Mười mấy năm qua, tình hình hoạt động và phát triển nghệ thuật cải lương tại TPHCM khá eo sèo, lặng lẽ. Qua thời hoàng kim, hàng loạt nghệ sĩ cải lương tên tuổi lần lượt định cư ở nước ngoài vì nhiều nguyên nhân. Không ít nghệ sĩ ngậm ngùi rời sàn diễn, từ bỏ niềm đam mê một thời - đó cũng là sự mất mát lớn của lĩnh vực nghệ thuật này. Dẫu vậy, sau những năm tháng khắc khoải ấy, một đội ngũ những gương mặt nghệ sĩ cải lương trẻ tâm huyết, yêu nghề, có nội lực vẫn đang tiếp tục nỗ lực kế tục người đi trước, chung sức làm sinh động, tươi mới không khí sinh hoạt, trình diễn nghệ thuật cải lương.
Từ đào tạo đến làm nghề - quá nhiều khó khăn
So với thế hệ nghệ sĩ trước đây, các nghệ sĩ trẻ ngày nay chịu nhiều thiệt thòi hơn trên con đường hành nghề, phát huy sở trường, phát triển tài năng. Nguyên nhân vì thiếu hụt các sàn diễn, ít vở tuồng được đầu tư dàn dựng, một số lượng lớn khán giả bị chia sẻ bởi các loại hình giải trí hiện đại khác…
Tuy vậy, niềm đam mê nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống vẫn được các bạn trẻ đặt nhiều kỳ vọng, đam mê, sẵn sàng theo đuổi bằng quá trình tham gia học tập tại các khóa đào tạo của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, đầu quân vào Nhà hát Trần Hữu Trang, tham gia các cuộc thi ca hát cải lương được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành Nam bộ... để được học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, định hình phong cách, khẳng định và phát huy tài năng.
Khoa kịch hát dân tộc - cải lương của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM là một khoa khá lớn, dạy biểu diễn và nhạc tài tử, được nhà nước và nhà trường quan tâm, ưu ái với chế độ các em chỉ đóng 25% học phí. Mới đây, Bộ VH-TT-DL lại có thêm chủ trương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các môn học nghệ thuật truyền thống dân tộc, theo đó, các em sẽ được miễn phí hoàn toàn học phí. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm khoa cải lương chỉ nhận vào được 40 em cho 2 lớp cao đẳng và trung cấp (dù đã đông hơn so với trước đây).
PGS-TS Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM chia sẻ: “Phải nhìn nhận, cơ hội làm nghề của các em khoa cải lương so với các bộ môn khác tuy không nhiều, không rộng mở nhưng vẫn có lối ra. Thường các em ra trường được nhận về Sở VH-TT-DL, đoàn hát, nhà hát các tỉnh, thành; một số ở lại TPHCM làm nghề, trong đó có một vài em được nhà trường giữ lại làm giảng viên như: Lê Tứ, Trung Thảo, Bảo Long, Kim Loan… Nhà trường rất quan tâm, đầu tư hỗ trợ cho các em trong quá trình học tập. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của môn học, nhiều lúc, một sinh viên phải có đến 3 thầy dạy kèm, vậy nên công tác đào tạo cũng gặp không ít khó khăn, bên cạnh là nỗi lo các khoản chi hỗ trợ các em dựng vở thi tốt nghiệp, kinh phí may trang phục, thiết kế mỹ thuật bối cảnh, đạo cụ, âm nhạc…”.
Công tác đào tạo của Nhà hát Trần Hữu Trang cũng bấp bênh, có lúc công tác đào tạo phải dừng hơn chục năm mới tái thực hiện vì không có kinh phí. Mới đây, với sự phối hợp của Sở GD-ĐT và Sở VH-TT-DL, nhà hát đã kết hợp với Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM đào tạo nghề cho 19 diễn viên trẻ của nhà hát.
Với phương thức giảng dạy truyền nghề, khóa CĐ 4 năm rút ngắn thời gian còn 2,5 năm, nhưng chất lượng các em học xong ra làm nghề khá tốt, thể hiện qua giải thưởng mà các diễn viên trẻ rinh về từ các cuộc thi nghề nghiệp như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, giải Nguyễn Thành Châu, giải Trần Hữu Trang…
NSND Thanh Hải, Trưởng phòng Nghệ thuật nhà hát, cho biết: Với phương pháp dạy truyền nghề, các em được học sâu hơn, nắm chắc hơn về ca diễn, xướng âm lòng bản, hò, sự, xang, xê, cống, các bản đàn, bản tổ; cách ca những bản tổ, những bản trích đoạn sân khấu cải lương. Kiến thức căn bản này giúp các em cảm nhận và xử lý tốt hơn khi trình diễn.
