Sân khấu kịch 5B nguy cơ tái đóng cửa

Sau hơn 6 tháng sáng đèn trở lại, sân khấu kịch 5B đã lần luợt ra mắt các vở kịch mới, thu hút sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của đông đảo khán giả yêu thích phong cách kịch nói 5B. Tuy nhiên, với tình hình chung sân khấu thành phố gặp nhiều khó khăn, sàn diễn này đang dần đuối sức với nguy cơ sẽ tái đóng cửa.
Một cảnh trong vở Những giấc mơ lóng lánh của sân khấu kịch 5B
Một cảnh trong vở Những giấc mơ lóng lánh của sân khấu kịch 5B

Trước đó, sân khấu kịch 5B đã có 3 năm dài phải đóng cửa vì vướng dự án xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ ngơi 5B Võ Văn Tần. Theo dự án, cơ ngơi 5B được thành phố dự trù chi 6 tỷ đồng để làm thang máy mới, tu bổ sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp nội thất sân khấu biểu diễn… Thế nhưng, thời gian 3 năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ vì không có sự thống nhất giữa nội bộ và các đối tác, công trình đành tạm hoãn. 

Trước thực tế đó, vì niềm đam mê sàn diễn quá lớn, bà “bầu” NSƯT Mỹ Uyên đã tất tả chạy vạy khắp nơi để quyết tâm đưa sân khấu kịch 5B tái hoạt động. Con đường duy nhất là tu sửa nhanh địa điểm sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần để đưa vào sử dụng với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Sự kiện sân khấu kịch 5B tiếp tục sáng đèn tạo nhiều phấn chấn cho anh em nghệ sĩ từng làm việc tại đây. Vẫn giữ nguyên tiêu chí là một sân khấu kịch thử nghiệm, sân khấu kịch 5B đã tạo nhiều điều kiện để các tác giả, đạo diễn trẻ thể hiện sức sáng tạo, phù hợp với nhu cầu giải trí nghệ thuật của công chúng hiện nay.

Các tác giả và đạo diễn trẻ như Thái Kim Tùng, Mai Thắm, Tùng Phi… đã có dịp được thăng hoa. Các ê kíp đã thực hiện thành công những vở mới: Những giấc mơ lóng lánh, Bên đàng dệt mộng, Trời trao của lạ, đầu tư lại vở Gương mặt kẻ khác, Tình lá diêu bông… Đặc biệt, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu, nhiệt huyết, gắn bó với sàn diễn này, gồm: Công Ninh, Mỹ Uyên, Hạnh Thúy, Phương Bình, Tuyết Thu, Trung Dũng, Tuyền Mập, dàn diễn viên trẻ Thái Kim Tùng, Quốc Thịnh, Thanh Tuấn, Hồng Đào, Thanh Thúy, Lê Hoàng Giang, Võ Minh Lâm, Nhã Thy, Như Huỳnh… đã cùng nhau làm việc nghiêm túc, hết mình, chung sức chung lòng vì sự nghiệp sáng đèn của một sân khấu mang đậm giá trị truyền thống. 

Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận lợi về đội ngũ sáng tạo nghệ thuật, sàn diễn 5B vẫn gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất vốn đã quá cũ kỹ, sân khấu ở tận lầu 3, lại không có thang máy, khó thu hút và giữ chân khán giả. Nhiều xuất diễn sân khấu 5B buộc phải trả vé vì quá vắng khán giả. Không chỉ vậy, với kinh phí hoạt động eo hẹp, các xuất diễn thường phải bù lỗ, việc duy trì tổ chức biểu diễn rơi vào thế chông chênh. 

Bà “bầu” NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, trăn trở: “Tình hình của sân khấu hiện nay rất căng. Từ tháng 4 khai trương đến giờ, hoạt động của sàn diễn không được khả quan. Dù sân khấu vẫn còn một lực lượng khán giả thân quen, yêu thương, luôn ủng hộ, nhưng dường như khán giả hôm nay không còn thích đi xem kịch nữa. Suất diễn nào cũng phải bù lỗ. Không chỉ vậy, trong tình hình chung, sân khấu 5B còn chịu ảnh hưởng nhiều từ các nguyên nhân khác. Dù mỗi suất diễn chỉ có 30 - 40 người, nhưng khán giả vẫn ngồi xem đến cuối buổi, cùng chia sẻ với sân khấu, với anh em nghệ sĩ, diễn viên. Chính vì điều này khiến chúng tôi không muốn đóng cửa”.  

Lo lắng cho sàn diễn những ngày cuối năm, bà “bầu” Mỹ Uyên lại tất tả tìm kiếm kịch bản hay, hấp dẫn để đưa lên sàn, kịp chuẩn bị ra mắt để phục vụ khán giả vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019, trong đó có vở Chợ đời hát rong (tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo). NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ thêm: “Tôi chỉ mong mỏi được Hội Sân khấu TPHCM chia sẻ bớt nỗi khó khăn của sân khấu kịch 5B, có thể san sẻ một phần kinh phí của thành phố cấp cho hội, để sửa chữa cơ sở vật chất, để sàn diễn 5B tiến hành sửa chữa chắp vá thêm; đồng thời có thêm nguồn vốn để đầu tư xây dựng vở, duy trì hoạt động tổ chức biểu diễn. Nhiều lúc quá mệt mỏi, nản lòng, tôi cũng muốn buông xuôi, muốn đóng cửa sàn diễn, nhưng rồi lại cứ làm vì niềm đam mê, tâm huyết dành cho sân khấu luôn nặng mang. Hiện giờ, tôi sẽ cố gắng cầm cự, đến đâu hay đến đó. Tôi hiểu khả năng của mình cũng có giới hạn, dự tính ở tương lai không xa, có thể là sau mùa diễn tết, tôi sẽ phải tạm ngưng hoạt động sàn diễn kịch thể nghiệm này vì không thể kham nổi các khoản chi phí duy trì hoạt động sân khấu”. 

Nếu sự việc diễn ra, sân khấu 5B chính thức đóng cửa, thị trường sân khấu kịch nói xã hội hóa tại TPHCM sẽ lại ghi thêm một nốt nhạc buồn vì sự thưa vắng dần những sàn diễn chất lượng, ý nghĩ.

Tin cùng chuyên mục