Nín thở đợi diễn tết
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, hiện nhà hát mới nhận được vài lời mời biểu diễn trong diện hẹp, quy mô nhỏ như chương trình Xuân quê hương, lễ hội Đống Đa… Các nghệ sĩ đang dàn dựng và luyện tập nhưng đến thời điểm đó có được biểu diễn hay không thì chưa chắc chắn. Nhà hát cũng đã chuẩn bị một số chương trình để có thể biểu diễn trong các lễ hội Xuân nhưng với diễn biến của dịch bệnh hiện nay thì tâm lý chung của nghệ sĩ là vừa tập vừa chờ.
Cùng chung tâm trạng thấp thỏm về việc có thể hủy và dừng biểu diễn khi các ca F0 ngoài cộng đồng ở Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm, biểu diễn nghệ thuật là hoạt động có tính tập thể rất cao, ngay trong việc luyện tập, những quy định không tập trung đông người cũng gây khó cho nghệ sĩ. Do vậy, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng cho biết chưa có lịch biểu diễn trong dịp này.
Giấc mơ YouTube
Không thể biểu diễn với khán giả trực tiếp, song giải pháp đưa ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho biểu diễn, kiếm tiền từ Facebook, YouTube… đối với nhiều nhà hát ở thời điểm này dường như vẫn là ước mơ xa vời.
Từ cuối tháng 8-2021, fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, tương tác của khán giả đam mê nghệ thuật chèo truyền thống với chuỗi chương trình Giữ lửa đam mê mỗi tối chủ nhật hàng tuần. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các chương trình biểu diễn của nhà hát không tổ chức được, nghệ sĩ không có cơ hội biểu diễn thì đây là một hoạt động ý nghĩa và đáng khích lệ. Hoạt động vừa giới thiệu được những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng qua vai diễn mẫu trong chèo, vừa giúp khán giả tiếp cận, hiểu hơn về nghệ thuật chèo truyền thống; nhưng để bán vé, thu tiền lại là câu chuyện khác.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, cho biết nhà hát nhận được rất nhiều lời đề nghị phối hợp tổ chức, tham gia các cuộc thi nghệ thuật múa rối quốc tế (trực tuyến và cả trực tiếp), nhưng nhà hát không có phòng thu, không có trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại. Ngay như việc sản xuất các đoạn trích giới thiệu chương trình cũng chưa đạt yêu cầu công nghệ. Các phương tiện, cơ sở vật chất của nhà hát, đặc biệt là sân khấu truyền thống đều cũ kỹ, lạc hậu.
Dẫu vẫn biết 4.0 là yêu cầu thiết yếu để có thể hội nhập, thích ứng với hoàn cảnh mới nhưng việc đầu tư nâng cấp công nghệ với các nhà hát đòi hỏi yếu tố tài chính, nhân lực. Bởi vậy, chờ đợi để sân khấu có thể mở cửa hoạt động trở lại dường như vẫn là giải pháp tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại.
NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, các sản phẩm nghệ thuật trên nền tảng online hiện nay mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền. “Phải có sự đầu tư về công nghệ để ra được sản phẩm thích ứng với thị hiếu. Không thể làm ra những chương trình hấp dẫn có cả triệu lượt xem nếu chỉ quay bằng điện thoại thông minh”, anh nói. |