Sân khấu kịch TPHCM: “Điểm sáng” đội ngũ trẻ

Hai năm qua, không khí sân khấu kịch TP rộn ràng hẳn lên với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là những “ông bầu” sân khấu trẻ, đạo diễn trẻ. Nhiều sân khấu thường xuyên sáng đèn với hàng loạt vở diễn mới, cập nhật những đề tài gần gũi với đời sống, tư duy hiện đại…
Sân khấu kịch TPHCM: “Điểm sáng” đội ngũ trẻ

Hai năm qua, không khí sân khấu kịch TP rộn ràng hẳn lên với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là những “ông bầu” sân khấu trẻ, đạo diễn trẻ. Nhiều sân khấu thường xuyên sáng đèn với hàng loạt vở diễn mới, cập nhật những đề tài gần gũi với đời sống, tư duy hiện đại…

Vượt khó theo đuổi nghệ thuật

Với “ông bầu” Phạm Vũ Kiên, Giám đốc sân khấu kịch Tâm Ngọc, cái duyên gắn bó với loại hình nghệ thuật kịch nói đến với anh rất tình cờ. Sau lần đi xem ở diễn tốt nghiệp của một người bạn ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, Kiên muốn xây dựng một sân khấu kịch cà phê để kinh doanh và cũng là để các bạn vừa ra trường có điểm diễn. Từ kịch cà phê, “ông bầu” trẻ dần đam mê và rời xa việc kinh doanh riêng lúc nào cũng không hay, ngày ngày tập trung và lo lắng để phát triển hoạt động kịch nói nhiều hơn, vậy là dấn thân theo con đường làm kịch chuyên nghiệp.

Kiên chia sẻ: “Bắt tay làm sân khấu kịch chuyên nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu không cao. Suốt gần 3 năm làm kịch nói, tôi chỉ đầu tư thêm, chịu lỗ cả tỷ đồng để duy trì hoạt động, chưa kể sân khấu còn nhiều chuyện khó khăn khác như thiếu chuyên viên xử lý kỹ thuật chuyên nghiệp và dụng cụ để tạo hiệu ứng tốt hơn về âm thanh, ánh sáng, việc tìm kiếm điểm diễn cho sân khấu vô cùng vất vả... Mãi đến bây giờ, sân khấu mới tạm ổn định sau 3 lần di dời và giờ đã tạm yên ổn ở rạp Vườn Lài, quận 10. Có lúc tôi nản, cũng muốn bỏ nghề, nhưng lại thương các diễn viên đã cùng cộng lực gồng gánh với mình, thế nên lại bỏ ý định ấy”.

Đạo diễn - diễn viên Khắc Duy và diễn viên Khả Như trong vở nhạc kịch Tình ca phố của sân khấu kịch 5B.

Nguyễn Khắc Duy, đạo diễn trẻ thể loại nhạc kịch, cũng bộc bạch: “Đầu quân về sân khấu kịch 5B, chúng tôi được các cô chú, anh chị nghệ sĩ giúp đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, với trang thiết bị của sân khấu thể nghiệm hoạt động mười mấy năm qua đã lạc hậu, chi phí đầu tư dàn dựng tự túc (mỗi vở đầu tư 60 - 70 triệu đồng), mà vốn thu hồi ngày càng ít thì việc đầu tư và nâng cao chất lượng các vở diễn càng khó khăn hơn. Dù rằng, chúng tôi bán vé không nhắm đến mục đích thu lợi, chỉ là muốn khẳng định chút tên tuổi của nhóm kịch trẻ, năng động, tạo điều kiện cho diễn viên có cơ hội luyện nghề. Trong loạt vở diễn đã ra mắt, chỉ có vở Vũ nữ - tập ròng rã suốt 3 tháng trời, đã lấy lại vốn sau khi diễn suốt mùa mưa vừa qua”.

Dẫu vậy, đạo diễn trẻ thế hệ 9X này vẫn đầy nhiệt huyết. Anh cố gắng kết nối với các doanh nghiệp, trường học để tổ chức nhiều suất diễn, chịu khó đầu tư trang phục để tạo sự hấp dẫn cho vở diễn, trang thiết bị còn nhiều hạn chế thì tự tìm tòi sáng tác và dàn dựng những vở mang tính chất phá cách.

Khát khao vươn xa

Bên cạnh đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, Phạm Vũ Kiên còn có những cái tên dần quen thuộc với giới nghệ sĩ, khán giả yêu thích kịch nói TP như tác giả - đạo diễn Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Ngọc Hùng… Những trái tim tuổi trẻ ấy vẫn đầy nhiệt huyết, năng động, từng bước tiếp nối thế hệ những nghệ sĩ đi trước trong công tác tổ chức, đầu tư sáng tạo, dàn dựng. Bước đầu, có thể xem đây là một đội ngũ kế thừa triển vọng, giúp sân khấu TP thêm khởi sắc.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM, hầu hết các vở kịch hiện nay phần lớn đều đặt nặng tính giải trí, hiếm có những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Nếu kịch không có tính giải trí thì khó bán vé, không thu hút khán giả, khó duy trì hoạt động. Nhưng nếu các sân khấu kịch, những tác giả, đạo diễn trẻ chỉ chăm chăm làm kịch giải trí không thôi cũng chưa đủ. Vẫn cần lắm sự sáng tạo nghệ thuật có sự đầu tư, được định hướng từ nội dung đến nghệ thuật, hình thức thể hiện, có chất lượng. Đó cũng chính là vai trò và trách nhiệm của những người làm nghệ thuật, của giới nghệ sĩ, trong hoạt động nghề nghiệp.

Trong hành trang làm nghề hơn 1 năm qua của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy và nhóm kịch Buffalo, anh đã có trong tay loạt tác phẩm nhạc kịch: Chicago phiên bản Việt, High school musical, Tuyết đỏ, Tình ca phố, Tuyết Sài Gòn… Anh suy tư: “Với 24 tuổi đời, tôi vẫn cảm thấy mình còn chưa “chín” về phong cách sáng tác kịch bản và đầu tư dàn dựng, nhưng được sự khuyến khích từ những người thầy sân khấu như tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Việt Anh, NSƯT Mỹ Uyên, ê kíp nghệ sĩ Buffalo… nên đã nỗ lực duy trì hoạt động tổ chức biểu diễn, làm mới sân khấu nhỏ này bằng những vở nhạc kịch trẻ trung, sống động, phong cách nhạc kịch lành mạnh, vui tươi”.

Lắng nghe và cảm nhận những chia sẻ, tâm tình từ những người trẻ đam mê nghệ thuật sân khấu, mới thấy thế hệ nghệ sĩ trẻ vẫn còn nhiều ấp ủ, dự định, chất chứa bao mong mỏi được các anh chị, cô chú, thế hệ nghệ sĩ đi trước tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý văn hóa của TP.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục