Có một dạo sân khấu hài bùng nổ khắp nơi, đi đâu cũng gặp nhóm hài này, diễn viên hài nọ mang tiếng cười đến cho mọi người. Thế nhưng, hiện nay, sân khấu hài ở TPHCM đang ngày càng co cụm và thậm chí loại hình nghệ thuật này đang đi vào… ngõ cụt.
Còn ai thích diễn, thích xem hài?
Hiện nay, các sân khấu, tụ điểm ở TPHCM thường xuyên tổ chức biểu diễn tấu hài chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Khu vực trung tâm TP có 126, Trống Đồng, Điểm hẹn Sài Gòn, MTV, Chămpa; ở quận vùng ven thì thêm một vài điểm: Bar 2000 (quận 6), Hoàng Hạc (Gò Vấp)… Còn các điểm chuyên biểu diễn hài hàng đêm của “bầu” Phước Sang là Sân khấu 135 Hai Bà Trưng và Nam Quang đều đã ngưng hoạt động!
Nguyên nhân có thể do khán giả không thấy các nhóm hài có những tiểu phẩm mới, hấp dẫn nên thích ở nhà xem các kênh truyền hình trình chiếu tấu hài. Lý giải cho việc ít đầu tư tiết mục mới, diễn viên Mai Dũng chia sẻ: “Bây giờ diễn hài thu nhập không cao bằng việc đi đóng phim nên nhiều anh em diễn viên đổ xô đi làm phim nhiều hơn, khi nào rảnh mới nhận lời diễn hài. Cho nên, ít có nhóm nào chịu đầu tư cái mới, chấp nhận có gì diễn nấy. Chính điều này mà ngày qua ngày khán giả ngán ngẩm với hài…”.
Còn diễn viên A.V. thì cho rằng, mặc dù bận đi show ở nước ngoài và diễn kịch dài, nhưng anh vẫn sắp xếp đi diễn hài mỗi tuần 1 ngày vào tối thứ hai để giữ được phản xạ sân khấu, không bị ngỡ ngàng với khán giả của tấu hài. Hiện nay, hầu hết các nhóm hài đều diễn tiết mục cũ. Tuy nhiên, nhóm hài của anh cũng đã dàn dựng 2 tiết mục mới để biểu diễn cho khán giả xem, mặc dù cả 2 tiết mục này đều chưa được phúc khảo cấp phép. A.V. thật thà: “Khi nào bị phạt thì đành chịu thôi. Chứ đợi lâu rồi đâu có dịp nào để phúc khảo, chẳng lẽ diễn hoài cái cũ, khán giả cũng ngán. Đến khi nào bị phát hiện, bị xử phạt thì tính tiếp…”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, sở dĩ sân khấu hài lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, một phần lỗi rất lớn là do các diễn viên, nhóm hài. Có những nhóm hài, lúc đầu đặt hàng tác giả viết kịch bản để dàn dựng và diễn. Sau vài tiết mục, cả nhóm thấy dễ ăn, vậy là tự mình viết, dựng cho khỏi phải tốn thêm chi phí tác giả. Nhưng không lâu sau, nhóm hài đâu biết gì để viết tiếp, nhờ vả lại tác giả, đâu ai chấp nhận!
Cần những “cú hích” mới
Trước thực trạng sân khấu hài hiện nay đòi hỏi các ngành, các cấp và cả nhóm hài phải cùng ngồi lại tìm một hướng đi mới. Nếu không, trong tương lai, sân khấu hài sẽ ngày càng tuột dốc không phanh. Theo tác giả Lê Duy Hạnh, muốn sân khấu hài thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay, TP cần có một liên hoan sân khấu hài để qua đó vận động các tác giả viết kịch bản, tiểu phẩm mới và khuyến khích nhóm hài đầu tư thực hiện tiết mục mới.
Trước đây, vào những năm 1980, sân khấu hài cũng đã từng rơi vào cơn khủng hoảng, nhưng nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ, TPHCM đã tổ chức được cuộc thi Tiếng cười sân khấu tạo nên một cú hích mạnh mẽ cho sân khấu hài hồi sinh và phát triển.
Còn diễn viên Vũ Thanh, nhóm hài Vũ Thanh cho biết, lâu nay ngành văn hóa thường chỉ tổ chức phúc khảo khi các nhóm hài tập hợp được từ 10 tiểu phẩm trở lên, nhưng trong tình hình khó khăn như mấy năm nay thì thật không thể nào tập hợp được. Chính vì thế một số nhóm hài đành chấp nhận diễn cái cũ hoặc diễn tiểu phẩm mới chưa được ngành chức năng thẩm định cấp phép. Còn đạo diễn Hoàng Duẩn thì cho rằng, để tạo cơ hội cho các nhóm hài có tiểu phẩm mới được cấp phép biểu diễn, đảm bảo chất lượng, ngành văn hóa có thể đưa ra những thời gian định kỳ phúc khảo trong năm để các nhóm hài biết và chủ động hơn trong việc đầu tư tiết mục mới tham gia phúc khảo. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cũng phải tăng cường để kiểm tra xử phạt các đơn vị, nhóm hài biểu diễn tiết mục chưa được cấp phép. Nếu làm được điều này sẽ phần nào chấn chỉnh được tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong sân khấu hài hiện nay.
Ngành văn hóa cũng cần khôi phục những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn sân khấu cho các nhóm hài. Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc: “Qua những khóa tập huấn này, các diễn viên hài, nhóm hài sẽ được định hướng, được dung nạp thêm những kiến thức cần thiết cho mình để từ đó có thể nhận thức rõ ràng hơn điều gì được diễn, điều gì nên dừng…”.
Có thể nói, đã đến lúc sân khấu hài cần một cuộc “đại phẫu”, nhìn lại mình để hoạch định hướng phát triển cụ thể, bền vững hơn, mang lại những tiếng cười lành mạnh, bổ ích hơn.
ĐỖ HẠNH