Thành lập vào năm 2012, Sân khấu kịch Tâm Ngọc ban đầu là sân khấu kịch cà phê tại sân thượng của Maximark Cộng Hòa. Sinh sau đẻ muộn, lại phải đối mặt với khó khăn chung của sân khấu TPHCM, nhưng sân khấu này đang có một bước chuyển mình, đột phá với mô hình sân khấu thông minh.
Xem kịch trước trả tiền sau
Từ sân khấu kịch cà phê chỉ có 80 ghế, sau đó lại luân chuyển sang Nhà Thiếu nhi quận Tân Bình, Sân khấu Sao Minh Béo, đến tháng 6 vừa rồi sân khấu này mới ổn định khi về rạp Vườn Lài (22 Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10). Ổn định ở nhà mới, anh Phạm Vũ Kiên, Giám đốc Sân khấu kịch Tâm Ngọc, đang ấp ủ “trình làng” trong tháng 10-2014.
Với slogan “Xem kịch trước trả tiền sau”, mô hình sân khấu thông minh của Tâm Ngọc nhằm trao quyền đánh giá những tác phẩm của sân khấu cho khán giả, đồng thời đưa kịch nói đến gần hơn với mọi tầng lớp trong xã hội. Chỉ với 10.000 đồng cho mỗi vé (đã bao gồm V.A.T) khán giả có thể thỏa sức lựa chọn bất kỳ vở kịch nào tại Sân khấu kịch Tâm Ngọc… Một thùng tiền sẽ được đặt bên trong rạp để sau mỗi suất diễn khán giả có thể “lì xì” thêm tùy khả năng và mức độ hài lòng của mình về vở kịch. Chính vì thế mà nó được gọi là “Mô hình sân khấu thông minh”.
Một vở diễn tại Sân khấu kịch Tâm Ngọc.
Đây được xem là một kế hoạch đầy sáng tạo nhưng cũng nhiều mạo hiểm. Phạm Vũ Kiên cho biết, anh áp dụng phương thức này từ những câu chuyện sau trận động đất ở Nhật Bản, khi nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm, thay vì tăng giá sản phẩm, một ông chủ doanh nghiệp lại quyết định đại hạ giá để cung ứng rộng rãi các mặt hàng của mình đến với đại đa số người tiêu dùng đang gặp khó khăn. Vì thế mà sản phẩm của ông ta được nhiều người biết đến hơn”.
Từ ý tưởng trên, Phạm Vũ Kiên liên tưởng đến tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, khi mọi người đều thắt chặt chi tiêu cho việc giải trí, mô hình sân khấu thông minh không phải là hạ giá sản phẩm, hạ thấp sự sáng tạo mà là hình thức trao quyền đánh giá một sản phẩm văn hóa cho người tiêu dùng. “Với mức giá 10.000 đồng, chúng tôi hy vọng không chỉ giới trẻ mà là mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể đến với Sân khấu kịch Tâm Ngọc. Sau khi vở kịch kết thúc, số tiền chúng tôi thu được sẽ là minh chứng cho chất lượng của vở diễn ấy...”.
Nâng cao chất lượng nghệ thuật
Bên cạnh việc triển khai mô hình sân khấu thông minh, trong tháng 10, sân khấu Tâm Ngọc sẽ ra mắt vở mới Cõi u mê với sự hợp tác giữa đạo diễn Hoàng Duẩn và êkíp trẻ của sân khấu. Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Tôi thích chất trẻ và sự nhiệt huyết với nghề của các bạn ở đây. Do tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nên khả năng diễn xuất của các bạn còn hạn chế, sự trải nghiệm cũng chưa nhiều để có thể vững vàng với những vai tâm lý phức tạp. Tuy nhiên, các bạn rất chịu khó và đam mê với nghề. Về mô hình sân khấu thông minh tôi cho rằng đây là một bước đi vừa mạo hiểm vừa khá thông minh, chấp nhận một cuộc chơi bằng cách làm mới mình”.
Có thể nói không ở đâu lại có nhiều diễn viên đa năng như ở Sân khấu kịch Tâm Ngọc. Diễn viên kiêm nhiệm vai trò hậu đài, giám đốc thì kiêm luôn phần kỹ thuật, ánh sáng. Hầu hết những vở trước đây như Hồn về từ đáy mộ, Đà Lạt hẹn ước (Ma búp bê), Nghiệp báo, Ngôi nhà toàn đàn ông, Ma động, Tiếng khóc oan, Sông oan hồn, Ba Bảnh Sáu Nổ đại chiến… chủ yếu là do đạo diễn trẻ Tâm Ngọc dàn dựng đồng thời đảm nhiệm luôn phần kịch bản, thiết kế cảnh trí, poster… Ở sân khấu này cũng không có ngôi sao. Mục đích ban đầu khi thành lập sân khấu chính là để các diễn viên trẻ mới ra trường có đất để sống với nghề, phương châm ấy đến nay vẫn được giữ vững.
Một điều bất ngờ nữa là Giám đốc Sân khấu kịch Tâm Ngọc - Phạm Vũ Kiên - vốn tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM. Anh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp và chuẩn bị về làm việc tại công ty gia đình, một người bạn thân mời tôi tham dự buổi thi tốt nghiệp lớp kịch nói. Tôi khá bất ngờ khi đa số các bạn diễn viên trẻ chia sẻ họ có thể phải bỏ nghề sau khi tốt nghiệp vì hiếm có cơ hội làm việc. Điều này đã khiến tôi quyết định từ bỏ công việc của gia đình và chuyển sang kinh doanh sân khấu kịch dù biết mình sẽ gặp không ít khó khăn”. Xem đây như một cái duyên, chính chàng giám đốc trẻ này cũng phải chạy vòng ngoài để cải thiện kinh tế cho sân khấu.
Kiên cho biết thêm: “Mình không có chuyên môn về sân khấu, mà chỉ cảm nhận sự hay, dở, được và chưa được của tác phẩm bằng cảm xúc từ trái tim. Lâu nay, phần diễn xuất đều do đạo diễn trẻ Tâm Ngọc phụ trách, gần đây mình được sự hỗ trợ chuyên môn từ thầy Trần Minh Ngọc và đạo diễn Hoàng Duẩn với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm”.
Nhận xét về Sân khấu kịch Tâm Ngọc, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc đánh giá: “So với mặt bằng chung, sân khấu Tâm Ngọc còn một số hạn chế về diễn xuất. Tuy nhiên, những gì mà các bạn làm được trong thời gian qua đã cho thấy chí hướng tạo một địa điểm diễn cho các bạn diễn viên trẻ đã thành công, còn con đường đến với nghệ thuật chuyên nghiệp của các bạn cần có thời gian trải nghiệm, học hỏi thêm nữa để hoàn thiện mình”.
NGỌC UYỂN