Sân khấu cho thiếu nhi vẫn là “hàng hiếm”

Sân khấu cho thiếu nhi vẫn là “hàng hiếm”

Lại một mùa hè nữa, các bậc cha mẹ lại đua nhau tìm những điểm vui chơi, giải trí, trong đó có lĩnh vực sân khấu cho con em được khuây khỏa tinh thần sau một năm miệt mài học tập. Từ lâu, dư luận cũng đã lên tiếng nhiều lần về sự thiếu hụt sân khấu dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, cho đến nay, sân khấu dành cho các em vẫn đang là hàng hiếm. Tại sao?

Từ Ngày xửa, ngày xưa…

Lâu nay, ai cũng biết rằng sân khấu rất cần cho thiếu nhi, bởi trong từng vở diễn, những người làm sân khấu luôn chuyển tải những thông điệp chân - thiện - mỹ, mang tính giáo dục cao đến các em nhỏ. Từ đó, sẽ góp phần hình thành nhân cách cho các em. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mặc dù TPHCM được xem là nơi có đời sống sân khấu năng động nhất nước, nhưng sàn diễn dành cho thiếu nhi vẫn rất ít ỏi. Bởi vậy, mỗi khi thực hiện các chương trình Ngày xửa, ngày xưa, đơn vị nghệ thuật IDECAF luôn thu hút được các em nhỏ.

Chương trình Tiếng nói trẻ thơ phục vụ miễn phí các em thiếu nhi ở vùng sâu vùng xa
Chương trình Tiếng nói trẻ thơ phục vụ miễn phí các em thiếu nhi ở vùng sâu vùng xa

Thời gian gần đây, các chương trình Ngày xửa, ngày xưa đã trở nên quá tải. Hiện, nếu các em muốn đi xem những suất diễn của Ngày xửa, ngày xưa là hơi… bị khó, bởi hầu hết vé xem chương trình đã được bán hết trước gần cả tháng.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, cho biết: “Có được những thành quả của ngày hôm nay là nhờ từ nhiều năm qua, chúng tôi luôn miệt mài đầu tư sân khấu dành cho thiếu nhi. Sự thành công này cũng nhờ một phần rất lớn vào tình yêu con trẻ của các anh chị nghệ sĩ. Khi tập luyện các vở kịch dành cho thiếu nhi, chúng tôi vất vả, đổ mồ hôi công sức hơn gấp nhiều lần so với 1 vở kịch người lớn…”.

… Đến Tiếng nói trẻ thơ

Hơn hai năm nay, bên cạnh những suất diễn kịch ngắn, Nhà hát Kịch TPHCM đưa chương trình sân khấu thiếu nhi Tiếng nói trẻ thơ do Quỹ Hỗ trợ và phát triển văn hóa Thụy Điển tài trợ đến các vùng quê nghèo khó phục vụ trẻ em nghèo, thiếu may mắn. Chương trình đã phục vụ hàng trăm suất diễn, mỗi suất thu hút cả ngàn em thiếu nhi đón xem.

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn – Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Kịch TPHCM, ở các vùng sâu vùng xa, còn rất nhiều thiếu nhi thiếu thốn về văn hóa tinh thần. Để được xem Tiếng nói trẻ thơ, nhiều em nhỏ không ngần ngại cuốc bộ hàng chục cây số.

Nghệ sĩ Khánh Hoàng – Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM cho hay: “Đây mới chỉ là sự khởi đầu, trong tương lai, chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đặc biệt là khi dự án này không còn được sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ và phát triển văn hóa Thụy Điển, chúng tôi vẫn phải duy trì tiếp tục. Hiện nay, chúng tôi đang giới thiệu chương trình Tiếng nói trẻ thơ với một số đối tác trong và ngoài nước để vận động tài trợ. Tất cả đang tiến triển tốt…”.

Cuộc chơi còn nhiều thử thách!

Mặc dù sân khấu dành cho thiếu nhi luôn khan hiếm, nhưng việc đầu tư để tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng trong lòng khán giả nhí không hề dễ dàng. Suốt mấy năm nay, cuộc chơi này không phải bất kỳ đơn vị nghệ thuật nào nhảy vào cũng đều đặn thực hiện được các vở diễn phục vụ thiếu nhi.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận của “Bà bầu” Hồng Vân, một thời cũng rất “máu” với sân khấu thiếu nhi nhưng, chỉ sau một số vở diễn, đến nay, vẫn chưa thể tiếp tục làm vở mới. NSƯT Hồng Vân từng thố lộ: “Sân khấu thiếu nhi chủ yếu diễn vào những ngày cuối tuần, nhưng do địa điểm phải thuê mướn nên thường bị động. Thế nên, dù rất tâm huyết chúng tôi cũng khó thực hiện…”.

Ngoài ra, có một thực tế hiện nay là sân khấu thiếu nhi đang quá hiếm nguồn kịch bản. Nếu nhìn vào đội ngũ tác giả chuyên viết kịch bản sân khấu hiện nay, hầu như chẳng có mấy người đầu tư viết kịch bản thiếu nhi? Mới đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – người rất thành công với những tác phẩm văn học thiếu nhi thố lộ, anh vừa hoàn thành một kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi... và kịch bản này đã được giới thiệu tới “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn – Sân khấu Kịch IDECAF, nếu không có gì thay đổi sẽ được đưa lên sân khấu vào dịp Tết Trung thu năm nay. Đây quả là một tin vui dành cho các em.

Công bằng mà nói, sân khấu dành cho thiếu nhi hiện nay còn quá ít. Trong tương lai, những người làm sân khấu và cả các ngành, các cấp nếu không hoạch định chiến lược phát triển dài lâu, đầu tư đúng mức thì e rằng, sự phát triển tự phát này cũng khó vững bền! Khi ấy, chẳng những thiệt thòi cho các em thiếu nhi về văn hóa giải trí mà trong tương lai, sân khấu còn hẫng hụt cả một thế hệ khán giả...

Đỗ Hạnh (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục