Năm 2010, sân khấu TPHCM tiếp tục có những chuyển biến trong việc đi tìm khán giả. Đặc biệt, có đơn vị đã mạnh dạn đầu tư dàn dựng những vở diễn nghiêm túc và hấp dẫn người xem. Đó là những tín hiệu vui trong năm. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh sân khấu TP, mới chỉ có thể vui với kịch nói nhưng cải lương vẫn buồn.
Tín hiệu vui
Nếu như năm 2009, sân khấu TP đã chứng minh được sự năng động và gặt hái được những thành công vang dội tại Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, đến năm 2010, thành quả ấy đã tạo thành một niềm tin để các nghệ sĩ tiếp tục phát huy sự năng động của mình. Đầu năm 2010, sân khấu TP đã trình làng thêm một đơn vị nghệ thuật mới là Hoàng Thái Thanh do đôi nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như và bạn bè sáng lập. Mặc dù mới thành lập nhưng đơn vị nghệ thuật này đã giới thiệu được những tác phẩm sân khấu tốt nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả.
Và sau một năm hoạt động, giờ đây, sân khấu Hoàng Thái Thanh có thể tự hào về những tác phẩm của mình, như: Mua bảo hiểm tình, Trần gian phải có tình yêu, Mùa đông cuối cùng, Ngôi nhà thiếu đàn bà… và gần đây nhất là vở Nửa đời ngơ ngác với sự trở lại sàn diễn kịch khá ấn tượng của nữ diễn viên Hồng Ánh. Song song đó kịch IDECAF, một thương hiệu mạnh của sân khấu TP cũng đã cho thấy sức mạnh thực sự của mình, khi đầu tư dàn dựng lại tác phẩm vang bóng một thời Một cuộc đời bị đánh cắp. Mặc dù đây là vở diễn cũ dựng lại, nhưng vẫn đủ sức chinh phục khán giả, Với những tín hiệu đáng mừng này, sang năm 2011, nếu biết khai phá những vở diễn chính kịch, cũng như có được sự đầu tư, luyện tập nghiêm túc của nghệ sĩ, chắc chắn các đơn vị nghệ thuật này sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn đẹp với công chúng.
Trong năm 2010, sân khấu của “bầu” Hồng Vân mặc dù không làm mưa làm gió như năm 2009 nhưng các vở diễn của đơn vị vẫn có sức hút nhất định. Chị đã mạnh dạn đặt niềm tin, trao cơ hội cho những diễn viên, đạo diễn trẻ. Như vậy, nay mai sân khấu TP sẽ có thêm một lực lượng nghệ sĩ tâm huyết với nghề, có thể đảm nhận những vai diễn, vở diễn nặng ký. Còn đơn vị nghệ thuật công lập - Nhà hát Kịch TPHCM, tuy lực lượng diễn viên chưa đủ mạnh nhưng với sự công tác của đôi vợ chồng nghệ sĩ Việt kiều Kiều Oanh – Lê Huỳnh qua chương trình Những câu chuyện tình mùa xuân cũng đã khởi sắc.
Cải lương: Không như mong đợi
Sau mùa Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 diễn ra vào cuối năm 2009 tại TPHCM, sân khấu cải lương TP đã trình làng những vở diễn không mấy thành công như mong đợi. Những tưởng sau cú sốc ấy, sân khấu cải lương sẽ có những đổi thay để có được những tác phẩm xứng tầm nhưng trái lại, một số đơn vị từng có mặt trong hội diễn dần dần mất hút, để lại một khoảng trống đáng buồn cho khán giả. Tuy nhóm cải lương xã hội hóa “Thắp sáng niềm tin” đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư dàn dựng lại một số vở diễn nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu. Hoặc như nghệ sĩ Linh Huyền đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để dàn dựng vở Bà chúa thơ Nôm, nhưng vẫn chưa thể tự tin, vì các suất diễn đều bị lỗ vốn do chi phí thuê mướn địa điểm biểu diễn quá cao.
Mặc dù bức tranh toàn cảnh của sân khấu cải lương 2010 có phần ảm đạm, nhưng khán giả cũng may mắn có được chương trình nghệ thuật Gìn vàng giữ ngọc do đạo diễn Vũ Minh làm tổng đạo diễn với hai vở Câu thơ yên ngựa và Điều tam xuân báo phu cừu. Qua chương trình này, khán giả đã được thưởng thức những màn trình diễn đầy ấn tượng của NSND Thanh Tòng, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch, Trường Sơn… Sở dĩ chương trình tạo được ấn tượng đẹp là do các nghệ sĩ tham gia đã tập luyện ròng rã hơn cả tháng. Ai nấy đều thuộc từng lời thoại, câu ca, vũ đạo điêu luyện... Từ thành công này đã cho thấy, nếu các nghệ sĩ cải lương thật sự tâm huyết với nghề, chung sức chung lòng, chịu khó khổ luyện, chắc chắn sẽ có được những tác phẩm hay, hấp dẫn và được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, chỉ tiếc rằng trong năm 2010, những chương trình như vậy hãy còn quá hiếm.
Đỗ Hạnh