Tháng 11 này, điểm diễn của kịch Hoàng Thái Thanh tại số 36 Lê Quý Đôn, quận 3 sẽ ngừng hoạt động, để đơn vị cho thuê mặt bằng này là Nhà Thiếu nhi TPHCM phá dỡ toàn bộ xây dựng lại. Thế nhưng, dời điểm diễn đến địa điểm nào, hiện đang nặng lòng những người quản lý ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Sáng đèn trong lo âu
Tháng ngày di dời sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh không còn lâu và cứ ám ảnh trong công việc lẫn cuộc sống của đạo diễn - nghệ sĩ Ái Như và NSƯT Thành Hội. Dù vậy, đôi nghệ sĩ đầy nhiệt huyết với nghề này vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động, nỗ lực thắp sáng đèn sân khấu vào các ngày cuối tuần để phục vụ khán giả…
Mới đây, vở Đèn không hắt bóng (tác giả: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như, dựa theo tiểu thuyết “Vô Ảnh Đăng” của nhà văn Nhật Bản Watanabe Dzunichi, dịch giả: Cao Xuân Hạo) qua diễn xuất của dàn diễn viên trẻ Công Danh, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Thái Trang, Nguyễn Long, Khánh Vân, Tấn Đạt, Hoài Thương, Cao Tiến, Đoàn Thanh Phượng, Đình Vũ, Thanh Duy đã công diễn phục vụ khán giả.
Trong Đèn không hắt bóng, các diễn viên trẻ Công Danh (nhân vật Naoe), Hoàng Vân Anh (Noriko), Thế Hải (Kobashi), Nguyễn Long (Yutaro)… dẫu còn non tay nghề nhưng đã rất nỗ lực diễn thật tròn vai. Ở một vài cảnh, các nhân vật chính đã tạo nên sự rung động nhiều cảm xúc cho khán giả.
Vở này được đạo diễn Ái Như chăm chút rất kỹ với niềm tin vào sự trưởng thành của dàn diễn viên trẻ, chị chia sẻ: “Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh luôn tạo nhiều điều kiện để các diễn viên trẻ được diễn xuất trên sân khấu cùng với các diễn viên đàn anh đàn chị trong nhiều vở diễn. Qua đó, các em được học tập, rèn nghề và phát triển vững vàng hơn. Năm nay, chúng tôi dàn dựng lại vở Đèn không hắt bóng (trước đây, vở từng được dàn dựng với tên gọi Mùa đông cuối cùng, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi: NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thành Hội, NS Ái Như, Tuyết Thu, Quốc Thái, Trí Quang, Tuyết Mai, Hoài Thương, Thế Hải…), nhằm tạo cơ hội để các em cùng ra mắt khán giả một cách độc lập, qua đó thể hiện tài năng, kiến thức nghề đã được học, trui rèn trong những năm qua”.
Bên cạnh đó, những vở diễn: Oan tình ai thấu, Tình duyên thuở trước, Trần gian có phải tình yêu, Chuyện bây giờ mới kể, Tục lụy, Trò chơi tham vọng, Sông dài, 6 tháng - Anh và em, Nửa đời ngơ ngác, Thử yêu lần nữa, 29 anh về, Hãy khóc đi em, Ngôi nhà thiếu đàn bà... sẽ tiếp tục được luân phiên trình diễn phục vụ khán giả đến hết tháng 11-2014, dù rằng, với mỗi đêm sáng đèn, những người nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật, với nghề luôn chất chứa trong lòng đầy ắp nỗi lo âu.
Chờ đợi và hy vọng…
Trong 4 năm hoạt động, sân khấu kịch này đã cho ra đời 30 vở diễn, nhiều vở kịch tạo được dấu ấn sâu sắc đến người xem, trong đó, có không ít vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học của Việt Nam và các nước, mang đậm ý nghĩa giáo dục, tính nhân văn, nhân bản đặc sắc.
Nhìn lại, cũng từng đó năm hoạt động, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh là một trong những đơn vị nghệ thuật xã hội hóa có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả tại TPHCM. Đây cũng là một trong số ít sân khấu kịch được giới chuyên môn và công chúng đánh giá có đường hướng hoạt động và phát triển đúng đắn, lành mạnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đang ở vào tình thế rất nan giải khi phải di dời điểm diễn trong vài tháng tới.
NSƯT Thành Hội bộc bạch: “Đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được điểm diễn nào phù hợp. Với tình hình này, chúng tôi không biết sẽ đi đâu, về đâu!”. Đạo diễn, NS Ái Như cũng chia sẻ sự phiền muộn của mình: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm sân khấu với mong muốn có được một nơi biểu diễn ổn định để tiếp tục làm nghề. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi cũng đã phản ánh vài lần lên các cơ quan hữu quan, cơ quan quản lý văn hóa và ngay trong năm 2013 và tháng 3-2014, chúng tôi cũng được làm việc với đoàn đại biểu HĐND TPHCM để phản ánh tình hình thực tế, nhưng đến nay vẫn phải tự thân vận động”.
Hiện nay, tại TPHCM, để tìm kiếm một mặt bằng thuê làm sân khấu biểu diễn thật không dễ vì đòi hỏi rất nhiều vấn đề, từ mặt bằng thiết kế sân khấu đến kho chứa cảnh trí, đạo cụ, bãi giữ xe…
Thời gian qua, Sở VH-TT-DL TPHCM có đề xuất hỗ trợ điểm diễn cho sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh ở rạp Kim Châu, nhưng trên thực tế, địa điểm này thật không thể đáp ứng được nhu cầu tập luyện, biểu diễn, kho bãi… Vậy sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ đi đâu, về đâu? Đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải!
Thiết nghĩ, trước tình hình khó khăn lớn của sân khấu chính kịch này, các cơ quan quản lý văn hóa nên có sự quan tâm và hành động cụ thể hỗ trợ thiết thực để sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh được ổn định điểm diễn, để được tiếp tục nỗ lực đóng góp sức mình vì sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật thành phố.
THÚY BÌNH