1. Tôi đang ngủ thì mưa đánh thức tôi dậy. Tiếng mưa cào lên mái tôn, cào lên trái tim tôi. Tôi nằm trên giường, lười nhác và sung sướng trong tiếng mưa vây bọc.
Xưa nay, tôi luôn thích mưa. Tôi thích ngắm mưa, thích nghe tiếng mưa rơi trên mái lá, mái ngói, mái tôn, rơi trên tàu lá chuối, lá dừa. Tiếng mưa, có lẽ là một trong những âm thanh quen thuộc, gần gũi nhất với con người.
Tôi chỉ không thích mặc áo mưa. Áo mưa gây cho tôi cảm giác rin rít, ẩm ướt thế nào ấy! Đi ngoài phố, gặp trời mưa hoặc là tôi tấp xe vào trú dưới một mái hiên bất chợt chìa ra bên đường chờ tạnh hoặc nếu đang trên đường về thế nào tôi cũng cắm mặt chạy tiếp mặc cho người ướt đẫm.
Nhưng mưa thì tôi thích.
Nhất là những cơn mưa sớm như thế này. Nó làm tôi nhớ lại những ngày niên thiếu, sáng thức dậy chưa kịp rửa mặt đã chạy ra trước hiên nhà ngồi xổm xuống đất thu tay trước bụng nhìn ra màn mưa bay bên ngoài, thích thú nghe hơi lạnh choàng vai và thấy lòng chợt vui như chim chóc, chẳng hiểu vì sao.
2. Vì sự yêu thích đó, trong cuốn sách mới nhất của tôi, Ngồi khóc trên cây, tôi đã dành rất nhiều trang để tả mưa.
Một đoạn mưa: Ngồi thu lu bên con Rùa nhìn màn mưa mù mịt bên ngoài qua kẽ lá, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên đầu, nghe hơi nước ướp vào da thịt mát lạnh, hấp háy hai cánh mũi để hít hà mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào ngạt, tất cả những điều đó đánh thức mọi giác quan trong tôi khiến tôi ngỡ như tôi đang sống hai ba cuộc sống cùng một lúc và cảm giác đó thực vô cùng thú vị.
Một đoạn mưa khác: Vừa ăn cơm xong, trời đổ mưa ríu rít. Ngồi trong nhà nhìn ra, thấy mưa dày như vải mùng. Những hạt nước to rơi xuống sân bắn ngược trở lên tung tóe, tưởng như ông trời đang vãi thóc. Có lẽ đây là lượng nước hồi chiều những đám mây giữ lại giữa không trung, dành cho một trận mưa khác vào một ngày khác. Nhưng tối ngủ quên, những đám mây lỡ tuột tay đánh rơi mưa xuống. Xưa nay những cơn mưa trái mùa bao giờ cũng đến từ những đám mây lơ đễnh.
Tôi còn làm thơ tả mưa đăng trên một tờ báo dành cho trẻ em: Cũng như nghìn sợi chỉ thôi/ Hễ đất níu xuống thì trời buông ra. Một lát sau: Xem kìa mưa đã tạnh rồi/ Ra trời đất cũng có hồi giận nhau/ Nên trời kéo nước lên cao/ Đất đành phải thả mưa vào trời xanh.
3. Mưa gắn liền với tuổi thơ tôi, với những buổi chiều ngồi xem mẹ đổ bánh xèo, nghe bụng đói cồn cào. Trời mưa quê tôi gắn liền với bánh xèo. Người ta bảo trời mưa mà ăn bánh xèo thì không có cái thú nào bằng. Có lẽ ngoài chuyện ăn, cái nóng của bếp lò giúp sưởi ấm con người trong giá lạnh của thời tiết. Bánh xèo miền Trung nhỏ hơn bánh xèo miền Nam, không có đậu xanh, chỉ có giá, tôm và thịt ba chỉ. Nhỏ hơn, mỏng hơn nên giòn hơn. Bánh xèo miền Nam thường pha thêm nước cốt dừa vào bột gạo. Nhưn thì có thêm đậu xanh, đôi khi thêm nấm rơm hoặc các thứ khác nên cái bánh không những to hơn mà còn dày hơn.
Ngồi xem mẹ loay hoay bên bếp lửa rừng rực, múc từng vá bột gạo lõng bõng đổ vào chảo làm phát ra những tiếng “xèo, xèo” là một kỷ niệm khó quên. Mẹ cho tôm thịt giá vào rồi đậy nắp vung, khi giở ra bánh đã chín vàng ruộm. Bánh đổ được cái nào, tức khắc bày ra đĩa. Đổ tới đâu ăn tới đó, “nóng hổi vừa thổi vừa ăn”, bây giờ nhớ lại vẫn thấy thòm thèm. Quê tôi là xứ bánh tráng, nhưng khi ăn bánh xèo thì không dùng bánh tráng mà dùng lá cải cay cuốn bánh rồi chấm nước mắm.
4. Đó là những cơn mưa chiều. Mưa buổi sáng đối với bọn trẻ chúng tôi còn thú vị hơn nữa. Mưa buổi sáng thường dai dẳng, có khi kéo dài đến tận tối mịt hoặc sáng hôm sau. Mưa lúc đó không chỉ là mưa, mà còn là dấu hiệu báo tin bão lụt sắp về. Còn bé tẹo, tôi và bọn trẻ cùng lứa chẳng băn khoăn thế nào là thiên tai hoạn nạn. Nghe nhà trường thông báo cho học sinh nghỉ học là cả đám vỗ tay reo hò. Rồi đổ xô đi tắm mưa. Khi nước dâng lên ngập đường quốc lộ, cả bọn hớn hở thi nhau lội nước. Con đường hằng ngày người xe đi lại, bây giờ tới lui bằng ghe, riêng chuyện lạ mắt đó đủ khiến bọn trẻ con thấy thích thú rồi.
Bây giờ nhớ lại cảnh ba mẹ tôi phải ghì mái nhà vào cây cột cái bằng dây thừng để gió khỏi thổi bay đi, phải hì hục khuân đồ đạc trong nhà chất lên tấm phản hẹp mấp mé mực nước, bát chén và sách vở, mền gối và bếp lò, heo và gà... vậy mà cuối cùng vẫn phải theo ghe xuồng chạy nạn lên gò đất cao sống tạm bợ chờ nước rút, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, bứt rứt.
5. Tuổi nhỏ vô tư. Nhưng bây giờ tôi không còn ở lứa tuổi đó từ lâu. Vì vậy, sau khi nhấm nháp sự thú vị của trận mưa đầu ngày, cảm giác lo lắng bất chợt dâng lên trong tôi, nhấn chìm mọi ý nghĩ lãng mạn. Tôi bỗng thấy lo cho người miền ngoài, trong đó có bà con họ hàng của tôi.
Mưa Sài Gòn thường định kỳ trong ngày, nhưng chỉ mưa trưa hoặc mưa chiều. Hễ mưa vào lúc năm, sáu giờ sáng, thế nào cũng do áp thấp nhiệt đới. Áp thấp mạnh lên, sẽ thành bão. Bão từ khơi xa tiến vào dải đất miền Trung, miền Bắc, gây khốn khó cho bao nhiêu người. Cái đẹp của miền này hóa ra lại là cái tai họa của miền kia.
Paustovsky là một trong những nhà văn Nga tôi yêu nhất. Truyện Bình minh mưa của ông thật đẹp và buồn. Nhưng ở thành phố Navoloki, nơi chàng Kuzmin tiền tuyến gặp nàng Olga hậu phương, mưa buổi sáng chỉ là dấu hiệu của cơn bão lòng. Còn ở đây, trên đất nước tôi đang ngồi viết những dòng này, đó rất có thể là cơn bão dữ của cuộc đời, có thể làm chết người, úng ngập mùa màng và cuốn trôi nhà cửa trâu bò.
Đó là lý do vào một buổi sáng tinh sương trời Sài Gòn sũng nước, mưa thì thào trong lá cây bên ngoài cửa sổ, tôi đã đến bên bàn viết và gửi nỗi phập phồng vào thơ: Gặp em từ độ quê nhà/ Chạnh lòng một buổi rồi xa nghìn ngày/ Sài Gòn sáng sớm mưa bay/ Ngồi lo Đà Nẵng mùa này bão giông...
NGUYỄN NHẬT ÁNH