Thời gian qua, trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, TPHCM chú trọng quảng bá hình ảnh điểm đến của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, với mảng sân khấu du lịch, đặc biệt là sân khấu văn hóa truyền thống dân tộc, lại bị bỏ quên.
Thua trên sân nhà
Thường du khách đến với một điểm du lịch sẽ quan tâm đến cảnh đẹp, nét độc đáo của các kiến trúc, công trình văn hóa, lễ hội, không gian sống của điểm du lịch; văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi đất nước, vùng miền… Tuy nhiên, từ nhiều năm qua mảng sân khấu du lịch - một trong những lĩnh vực thu hút du khách - cứ mãi bấp bênh, eo sèo, chưa mang lại dấu ấn với du khách đến TPHCM.
Cách đây chục năm, sân khấu du lịch được chú ý vì sự xuất hiện liên tục, rầm rộ của nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Nhà hát TPHCM. Các đơn vị nghệ thuật công lập và tư nhân lần lượt chọn điểm diễn đắc địa này để phục vụ khán giả, đặc biệt nhắm vào lượng du khách quốc tế đến với TPHCM với các chương trình mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc. Ngoài ra, còn có các đêm diễn của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO), Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, và các chương trình sân khấu cải lương…
Các chương trình được đầu tư chăm chút về nội dung, chất lượng nghệ thuật, được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cuối cùng tất cả cũng chỉ trụ được thời gian ngắn rồi “tắt đèn”. Vấn đề được đặt ra là lượng du khách đến với các chương trình không nhiều và khán giả cứ thưa dần.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là việc các đơn vị biểu diễn và các công ty lữ hành chưa bắt tay nhau, kết nối chặt chẽ trong công tác quảng bá sân khấu du lịch Việt đến với du khách quốc tế.
Mấy năm gần đây, Nhà hát TPHCM sáng đèn thường xuyên hơn với các chương trình nghệ thuật đỉnh cao của HBSO vào các tối 9, 19 và 29 hàng tháng; Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM hợp tác với đơn vị nghệ thuật xã hội hóa Lune Production tổ chức trình diễn các chương trình nghệ thuật mang dấu ấn đương đại phục vụ khách du lịch như: Làng tôi, À ố show, Sương sớm, TEH DAR. Nhưng với nghệ thuật sân khấu truyền thống, “điểm diễn vàng” này vẫn chưa thể là điểm hẹn văn hóa độc đáo, giúp quảng bá văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đến du khách quốc tế.
Nỗ lực quảng bá
Nhiều năm qua, sân khấu múa rối nước của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam trú ngụ bên trong Bảo tàng Lịch sử, dù gặp nhiều hạn chế, trở ngại, chỉ đắt khách theo mùa, phục vụ chủ yếu theo hợp đồng với một số công ty du lịch quen, nhưng cũng là một sân khấu du lịch duy trì được hoạt động thường xuyên.
Tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa IDECAF hoạt động khá ổn định với Sân khấu múa rối nước Rồng Vàng, diễn vào các tối cuối tuần. Giữa năm 2016, ê kíp đạo diễn - nghệ sĩ trẻ của đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Sân khấu Nghệ thuật Sài Gòn - Asia Media khai trương điểm diễn nghệ thuật sân khấu dân tộc tại khách sạn OSCAR Sài Gòn, số 68A Nguyễn Huệ, quận 1, với kỳ vọng xây dựng sân khấu thành điểm đến thưởng thức nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa miền Nam dành cho khách du lịch.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 9-2016, khách sạn Rex phối hợp cùng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ra mắt Sân khấu Rex Sen Vàng, biểu diễn nghệ thuật hàng đêm, là điểm diễn giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một số loại hình nghệ thuật âm nhạc, sân khấu như nghệ thuật hát bội (lễ xây chầu ở Nam bộ, múa Tứ Thiên Vương), múa cung đình Huế (Lân mẫu xuất lân nhi, Lục cúng hoa đăng), hát chầu văn - hầu đồng hoặc hát văn, biểu diễn đàn đá Âm vang đất nước, múa rối nước (các trò cổ: bật hội cờ, tễu giáo trò, múa rồng, nông nghiệp, đánh cáo bắt vịt, múa phượng, lân tranh cầu, nhi đồng hí thủy, múa bát tiên…).
Biểu diễn đàn đá Âm vang đất nước tại Sân khấu Rex Sen Vàng
Trong kế hoạch phát triển hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách của sân khấu mới này, ê kíp thực hiện Sân khấu Rex Sen Vàng sẽ đưa thêm vào chương trình một số tiết mục trình diễn đờn ca tài tử, cải lương, nhằm góp phần làm sinh động và đa sắc nội dung phục vụ khách du lịch đang trú ngụ tại khách sạn Rex và du khách đến TPHCM.
Nhìn qua các nước láng giềng, khách du lịch rất dễ thấy sự thua sút quá xa của hoạt động quảng bá văn hóa du lịch của nước ta với các nước bạn. Tại TPHCM cũng từng diễn ra rất nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về việc tổ chức thực hiện sân khấu du lịch, nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, xây dựng mối liên hệ hợp tác, liên kết giữa các đơn vị tổ chức biểu diễn và các công ty lữ hành để giúp hoạt động quảng bá văn hóa du lịch có được đường hướng phát triển. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc luận bàn, kết quả cuối cùng, sân khấu du lịch vẫn là một khoảng trống vắng, ít được các đơn vị lữ hành quan tâm.
Sân khấu du lịch - một tiềm năng bị bỏ quên từ nhiều năm qua - trong đó có không ít loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa của đất nước, được thế giới công nhận, tôn vinh, rất cần được quảng bá rộng rãi.
THÚY BÌNH