Sân khấu hài: Cần tiếng cười có ý nghĩa

Sân khấu hài: Cần tiếng cười có ý nghĩa

Cách đây trên dưới 10 năm, sân khấu hài kịch trong cả nước là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều nghệ sĩ hài được khán giả yêu thích thỏa sức tung hoành, thể hiện tài năng trên sân khấu, tụ điểm biểu diễn hài trong cả nước. Nhiều chương trình hài kịch ra đời như: Gặp nhau cuối tuần, Gala cười, Gặp nhau cuối năm… mang đến tiếng cười sảng khoái, ý nghĩa trong đời sống văn hóa cho hàng triệu khán giả cả nước.

Cảnh trong vở hài “Sếp rởm”. Ảnh: ST

Cảnh trong vở hài “Sếp rởm”. Ảnh: ST

Một vài tiểu phẩm hài xuất sắc trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” của Gala cười cách đây mấy năm đã mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, đề cập rõ nét, thâm thúy những vấn đề thời sự nóng của xã hội như: phản ánh nạn kẹt xe, nạn ô nhiễm môi trường, nạn ngập nước do triều cường khi mùa mưa đến, nạn quan liêu, tham nhũng của cán bộ trong cơ quan nhà nước, nạn mãi lộ trong lực lượng cảnh sát giao thông…

Nhiều khán giả vẫn còn nhắc nhớ, xúc động trong chương trình lễ trao giải thưởng Gala cười năm 2004 với tiểu phẩm hài kịch “Người ngựa - Ngựa người”, một tiểu phẩm dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Dưới tài diễn xuất tài tình cũng như những màn tung hứng, kết hợp ăn ý giữa hai nghệ sĩ hài nổi tiếng của đất Bắc: nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền đã để lại những tiếng cười sảng khoái, thú vị cho hàng triệu khán giả. Đâu đấy dưới hàng ghế khán giả nhiều người vẫn còn kịp nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh, xúc động trên gương mặt của rất nhiều nghệ sĩ, khán giả xót xa, thương cảm cho những phận đời trớ trêu, kiếp người tận cùng dưới đáy xã hội của những năm đầu thế kỷ 20.

Thời gian gần đây, tình hình sân khấu hài kịch giữa hai miền Nam, Bắc thật sự đã không còn hấp dẫn để lôi kéo khán giả đến với sân khấu. Nhiều vở hài kịch được sáng tác, ra đời một cách nhanh chóng, cố tạo tiếng cười nhưng chỉ nhàn nhạt như nhau, có khi còn thô tục, rẻ tiền. Khán giả đã quá ngán ngẩm khi cứ xoay đi quẩn lại là những tiểu phẩm hài kịch kiểu lạm dụng hình ảnh giả gái để chọc cười khán giả một cách thô thiển hoặc lợi dụng hình ảnh người đồng tính ẻo lả để cố chọc cười khán giả...

Nghệ sĩ hài Xuân Hinh, một danh hài hiểu theo đúng nghĩa của miền Bắc với nhiều vai diễn hài “để đời” như “Người ngựa - Ngựa người”, “Mẹ đốp”… cũng không thể thoát khỏi vòng lẩn quẩn với những vai diễn hài giả gái trong đĩa hài xuân 2012 vừa qua với những tiểu phẩm như “Thị Hến kén chồng”, “Bắt đền đại gia”… nội dung đơn thuần chỉ là những tiếng cười để giải trí cho vui chứ không hơn không kém. Mới đây, trong live show của mình, danh hài Hoài Linh cũng đã tuyên bố sẽ không bao giờ giả gái để chọc cười khán giả nữa.

Có thể nhiều khán giả yêu thích danh hài Hoài Linh qua những vai diễn hài giả gái tiếc nuối nhưng đó cũng là điều dễ hiểu khi những vai diễn hài giả gái của người nghệ sĩ nói chung đã không còn thú vị, hấp dẫn khán giả. Có thể thấy nhiều vở diễn hài của rất nhiều diễn viên trẻ hiện nay cẩu thả trong kịch bản, sơ sài trong dàn dựng đã tạo nên những tiếng cười dễ dãi, bát nháo cùng với sự thiếu vắng, hững hờ của khán giả với sân khấu hài cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều nghệ sĩ hài đã lùi xa với ánh đèn sân khấu, có nghệ sĩ cũng đã chuyển sang đóng phim truyền hình hoặc làm MC cho một chương trình nào đó của đài truyền hình như danh hài Hoài Linh liên tục xuất hiện với nhiều vai diễn trên phim truyền hình, nghệ sĩ hài Bảo Quốc đang làm MC cho một chương trình của Đài Truyền hình TPHCM, Xuân Bắc thì đang làm khách mời trong nhiều chương trình trên Đài Truyền hình VN.

Nhiều nghệ sĩ tạo được tên tuổi qua những vai diễn hài được khán giả yêu thích như Việt Hương, Thúy Nga, Vân Dung, Tự Long… cũng đã lâu lắm rồi không còn xuất hiện nhiều trên sân khấu cũng như các tụ điểm hài trong cả nước.

Sự bế tắc của sân khấu, tụ điểm hài trong cả nước từ lâu đã được những nghệ sĩ hài nghiêm túc với nghề cũng như rất nhiều khán giả cảnh báo. Ông bà ta đã có câu nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” đề cao ý nghĩa cần thiết của nụ cười trong cuộc sống hàng ngày. Những khán giả yêu thích những tác phẩm hài vẫn mong đợi và cần lắm nhiều tiếng cười sảng khoái, có giá trị trong cuộc sống.

Nhưng để mỗi tiếng cười đó thật sự trí tuệ, nhân văn và lôi cuốn khán giả đến với sân khấu hài thì chính những người nghệ sĩ, nhất là những diễn viên, nghệ sĩ trẻ cần thiết phải “soi rọi” lại chính mình để cho ra đời những tiểu phẩm hài mang tính sáng tạo cũng như có giá trị tư tưởng tốt.

Nguyễn Đước

Tin cùng chuyên mục