
Nửa năm qua, sân khấu kịch TPHCM hoạt động khá sôi nổi. Hàng loạt vở mới ra đời, kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí của đông đảo khán giả thành phố. Đặc biệt, các sân khấu xã hội hóa mạnh dạn đầu tư dàn dựng các vở kịch có chất lượng về nghệ thuật, nội dung có định hướng, gần gũi với cuộc sống, tâm tư, tình cảm của công chúng, bám sát tình hình thời sự xã hội… đã và đang tạo nên sự mới mẻ, cuốn hút khán giả thành phố.
Nghệ thuật thể hiện tính thời sự
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Hội đồng nghệ thuật thành phố đã phúc khảo hàng chục vở diễn mới. Đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, các vở kịch đã tạo nên những mảng màu sắc tươi mới cho hoạt động sân khấu kịch thành phố. Hơn thế nữa, hầu hết các vở diễn đều được các sân khấu kịch đầu tư dàn dựng công phu, có chất lượng cả về nội dung lẫn nghệ thuật, có định hướng, chuyển tải nhiều thông điệp giá trị về cuộc sống, là những món ăn tinh thần thú vị, hấp dẫn dành cho khán giả.
Về nội dung, nhiều sân khấu rất “mặn” với những đề tài nóng về cuộc sống, xã hội, con người như tình cảm và mối quan tâm của gia đình xã hội hiện đại, tình người, tình nghĩa chòm xóm láng giềng, nạn bạo hành gia đình, việc giáo dục giới tính cho con trẻ, mặt trái của giới showbiz, phê phán tệ nạn mê tín dị đoan, bài bạc, số đề, lên án những người chuyên sống bằng nghề lừa đảo, chuyện trộm chó, những người chuyển giới…
Sân khấu kịch 5B, nhờ sự đầu tư chăm chút về hoạt động tổ chức biểu diễn, nâng cao chất lượng chuyên môn đã góp phần tạo nên sự khởi sắc cho một sân khấu kịch vốn có nhiều khó khăn, trở ngại về cơ sở vật chất này. Các vở diễn Phía sau tội ác, Gương mặt kẻ khác, Ảo và thật, Rạo rực, Vũ nữ… lần lượt ra mắt công chúng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng tạo được dấu ấn với hàng loạt vở diễn mới: Người đàn bà uống rượu, Bất chấp yêu nhau đi, Vũ điệu dưới trăng, Giờ chết… Trong nhiều vở diễn, tuy vẫn giữ phong cách kịch ma - hài, nhưng sân khấu này đang “chuyển động” theo xu hướng “hóa giải kịch ma” với những thông điệp, nội dung mang tính định hướng hơn.
Sân khấu Sao Minh Béo sau khi ra mắt vở bi - hài kịch Xóm lưu manh (tác giả: Hoàng Linh Hương, đạo diễn Minh Béo) - đã nhận được hiệu ứng tốt từ khán giả. Chuyện kịch kể về những người lao động nghèo, ít học, vì kiếm tiền mưu sinh nên đã chấp nhận sống một cuộc đời chuyên lừa đảo, gạt người.
Tuy nhiên, sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người trong từng gia đình ở cái xóm nghèo ấy vẫn tồn tại một bản chất muốn được sống lương thiện, sống có ích cho xã hội… Để tiếp tục phát huy những đề tài gần gũi với đời sống, thời gian tới, nghệ sĩ Minh Béo bắt tay dựng tiếp 2 vở Đàn ông cũng khóc - phê phán tệ nạn số đề, rượu chè, bạo hành gia đình và vở Mùi da người - giáo dục con trẻ vấn đề tình dục tuổi mới lớn.
Bên cạnh đó còn có hàng loạt vở diễn Cõng mẹ đi chơi, Linh vật hoàng triều, Oan tình ai thấu, Chỉ có thể là yêu, Cặp đôi hoàn cảnh… của các sân khấu khác cũng thể hiện được tính định hướng tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, nội dung sâu sắc, có sự lắng đọng, phê phán các tệ nạn xã hội, đồng thời thể hiện chất nhân văn, nhân bản của con người trong cuộc sống hiện đại.

