đối diện án phạt lên đến 3 tỷ USD.
Qua hơn 10 năm, sách điện tử sau khi trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ nay bắt đầu chững lại, không còn là phương thức đọc sách thay thế sách giấy như dự kiến mà chỉ còn là một hình thức đọc sách bổ sung trong văn hóa đọc. Cùng với sự bùng nổ của thiết bị điện tử di động thông minh, nhu cầu tìm sách, đọc sách cũng thay đổi mạnh mẽ. Các kho sách không còn là khái niệm cao cấp như 10 năm trước. Hiện nay, chỉ với khoảng hơn 200.000 đồng, bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận kho sách hơn 600.000 cuốn của thư viện ebook Amazon. Nhu cầu tìm sách trên thế giới cũng đã thay đổi mạnh mẽ, thay vì phải vất vả tìm tòi cuốn sách ưa thích giữa các thư viện, nhà sách khổng lồ thì nay họ tìm kiếm qua mạng. Trong bối cảnh đó, vụ việc của Google Book đã có cái nhìn khác. Trên thực tế, Google Book cung cấp một phương thức tìm kiếm sách dễ dàng nhất, một dạng catalogue về sách. Người đọc có thể tìm kiếm những cuốn sách đã được số hóa, trong đó có cả những cuốn không còn trên thị trường, đọc thử vài đoạn và nếu ưng ý thì Google sẽ chỉ dẫn họ cách liên lạc với tác giả, người sở hữu bản quyền để mua, in, xuất bản…
Sau khi Tòa án tối cao Mỹ chính thức bác đơn kháng cáo buộc tội Google, công ty này đã tuyên bố trở lại với dự án Google Book. Ở Việt Nam, nhiều chuyên gia ngành sách khẳng định, số tiền mà Google sẽ phải trả cho tác giả trong nước sẽ cao hơn nhiều so với trước đây, bởi hiện nay nguồn sách được các NXB hệ thống hóa cao hơn hẳn 10 năm trước, đồng nghĩa Google dễ dàng tiếp cận số sách nhiều hơn. Mối liên hệ thương mại cũng sẽ cao hơn do bạn đọc Việt Nam nay đã sở hữu phương tiện đọc ebook nhiều hơn trước, mua sách qua mạng cũng không còn là điều mới lạ. Và cuối cùng, với Google Book, việc xuất khẩu sách chưa bao giờ dễ dàng đến như thế, thậm chí gần như chẳng làm gì mà vẫn có hàng chục ngàn bản sách Việt xuất hiện trên hệ thống phân phối lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, để thụ hưởng lại là không đơn giản. Bài toán hơn 10 năm trước vẫn chưa được giải: Ai sẽ là đơn vị trung gian giao dịch tác quyền với Google? Ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho các tác giả, NXB trong nước? Sẽ làm gì để đảm bảo những cuốn sách có giá trị được chuyển tải mà không phải là những cuốn sách không phù hợp?...
Có thể một lần nữa xuất bản thế giới lại đứng trước sự thay đổi lớn, toàn diện và với chúng ta, nếu không giải những câu hỏi trên thì ngành xuất bản nước ta có thể sẽ trở thành kẻ ngoài cuộc, đánh mất cơ hội quảng bá văn hóa Việt cũng như một nguồn lợi kinh tế không nhỏ.
TƯỜNG VY