Cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông tại Washington bất ngờ đến rồi kết thúc với nhiều ngạc nhiên về những gì hai bên đạt được, tưởng chừng như sẽ mang đến hy vọng mới cho con tàu hòa bình Trung Đông. Thế nhưng không!
Các nhà phân tích đều cho rằng, những gì diễn ra giống như trong một kịch bản và những bộ complê đen, những cái bắt tay thân ái, và những lời nói lịch sự sẽ mang lại rất ít cơ hội để kết thúc cuộc xung đột hơn nửa thế kỷ qua.
Trong cuộc đàm phán này, cả hai bên dễ dàng thống nhất sẽ gặp nhau sau hai tuần tại Ai Cập, và mỗi hai tuần sẽ ngồi lại với nhau đàm phán về tất cả những vấn đề còn tồn đọng. Đó là biên giới của nhà nước Palestine trong tương lai, an ninh cho Israel, hiện trạng của Jerusalem, tương lai của những người tỵ nạn Palestine. Các nhà lãnh đạo đặt thời hạn chót cho những cuộc đàm phán là một năm.
Trong một thời gian dài, người ta nghi ngờ việc Thủ tướng Israel Netanyahu thật sự muốn có một thỏa thuận hòa bình. Nhưng lần này có vẻ như ông Netanyahu khẳng định, ông đến Washington để tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt cuộc xung đột và ông ta nhận thức được rằng “một dân tộc khác sẽ cùng chia sẻ đất đai với chúng ta”.
Ông Netanyahu thậm chí còn nói với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas: “Ông là đối tác hòa bình của tôi”. Ông Abbas thì đến Washington một cách miễn cưỡng, bởi vị thế của ông cực kỳ khó khăn vì nếu có bất cứ sự đổ vỡ nào, ông chính là người bị chỉ trích đầu tiên. Nhưng ông đã cam kết với một quyết tâm rất lớn rằng sẽ nỗ lực hết mình để những cuộc đàm phán thành công và vấn đề an ninh là vấn đề sống còn của cả hai dân tộc (Palestine và Israel).
Đáng ngạc nhiên hơn khi ông Netanyahu đã không hủy bỏ cuộc đàm phán khi các tay súng lực lượng Hamas thừa nhận đã giết 4 người Israel ở gần thành phố Hebron. Và ông Abbas không chỉ lên án cuộc tấn công, mà còn không từ bỏ cuộc gặp gỡ lịch sử khi những người định cư Do Thái tuyên bố xây dựng một khu định cư mới trước khi quy định tạm ngừng xây dựng hết hiệu lực vào ngày 26-9 tới.
Một thỏa thuận hòa bình lâu dài để chấm dứt một trong những cuộc xung đột dài nhất lịch sử thế giới hiện đại không thể nào đạt được chỉ với những điều kiện dễ dàng như thế. Tại Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barack cho biết, kế hoạch chia đôi Jerusalem sẽ là một điều sỉ nhục cho ông Netanyahu.
Còn cộng đồng người Arập ở các quốc gia láng giềng hàng chục năm nay dù không trực tiếp ngồi bàn đàm phán, nhưng không bao giờ cho phép Palestine nhượng bộ Jerusalem cho Israel bởi Jerusalem còn được coi là đất tổ của người Arập nói chung. Bên cạnh đó, trong nội bộ Palestine có Hamas và trong nội bộ Israel có những người định cư Do Thái ở Jerusalem và Bờ Tây lâu nay sẽ là những lực lượng chống phá đàm phán hòa bình tích cực nhất. Ngày 26-9 cũng là một thời điểm cực kỳ nhạy cảm và sẽ là thử thách đầu tiên cho hai bên khi lệnh tạm ngưng xây dựng khu định cư Do Thái hết hiệu lực. Nếu ông Netanyahu muốn bước tiếp trên con đường dẫn đến hòa bình chắc chắn phải gia hạn tiếp lệnh này. Và đây là thách thức lớn nhất cho Chính phủ Israel. Theo New York Times, các nhà bình luận chính trị thế giới đều bi quan về tiến trình hòa bình Trung Đông.
Nếu những gì các nhà lãnh đạo Israel và Palestine cùng với Mỹ - nhà trung gian hòa giải - cam kết với thiện chí thật sự thì đó là sự khởi đầu mới cho niềm hy vọng dù rất mong manh. Còn nếu như không và đó chỉ là một sân khấu chính trị để làm hài lòng một ai đó, hoặc lấy điểm cho một ai đó thì nó sẽ là một cơn sóng lớn đẩy con tàu hòa bình Trung Đông tiếp tục vào vùng lốc xoáy
VIỆT TRUNG