Những năm qua, giới sân khấu TPHCM luôn năng động trong việc tìm khán giả. Sự năng động này đã được Đại hội Hội sân khấu TPHCM lần thứ 6, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đánh giá cao…
Điều đáng ghi nhận...
5 năm qua, những người làm sân khấu ở TPHCM vẫn tiếp tục không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa. Đến nay, sân khấu thành phố có rất nhiều điểm diễn để khán giả có thể lựa chọn thưởng thức. Đồng thời, các sân khấu cũng dần tạo dựng cho mình những sắc thái riêng phù hợp với nhiều đối tượng khán giả có “gu” thưởng thức khác nhau.
Nếu như trước đây, nhiều người từng lo lắng chỉ có chất hài, chỉ có tiếng cười mới giữ chân được khán giả, thì nay chính kịch, bi kịch, hài kịch cùng tồn tại trong một vở diễn hoặc độc lập trong từng thể loại, vẫn có thể thu hút người xem. Nhờ vậy mà có những đơn vị nghệ thuật ở TPHCM mạnh dạn chi hàng trăm triệu đồng để dàn dựng một vở lịch sử (thường được xem là khô khan, khó hấp dẫn) để biểu diễn thường xuyên.
Có thể nói, với sự ra đời của nhiều điểm diễn đã góp phần tạo nên một đời sống sân khấu sôi động và tạo thêm động lực để cạnh tranh phát triển sân khấu. Đồng thời, những điểm diễn này đã tạo “đất dụng võ”, là nơi trui rèn tay nghề cho nhiều diễn viên trẻ ngày càng trưởng thành hơn trong từng vai diễn và vở diễn mới.
... và cũng lắm nỗi lo
Đại hội Hội Sân khấu TPHCM lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã thống nhất bầu ra Ban Chấp hành gồm 19 người. Theo đó, tác giả Lê Duy Hạnh tái đắc cử Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. 3 Phó Chủ tịch gồm: NSƯT – đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hồng Vân và đạo diễn Nguyễn Hồng Dung. |
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sân khấu thành phố cũng còn lắm nỗi lo. Thời gian qua, những vở diễn của hầu hết các sân khấu TPHCM sáng đèn thường xuyên đều tập trung vào yếu tố giải trí là chính, trừ những dịp liên hoan, hội diễn một số đơn vị mới chuyên tâm xây dựng vở diễn chú trọng đến chất lượng tư tưởng và nghệ thuật. Trong lĩnh vực sáng tác kịch bản, những người viết trẻ còn bộc lộ sự non yếu về vốn sống, vốn nghề. Con người được xây dựng trong nhiều kịch bản còn gượng gạo, mờ nhạt, thiếu đời sống thực tế…
Với lực lượng diễn viên kịch nói, gần đây bị chi phối nhiều bởi phim truyền hình nên việc đầu tư thời gian, công sức cho vai diễn, vở diễn không nhiều, khiến hiếm có những vai diễn - vở diễn hay. Lực lượng nghệ sĩ trẻ của cải lương hiếm khi có được những vai diễn mới, kịch bản mới và hay để thử sức. Họ chỉ loay hoay với những vai diễn cũ, vở diễn cũ. Chính điều này, về lâu dài, các nghệ sĩ trẻ này dễ rơi vào tình trạng diễn nhân vật mới bằng cách thể hiện cũ, thói quen cũ.
Song song đó, hiện nay, vấn đề cơ sở vật chất cũng là một nỗi lo lớn, đáng được quan tâm. Đến nay, ở TPHCM hoàn toàn chưa có một điểm diễn nào xứng đáng là “thánh đường” của nghệ sĩ sân khấu. Nhiều năm nay, đội ngũ nghệ sĩ phải hoạt động, sáng tạo trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, đối với các đơn vị sân khấu xã hội hóa thì điểm diễn lại càng khó khăn và thiếu tính ổn định vì chủ yếu là thuê mướn. Cho nên, nếu một ngày nào đó, các đơn vị cho thuê lấy lại mặt bằng thì sân khấu xã hội hóa dễ hóa thành “bong bóng bị xì hơi”.
Rõ ràng, với những nỗi lo còn tồn tại đòi hỏi các thành viên trong BCH mới của Hội Sân khấu TPHCM cùng nhìn về một hướng thì mới mong có những xoay chuyển tích cực hơn, khả quan hơn.
Những nỗi niềm |
Đại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM lần này có 9 tham luận của các hội viên gởi đến với nhiều nỗi niềm. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số ý kiến để cùng chia sẻ… - NSƯT THANH HẢI: Rất ít đạo diễn dàn dựng cải lương am hiểu âm nhạc cải lương. Các đạo diễn không am hiểu về âm nhạc cải lương nên khi được mời dàn dựng cải lương, họ xem đây là điều kiện để thỏa thích tung nhiều chiêu, nhiều mảng miếng để thể hiện với đồng nghiệp của mình như báo cáo một chương trình thi tốt nghiệp lấy bằng hơn là đạo diễn một vở cải lương… - Nghệ sĩ KHÁNH HOÀNG: Chúng ta còn quá yếu kém về hệ thống đào tạo, trình độ nghệ sĩ (kịch) còn chưa ổn định, thiếu thốn nhiều mặt. Các điểm kinh doanh nói chung, kể cả đơn vị công lập hay tư nhân, đều tập trung hoạt động sao cho tồn tại, giải đáp bài toán sức nặng về đời sống cho nhân sự cộng tác và trên hết là cái tên thương hiệu, phải sao cho đứng hàng đầu, phải đạt danh xưng là đơn vị tiêu biểu, đơn vị mạnh nhất… Trong cái vòng lẩn quẩn, bươn chải ấy, vô tình đi đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, đôi khi gây khó cho nhau và tạo nên một thực tế ảo về cái gọi là “sao”… - Nghệ sĩ VŨ LUÂN: Hiện nay, kịch bản tuồng cổ - tuồng lịch sử (thế mạnh của nhóm Vũ Luân – PV) không nhiều nên về nguồn kịch bản bế tắc. Muốn đầu tư một vở cải lương lịch sử cho đúng đắn đòi hỏi nhiều công phu và nhất là phải có điều kiện để… tập. Phải có sàn tập, có sân khấu để miệt mài tập luyện mới có thể cho ra mắt được những nhân vật, vở tuồng hay. Trong khi đó, điều kiện ấy hiện vẫn còn là một ẩn số đối với các nhóm cải lương xã hội hóa… - Tác giả VƯƠNG HUYỀN CƠ: Chưa có tác phẩm đỉnh cao lỗi phần lớn do các tác giả chưa vượt qua được chính mình. Họ đã tự kiểm duyệt trước để được an toàn. Tác giả không dám tư duy, không dám bứt phá. Họ chọn một lối đi bằng phẳng, trơn tru hơn là dám lao vào những vấn đề gai góc, để khai phá mở đường… |
ĐỖ HẠNH