Sân khấu kịch IDECAF - Vững vàng một thương hiệu

Sân khấu Kịch IDECAF đang tất bật chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển. Trong đó, khởi đầu là chương trình nhạc kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” lần thứ 24 với vở “Chúa tể muôn loài” sẽ diễn ra từ ngày 19-5 tại Nhà hát Bến Thành… Qua 15 năm hoạt động, Kịch IDECAF đã tạo nên những dấu mốc đáng nhớ cho công chúng yêu thích sân khấu.

Sân khấu Kịch IDECAF đang tất bật chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển. Trong đó, khởi đầu là chương trình nhạc kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” lần thứ 24 với vở “Chúa tể muôn loài” sẽ diễn ra từ ngày 19-5 tại Nhà hát Bến Thành… Qua 15 năm hoạt động, Kịch IDECAF đã tạo nên những dấu mốc đáng nhớ cho công chúng yêu thích sân khấu.

1. Được thành lập từ năm 2007, Kịch IDECAF là một trong những đơn vị sân khấu xã hội hóa đầu tiên của thành phố do đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn dẫn dắt. Sau 15 năm hoạt động, Kịch IDECAF đã dàn dựng trên 150 vở kịch phục vụ công chúng, trở thành một tên tuổi được mến mộ. Từ những nghệ sĩ “trụ cột” của đơn vị như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu…, Kịch IDECAF đã góp phần đào tạo nên khá nhiều nghệ sĩ, đạo diễn trẻ cho sân khấu thành phố. Trong đó có thể kể đến đạo diễn Vũ Minh, diễn viên Lê Khánh, Đại Nghĩa, Đình Toàn… Hiện nay, Kịch IDECAF cũng đang thu hút một số diễn viên trẻ đẹp, có năng khiếu về đầu quân như Xuân Thùy, Vân Trang… IDECAF là môi trường làm việc nghiêm túc trong tập luyện, giờ giấc. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành tác phong làm việc của các diễn viên và sự thành công của từng vở diễn.

2. Song song đó, Kịch IDECAF còn xây dựng thành công chương trình nhạc kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Sau 11 năm làm “Ngày xửa ngày xưa”, có những khán giả nhỏ từng xem chương trình này nay đã trưởng thành, có những người giờ lập gia đình, có con và lại tiếp nối đưa con đi xem “Ngày xửa ngày xưa”. Chính vì vậy mà nhu cầu xem chương trình nhạc kịch thiếu nhi cũng ngày một tăng lên. Nếu như trước đây, mỗi năm Kịch IDECAF chỉ làm chương trình này một lần vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và diễn trong những ngày hè thì nay đã tăng thêm chương trình vào dịp Tết Trung thu và Giáng sinh. Mỗi chương trình có từ 35 - 40 suất và luôn trong tình trạng… cháy vé. Thậm chí năm nay, khi chương trình còn trên sàn tập mà đã có trên 2/3 lượng khán giả của 40 suất diễn đăng ký mua vé trước. Có lẽ nhờ vậy mà dẫu tập chương trình “Ngày xửa ngày xưa” vất vả hơn tập kịch người lớn nhưng các nghệ sĩ đều cảm thấy hào hứng khi được tham gia.

3. Không dừng lại ở kịch người lớn, kịch thiếu nhi, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn còn đầu tư thực hiện sân khấu du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến TPHCM. Từ năm 2008, anh đã đưa vào hoạt động Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TPHCM (nằm trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động TPHCM) chuyên biểu diễn múa rối. Khi mới hoạt động, nhà hát này biểu diễn đều đặn mỗi ngày 1 suất nhưng đến nay đã tăng dần lên 3 suất/ngày và trở thành một điểm hẹn của du khách. Với những thành công này, trong 2 năm 2011 và 2012, nhà hát còn được đối tác ở Nhật Bản mời sang biểu diễn giao lưu. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước nói chung và nhà hát nói riêng khi được du khách khắp thế giới biết đến, yêu thích! Nối tiếp thành công của Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TPHCM, cũng trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động thành phố, từ đầu năm 2012, người đạo diễn năng động này đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng Nhà hát Nón Lá TPHCM chuyên biểu diễn loại hình âm nhạc dân tộc phục vụ du khách với chương trình “Ngọc Việt”. Đến nay, nhà hát này cũng đang dần hoạt động ổn định mỗi ngày trình diễn một suất và rất có khả năng sẽ tăng thêm suất diễn bởi lượng khách có nhu cầu thưởng thức âm nhạc dân tộc ngày một đông hơn.

Có thể nói, 15 năm chưa phải là quãng thời gian dài đối với việc hình thành và phát triển của một đơn vị nhưng đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn đã tạo dựng nên một “thương hiệu mạnh” của sân khấu xã hội hóa, thật đáng khích lệ.


ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục