Hiện nay, nếu như phim truyền hình đang có nhiều lợi thế bởi có “đất” (dài hàng chục tập) để đạo diễn thỏa sức đưa đẩy nhân vật… vào những bi kịch xã hội phức tạp, thì ở trên sân khấu, để đi tìm được một câu chuyện sâu sắc về thân phận, về cuộc đời dường như đang quá khó. Chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ, tâm lý của khán giả đến rạp thích được thư giãn, được cười, chuyện bi phải nhẹ hơn hài. Nhà sản xuất muốn bán được vé luôn phải đương đầu với bài toán khó: chọn kịch bản nào để đưa lên sân khấu. Vì thế, xem ra ở những vở diễn đông khách hiện nay, các trò diễn đang phải gánh bớt nội dung.
Cười vì chuyện... tầm phào
Chuyện kịch thì đơn giản, nhiều khi chỉ là chuyện tầm phào, nên tác giả và đạo diễn đành phải đắp đổi nhiều trò diễn để hấp dẫn khán giả. Những trò diễn này phụ thuộc rất nhiều vào phong cách của đạo diễn và tài nghệ ứng biến, quậy trò của diễn viên. Vở Hương tình của sân khấu Idecaf kể về một nhóm bạn lên ngôi nhà ma ở Đà Lạt để thử cảm giác qua đêm. Nếu kịch bản đi theo chiều hướng nhát ma thì quá bình thường, không lạ, nên tác giả cho “chiêu” là đám trẻ bị một ông già quái dị cho uống thuốc lú nên các cặp uyên ương bỗng bấn loạn, yêu đương lộn xộn. Thế là cười. Có một số mảng miếng diễn viên chọc cười cũng có duyên.
Nhưng sự lặp đi, lặp lại, lạm dụng kiểu chọc cười này đôi khi khán giả cũng thấy nhạt. Các diễn viên gạo cội, bằng tài năng, diễn xuất lôi cuốn còn có khả năng gây hưng phấn cho khán giả, khỏa lấp cái sự nhạt của kịch bản, nhưng với các diễn viên trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, duyên hài chưa tới thì trong kịch bản này lại phải lấy lối diễn chân thật, sức thanh xuân sôi động làm điểm mạnh để cuốn hút sự chú ý của người xem.
Mỗi đạo diễn có cách tung chiêu trò riêng. Hiện nay, đạo diễn, NSƯT Đức Thịnh được coi là người biết bày trò quậy vừa trẻ trung, vừa có duyên. Trong vở Trăng Máu (có phần kinh dị) đạo diễn tung ra những chiêu trò: bóng ma trắng bay lơ lửng nhưng không đủ bộ phận cơ thể, cái đầu đi tìm cái thân, một khúc tay bị chặt vẫn sờ soạng được, chiếc bàn tự xoay hay con dao nhiều phép lạ…
Thật ra, những chiêu trò này không có gì mới, sân khấu rối đen đã làm từ rất lâu, nhưng khi gắn kết vào nhân vật trong hoàn cảnh không giống ai cộng thêm câu thoại chọc cười… khiến khán giả quên nỗi sợ ma quái. Hiệu ứng của vở được tạo nên từ những chiêu trò chọc phá, câu thoại tức cười. Vở diễn kết thúc bằng những trận cười khoái chí. Vở kịch bi mà không thấy bi.
Những bi kịch và xung đột được giải quyết theo hướng làm nhẹ bằng sự hài hước khiến cho vở diễn trẻ trung và “đời” hơn. Để khỏa lấp sự thiếu thốn về trang thiết bị sân khấu cho một vở kinh dị, đạo diễn sử dụng nhạc “mượn” khá hợp lý cũng tạo được cảm xúc cho người xem. Tất nhiên đây cũng là cách che lấp phần nào sự sơ lược của nội dung, ép cảm xúc khán giả.
Cũng là nội dung kiếp trước, kiếp sau như phim Hàn Quốc gần đây nhưng câu chuyện Tái sinh của sân khấu Hoàng Thái Thanh lại chạm mạch được khán giả bởi sự va đập tính cách của nhân vật, giữa cái Thiện và Ác. Nhưng xem ra sự tham lam, mắc cười của Hà - một cô gái không chồng (Ái Như đóng) của kiếp này có sức hấp dẫn hơn một cô em chồng ác ở kiếp trước.
Hay một anh chồng sắp cưới vô tư, tếu táo vừa làm thiên hạ cười, vừa dễ bực mình và đáng ghét của đời nay xem ra còn thú vị hơn thằng ác bá của kiếp trước. Những tính cách đa nhân cách không chỉ làm người xem thấy gần gũi mà cũng làm người diễn dễ phiêu và tung hứng nhiều trò hơn.
Cười... nhưng ngán
Tiếng cười là điều không thể thiếu trên sân khấu kịch hiện nay. Nhìn một góc độ nào đó, nó cũng có hiệu ứng tích cực cho cuộc sống: Cuộc đời có những lúc không giải quyết được bế tắc, xung đột một cách trực diện, người ta lại biến nó thành những câu chuyện cười cho bớt đau. Thế nhưng, các trò diễn ngộ nghĩnh trên sân khấu bây giờ tuy được khán giả hưởng ứng, làm hưng phấn người diễn, nhưng tránh sao khỏi đôi khi thấy ngán vì nội dung kịch đơn giản và nhiều vở có vẻ tầm phào quá, cứ như lấy trò để thay cho kịch? Nhiều nghệ sĩ gạo cội đã phải thốt lên rằng: Kịch mà cứ làm trò mãi trên sân khấu thì không biết kịch đi về đâu?
Cũng có người cho rằng: Tại khán giả thích xem chiêu, trò nên phải dựng kịch như vậy. Xem ra bài toán cho sự cân bằng giữa chiêu trò và nội dung kịch đã đến lúc phải đặt ra. Kịch không thể quay về cái thời chỉ rao giảng những lời giáo huấn cao đạo. Song sân khấu cũng chẳng thể chỉ tồn tại bằng cách tung hê hết để những chiêu thức pha, quậy trò… chiếm lĩnh sân khấu.
Có thế thấy, để tồn tại trong thị trường giải trí đầy áp lực cạnh tranh như hiện nay, trong từng vở diễn, các nghệ sĩ đang cố gắng tìm cách hấp dẫn khán giả. Có những cái được, cũng có điều quá lố. Trên sân khấu diễn viên không thể có được những kỹ xảo che lấp sự yếu kém của mình. Đối diện với khán giả, diễn viên phải diễn bằng chính cái tài, cái duyên của mình. Một vở kịch hời hợt, diễn viên dù “quậy” đến hết cỡ thì khán giả khi đang xem được cười rất đã nhưng khi ra về chẳng nhớ được gì.
Lắng nghe tâm sự của nghệ sĩ bây giờ thấy cũng lắm nỗi ưu lo. Lạm dụng trò diễn để kéo khán giả khiến sân khấu không còn nguyên vẹn ý nghĩa: Kịch là thánh đường như một thời sân khấu đã có!
NGA PHAN