Mỗi năm, lượng du khách đến TPHCM khá đông là cơ hội tốt để những người làm sân khấu du lịch “đón đầu” với nhiều chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy. Từ khi có chủ trương của thành phố về việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch đến nay cũng đã hơn 7 năm, nhưng dường như… mạnh ai nấy làm theo cách riêng của mình!
Vừa làm vừa lo
Sau nhiều năm hưởng ứng chủ trương của thành phố, những người làm sân khấu du lịch đa phần là xã hội hóa. Chính sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của những người làm sân khấu xã hội hóa đã phần nào vẽ nên bức tranh sân khấu du lịch ở TPHCM có cái để du khách xem.
Trong đó có thể kể đến một số chương trình được đầu tư làm khá bài bản như: chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước của Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TPHCM, chương trình “Ngọc Việt” biểu diễn nghệ thuật dân tộc của Nhà hát Nón Lá TPHCM; chương trình “Hồn Việt” do Mekong Artist phối hợp với Nhà hát TPHCM thực hiện; chương trình Duyên Việt tại Sân khấu kịch Supperbowl hoặc kịch xiếc ở rạp xiếc Công viên 23-9… Thậm chí với chương trình kịch xiếc tại rạp xiếc Công viên 23-9 được đối tác nước ngoài đầu tư bạc tỷ đồng để thực hiện, nhưng sau đó biểu diễn có vài suất rồi ngưng luôn đến nay, xem như lỗ vốn khá nặng.
Đến nay, sau một thời gian “mạnh ai nấy làm”, số lượng những chương trình sân khấu du lịch “trụ” lại được và thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách cũng ngày một ít đi.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của “bầu” Huỳnh Anh Tuấn, việc làm sân khấu du lịch không hề đơn giản như nhiều người nghĩ mà đòi hỏi phải có chiến lược phát triển và hơn hết nữa là phải tổ chức thường xuyên để tạo lòng tin cho các công ty lữ hành đưa khách đến. Trong những năm đầu làm sân khấu du lịch, anh khá vất vã trong việc giữ khách, thậm chí có khoảng thời gian lượng du khách đến xem chương trình chưa nhiều, mỗi khi mở màn biểu diễn là từ lỗ vốn đến huề tiền, nhưng anh vẫn kiên trì và dần dần thành công. Đến nay, lượng khách đến xem chương trình sân khấu du lịch của anh đã và đang đi vào ổn định.
Còn chương trình “Hồn Việt” do Mekong Artist phối hợp với Nhà hát TPHCM thực hiện diễn ra lúc 17 giờ các ngày 15 và 23 hàng tháng cũng đang bắt đầu tăng dần số lượng du đến đến xem. Tuy nhiên, theo chia sẻ của “bầu” Linh Huyền thì hiện nay “Hồn Việt” vẫn đang lỗ vốn theo từng suất diễn nhưng vẫn phải duy trì để trông chờ vào tương lai, du khách này “mách nước” du khách khác đến xem ngày một đông hơn.
Đáng suy ngẫm...
Hiện nay, nếu như nhìn vào thực tế của việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch thì rõ ràng một số nghệ sĩ của sân khấu xã hội hóa đã và đang có những nỗ lực rất lớn. Nhưng dường như thời gian qua những người này rất đơn độc, cần được sự tiếp sức của các ngành chức năng, các mạnh thường quân. Bởi những chương trình sân khấu phục vụ du khách, ngoài yếu tố doanh thu ra còn mang một ý nghĩa rất lớn là góp phần quảng bá văn hóa Việt với du khách nước ngoài khi đặt chân đến TPHCM. Cho nên, đối với một số chương trình nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách được làm nghiêm túc và khởi đầu có những khó khăn rất cần được sự hỗ trợ của thành phố cũng như các mạnh thường quân “chia sẻ” phần nào kinh phí để có thể duy trì hoạt động.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những chương trình sân khấu du lịch ở TPHCM hiện nay, có một chương trình đã nhận được sự chia sẻ của mạnh thường quân về kinh phí tổ chức cho mỗi suất diễn. Đó là chương trình “Hồn Việt” do Mekong Artist của nghệ sĩ Linh Huyền phối hợp với Nhà hát TPHCM thực hiện vào 17 giờ ngày 15 và 23 hàng tháng tại Nhà hát TPHCM đã được đối tác nước ngoài là Dragon Capital hỗ trợ một khoản kinh phí cho mỗi suất diễn là 12.500.000 đồng/suất, kéo dài trong 6 tháng. Sở dĩ “Hồn Việt” được Dragon Capital hỗ trợ là bởi có sự đồng cảm của ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital.
Theo ông Dominic Scriven chia sẻ thì sau khi xem chương trình nghệ thuật dân tộc này, ông nhận thấy “Hồn Việt” là chương trình giới thiệu được những nét văn hóa của người Việt đến với người nước ngoài nên muốn góp sức, bởi đây cũng là một hoạt động hướng về cộng đồng… Từ sự đồng cảm, chia sẻ của ông Dominic Scriven về chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” đã gợi ra nhiều điều thật đáng phải suy ngẩm!
Vậy liệu trong tương lai, sân khấu du lịch ở TPHCM có sự chuyển biến mạnh mẽ nào không? Gần đây, Sở VH-TT-DL TPHCM cũng đã có những buổi làm việc với một số đơn vị để tìm hướng ra tích cực cho sân khấu du lịch. Tuy nhiên, theo một số người nhìn nhận, hoạt động sân khấu du lịch sau một thời gian thử nghiệm cần được họp bàn, đúc tỉa kinh nghiệm một cách nghiêm túc thì mới mong có được những chiến lược phát triển hợp lý. Nếu không, cứ mãi làm sân khấu du lịch theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm thì e rằng khó bền vững là điều hiển nhiên.
ĐỖ HẠNH