Đặc biệt, có đến 80% diễn viên, nghệ sĩ trẻ xuất thân từ các tỉnh lên thành phố học và làm nghề. Các em phải bươn chải thêm nhiều việc để kiếm sống. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho chất xám, sự đầu tư các vở diễn của đoàn chưa thể phát huy nhiều. Nhà hát cũng đang chờ rạp Hưng Đạo xây xong để có nơi ở ổn định, có thể tạo điều kiện để các em được biểu diễn, thực hành nhiều hơn, đồng thời sẽ tiếp tục chiêu sinh, tổ chức đào tạo quy mô và mở rộng hơn.
Nuôi niềm tin và hy vọng
Trước khó khăn chung, bà Phan Thị Bích Hà vẫn tin rằng: “Cải lương vẫn luôn sống được dù không hoàng kim, thịnh vượng như xưa. Thực tế vẫn có một lớp nghệ sĩ trẻ đang cố gắng nỗ lực làm nghề, từ từ khẳng định mình. Nhưng, vì các em không có nhiều cơ hội cọ xát thực tiễn. Sống với những vai diễn, số phận nhân vật, dưới ánh đèn sân khấu, từng đêm, từng đêm, như lớp phù sa bồi đắp dần tạo nên phong cách, bản lĩnh, tên tuổi nghệ sĩ nên không thể đòi hỏi các em tỏa sáng như các lớp thế hệ trước được”.
Dẫu có vất vả vẫn luôn gắn bó với nghề, say với nghiệp, nghệ sĩ Thy Nhung theo nghề đã 10 năm, tâm sự: “Để bám trụ được với nghề, tôi và các bạn đồng trang lứa phải tự thân vận động, lăn xả vào công việc để tự rút tỉa kinh nghiệm, trưởng thành, có thu nhập để có thể sống được với nghề sở trường của mình. Tôi hiểu mình còn trẻ, con đường nghệ thuật cũng còn nhiều thiếu sót, cần phải cố gắng, nỗ lực học hỏi, trau dồi nhiều hơn. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu sân khấu, nghệ sĩ trẻ không có cơ hội diễn nhiều vai, muốn bứt phá thật khó. Tôi rất mong sân khấu có thể quay lại thời hoàng kim để nghệ sĩ trẻ có nhiều cơ hội phát triển hơn”.
NS Tú Sương xuất thân từ gia đình có đến 6 đời theo nghề hát, ra nghề từ cái nôi đoàn Đồng ấu Bạch Long, có thâm niên hơn 20 năm theo nghề, bộc bạch: “Là con nhà nòi nên tôi bị áp lực với nghề nhiều hơn. Rèn nghề đã vất vả, buồn là sân khấu cải lương bây giờ kém hưng thịnh như trước. Dù rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ tâm huyết, hết lòng theo đuổi niềm đam mê, sẵn sàng chấp nhận hy sinh nhiều thứ vì nghề, nhưng cũng không có chỗ biểu diễn, phát huy tay nghề. Khi tham gia hoạt động ở Đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang, tôi rất mừng. Ở đây có điều kiện, có sân khấu để mọi người cùng trau dồi nghệ thuật, học hỏi, rèn luyện, biểu diễn phục vụ công chúng, thắp thêm lửa nghề, đồng thời níu kéo khán giả đến với sân khấu cải lương.
Nhưng trong tình hình chung, còn rất nhiều bạn trẻ theo nghề phải vất vả vì không có điều kiện hoạt động, lại không có những lợi thế về kinh tế, đành phải bươn chải để có thể trang trải cuộc sống vừa giữ nghề. Tôi chỉ mong mỏi, trong tương lai, cải lương có những thay đổi tốt hơn, để thế hệ nghệ sĩ trẻ như tôi được tiếp tục làm nghề, đền ơn tổ nghiệp, tri ơn khán giả đã thương yêu cải lương trong bao năm qua”.
Có thể khẳng định, loại hình văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, độc đáo của miền đất Nam bộ này sẽ luôn sống cùng thời đại, chỉ có điều, dưới sức ép của nhiều loại hình giải trí hiện đại khác, với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan của thời thế, con người, cuộc sống… cải lương được duy trì, hoạt động, gìn giữ, trình diễn dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau.
Để vượt qua những khó khăn trở ngại hiện tại, nhất thiết mỗi người nghệ sĩ cần chịu thương chịu khó, nỗ lực hoạt động, cố gắng đầu tư chất xám nhiều hơn cho nghề. Hơn thế nữa là sự quan tâm và chế độ ưu đãi cấp thiết, cụ thể từ phía các cơ quan ban ngành văn hóa dành cho nghệ thuật cải lương.
Hy vọng, khi đạt được những điều kiện trên, sân khấu cải lương sẽ được hồi sinh, tưng bừng trở lại!
THÚY BÌNH
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu