Sân khấu Broadway theo xu thế thị trường

Vào tháng 6-2017, ít nhất 4 vở nhạc kịch của sân khấu Broadway tại Mỹ được các nhà viết kịch đánh giá cao và được dự báo sẽ giành giải thưởng Tony danh giá cho vở kịch hay nhất của mùa giải Broadway.
Một vở kịch trên sân khấu Broadway, New York
Một vở kịch trên sân khấu Broadway, New York
Nhưng đến tháng 9 thì 4 vở kịch này đã biến mất do không còn thu hút khán giả. “Cuộc sống” ngắn ngủi của 4 vở kịch này phản ánh sự mất cân bằng đang diễn ra trong ngành giải trí của Mỹ: thương mại hóa ngay ở Broadway. Nhiều vở có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng không thể kéo dài hơn 172 buổi diễn trong khi trước đây, ngay một vở nhạc kịch bình thường cũng dễ dàng đạt được con số này. Trong nhiều thập niên qua, các rạp hát của Broadway (hiện có 41 rạp) là nơi khai sinh nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng toàn cầu. 

Mùa kịch năm 2018 cũng báo hiệu ảm đạm và 3/5 số vở kịch có tính thương mại chứ không đào sâu vào nội dung nghệ thuật dù có sự xuất hiện của các ngôi sao Amy Schumer trong Meteor Shower; Uma Thurman trong Parisian Woman và Mark Rylance trong Farinelli and the King. Xu hướng này khiến các nhà viết kịch nổi tiếng của Mỹ không mặn mà với sân khấu Broadway nữa. Vì vậy, Broadway không còn là nơi mà nhiều nhà soạn kịch xuất sắc nhất từng xem là thiên đường cho công việc của họ. Young Jean Lee, nhà viết kịch độ tuổi 40, nổi tiếng với những vở hài kịch về sắc tộc được đánh giá cao ở Mỹ, cho biết: “Nơi đó không còn là giấc mơ của tôi”. 

Giờ đây, những người muốn thực hiện các vở kịch đẳng cấp tương tự như nhà soạn kịch lừng danh Eugene O’Neill (1888-1953) hay August Wilsons (1945-2005) rất khó có thể tìm được một “ngôi nhà” ở Broadway. Các công ty trong và ngoài ngành giải trí  đang làm chủ Broadway và nơi này trở thành những vườn ươm của các vở kịch mới theo xu hướng thị trường. Các vở kịch kinh điển của Broadway giờ chỉ còn lưu diễn trong những chương trình ngắn hạn nhưng không bán vé.

Điều này, theo báo Washington Post, có ý nghĩa là Broadway đang phải duy trì doanh thu nhờ kịch thương mại để nuôi dưỡng những vở kịch có tính chất nghệ thuật cao. Thực ra, sự xoay chuyển sang xu thế thị trường đã diễn ra trong nhiều thập niên qua, tăng nhanh vào những năm 1990 khi Broadway mở cửa tiếp thị khách du lịch. Các công ty giải trí như Disney cũng nhảy vào đầu tư ở Broadway cạnh tranh với các nhà sản xuất khác trong sân chơi thương mại của Broadway. Nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber và nhà sản xuất Cameron Mackintosh đã chứng minh vào những năm 1980 rằng với những nhạc kịch kinh điển như Phantom of the Opera và Les Misérables vẫn có thể sống lâu hơn các vở kịch thị trường. Tuy nhiên, điều đó có vẻ không còn đúng hiện nay. Các công ty liên quan đến du lịch trở thành nhà tài trợ chính thức của Broadway. Vào cuối những năm 1990, số lượng du khách đến thành phố New York đã bùng nổ. Từ năm 1998 đến năm 2016, con số du khách hàng năm tăng từ 33 triệu lên hơn 60 triệu người, tạo ra những khách hàng quen thuộc với các sân khấu khổng lồ có sức hút lớn, trong đó có Broadway.

Tom Viertel, nhà sản xuất kỳ cựu tại Broadway, cho biết: Hiện nay, 70% số khán giả của Broadway là khách du lịch. Điều đó thực sự đặt chúng tôi vào một vị thế sản xuất đáp ứng theo nhu cầu của họ. Sức sống của kịch theo xu thế thị trường như The Play That Goes Wrong cũng chỉ kéo dài 9 tháng trong khi vở kịch dài Phantom of the Opera, diễn trong gần 30 năm. Ngoài ra, chi phí dàn dựng, thù lao cũng là vấn đề đáng bàn khi các vở kịch nghiêm túc đòi hỏi phải đầu tư kinh phí và công sức quá nhiều. Nhiều vở kịch do không thuê được các ngôi sao nên phải thay thế bằng những những nghệ sĩ ít nổi tiếng và dần ngừng diễn sớm.

Tin cùng chuyên mục