Các diễn viên trẻ của sân khấu kịch Hồng Vân trong vở Người đàn bà uống rượu.
Đầu tư sân khấu kịch
NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho biết: “Sân khấu hoạt động xã hội hóa, đa phần là do các nghệ sĩ đứng ra làm nên anh em nghệ sĩ coi trọng và đầu tư về chất lượng nghệ thuật. Đến nay, có thể khẳng định, sân khấu kịch TPHCM vẫn đang nổi bật so với hoạt động văn hóa nghệ thuật toàn quốc.
Trong bề nổi ấy, các nghệ sĩ đã có khá nhiều tìm tòi, sáng tạo để thực hiện được một số vở tốt, đạt hiệu quả sân khấu, làm tròn chức năng sân khấu phản ánh hiện thực, cũng như thực hiện được nhiệm vụ là làm chức năng giáo dục, định hướng, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng... Cũng có những giai đoạn sân khấu xã hội hóa hoạt động hơi chệch hướng, quá nặng các vở giải trí, vì các sân khấu muốn bảo toàn được vốn kinh doanh. Hiện tượng này tuy có tính chất tiêu cực, nhưng cũng có một phần tích cực ở chỗ tạo được đời sống sân khấu có khán giả, duy trì hoạt động phát triển.
Sau giai đoạn đi chệch hướng thì thời gian gần đây, các sân khấu có sự chọn lọc và đầu tư dàn dựng vở diễn tương đối có chất lượng tốt hơn, thể hiện trách nhiệm của những người làm nghề. Thật ra, chúng ta không nên “độc thoại” theo kiểu: cho cái này không cho cái kia. Trên hết, trong giải trí nên lồng vào đó tính giáo dục, định hướng và người làm giáo dục cũng phải lồng vào đó tính giải trí…”.
Nỗ lực làm nghề, nghệ sĩ các sân khấu kịch xã hội hóa đã, đang và tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm, góp phần tôn vinh các giá trị văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu giải trí văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của công chúng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những người làm nghệ thuật sân khấu xã hội hóa gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong kinh doanh - biểu diễn.
Không ít sân khấu lỗ lã liên miên, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu điều kiện phát huy… Nhưng vì tình yêu nghề nghiệp nên họ vẫn ra sức gồng gánh, duy trì hoạt động một cách tích cực. NSND Hồng Vân tâm tư: “Thật ra, hoạt động của các sân khấu xã hội hóa hiện nay vẫn chưa phải tốt nhất. Đặc biệt, năm nay, các sân khấu kịch chịu ảnh hưởng rất nhiều về tình hình kinh tế - thời sự chính trị của đất nước.
Chính vì thế mà các sân khấu kịch tất bật ra mắt hàng loạt vở diễn với nhiều thể loại thăm dò thị trường và anh em nghệ sĩ đang cố gắng có những thay đổi tươi mới để lôi kéo khán giả. Tại TPHCM, luôn có một lực lượng khán giả ủng hộ rất nồng nhiệt, anh em nghệ sĩ rất yêu nghề, nhiệt huyết, tài năng... để các sân khấu luôn sáng đèn.
Với những lợi thế như vậy, giới nghệ sĩ chúng tôi mong mỏi có sự quan tâm bằng hành động cụ thể hơn của các cơ quan quản lý văn hóa, kịp thời hỗ trợ các sân khấu xã hội hóa trên con đường duy trì hoạt động và phát triển. Thật sự, các nhà đầu tư sân khấu như chúng tôi đang dần kiệt sức vì sự gồng gánh đã rất lâu, đã rất mệt mỏi. Bản thân tôi cũng đã có tuổi, giờ chỉ cố gắng làm được tới đâu biết tới đó thôi!”.
THÚY BÌNH