Sân khấu cải lương - Mai này còn khán giả?

Nhiều đoàn cải lương biến mất
Sân khấu cải lương - Mai này còn khán giả?

Những năm gần đây, các tỉnh miền Tây (cái nôi của nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử) không còn nhiều khán giả trẻ “say” với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Điều này khiến cải lương mất dần những thế hệ khán giả tiếp nối...

Cảnh trong vở cải lương Tiểu anh hùng Nam quốc.

Cảnh trong vở cải lương Tiểu anh hùng Nam quốc.

Nhiều đoàn cải lương biến mất

Số đông khán giả lớn tuổi từng sống với những thăng trầm của loại hình nghệ thuật cải lương luôn cảm thấy trăn trở và quay quắt lòng vì sự mất dần những đoàn cải lương chuyên nghiệp vang bóng một thời. Nhất là TPHCM từng được xem như “đất lành” của cải lương với nhiều đoàn hát phục vụ công chúng cả ngày lẫn đêm thì nay, các sàn diễn cải lương lại đìu hiu, buồn tẻ. Những cái tên quen thuộc với dân mộ điệu cải lương trong những thập kỷ trước như đoàn Huỳnh Long, Minh Tơ, Dạ Lý Hương, Kim Chung, Sài Gòn 3... gắn liền với những tên tuổi nghệ sĩ tài danh làm nức lòng khán giả mỗi khi sân khấu mở màn thật sự đã lùi vào dĩ vãng. Ngay cả với nhóm Đồng Ấu Bạch Long, nơi đào tạo nghệ sĩ trẻ, một thời kiên cường bám trụ, cố gắng duy trì sáng đèn hàng đêm để phục vụ công chúng, cũng tan đàn xẻ nghé, các nghệ sĩ trẻ đành chọn lối rẽ mỗi người mỗi hướng.

Song song với việc các đoàn hát ngày một mất dần, hoạt động thưa thớt, đoàn nào còn trụ được thi thoảng mới có một vở diễn mới thì rạp hát dành cho loại hình nghệ thuật này cũng “rơi rụng” dần khiến không ít nghệ sĩ giã từ nghề trong âm thầm lặng lẽ. Một số phải bôn ba tìm đường sống với nghề ở các show diễn ca cổ, trích đoạn cải lương khắp các tỉnh thành, trong các chương trình biểu diễn tại hải ngoại... Thực tế là công chúng mộ điệu cải lương cứ thưa vắng dần, khán giả trẻ hiểu và thích cải lương càng hiếm hoi, làm cho hoạt động phát triển của nghệ thuật cải lương tuồng cổ thêm eo xèo, vắng vẻ!

Xây dựng thế hệ khán giả trẻ

Hoạt động rầm rộ của các loại hình giải trí mới đang lấn át những hoạt động văn hóa nghệ thuật cổ truyền, dân tộc... nên việc khán giả trẻ xa dần với những loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống là điều không thể tránh khỏi. NS Bạch Long tâm tư: “Bên cạnh việc xây dựng một thế hệ nghệ sĩ trẻ yêu nghề, có tài năng, vấn đề xây dựng một lớp công chúng thanh thiếu niên, nhi đồng yêu thích nghệ thuật cải lương tuồng cổ cũng rất quan trọng. Vì, nếu không có thế hệ khán giả trẻ biết, hiểu và thích cải lương, trong tương lai nghệ thuật cải lương sẽ đi về đâu”. Cũng vì tâm tư này mà khi nhận được lời mời hợp tác với đạo diễn Hữu Luân biểu diễn các vở cải lương thiếu nhi định kỳ tại nhà hát TPHCM trong chương trình Cầu vồng tuổi thơ, NS Bạch Long rất vui mừng và hy vọng có thêm những ông bầu  hỗ trợ (nhà nước hay tư nhân cũng được) để chăm chút nhiều hơn cho các suất diễn phục vụ công chúng.

Trong đời sống cải lương hiện nay, thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ, yêu nghề không đến nỗi quá thiếu, vấn đề là phải có những sân khấu đặc trưng của nghệ thuật cải lương tuồng cổ để các nghệ sĩ trẻ có đất diễn. Việc xây dựng những chương trình “cải lương vào học đường” là một cách làm hay, cũng là một kiểu “xây dựng khán giả trẻ”. Tuy nhiên, dự án có ý nghĩa này vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn và dài hơi.

Những người quan tâm đến sự phát triển của nghệ thuật cải lương đang mong mỏi được nhiều cấp ngành hữu quan và những người say mê, mộ điệu quan tâm nhiều hơn, cùng góp sức để sân khấu cải lương được duy trì và có những bước phát triển trong thời kỳ mới.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục