Những ngày cuối năm 2011, các sân khấu ở TPHCM đang tất bật chuẩn bị vở diễn mới để kịp ra mắt công chúng trong những ngày đầu năm mới 2012. Trong niềm vui đó, không ít người cảm thấy chạnh lòng cho sân khấu TPHCM năm 2011, bởi ngày càng thưa dần những vở diễn mới.
1. Năm 2011, có thể được xem là một trong những năm ảm đạm nhất của sân khấu cải lương TPHCM. Mặc dù đầu năm, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trình làng vở diễn mới Đả chiến phá sông Ngân, nhưng sau sự khởi đầu ấy, cho đến hết năm, nhà hát không dàn dựng thêm một vở diễn nào khác.
Còn sân khấu cải lương Kim Châu của “bầu” trẻ Linh Huyền, sau một vài vở diễn, cũng phải tạm đóng cửa bởi ngay phía trước rạp hát bị che chắn bởi công trình đào đường, khó thu hút khán giả đến xem. Từ sự thiếu vắng những vở diễn mới, khán giả ghiền cải lương chỉ còn biết trông chờ vào một số show diễn của các nghệ sĩ.
Trong cơn khát vở diễn mới, chương trình mới, khán giả cải lương được “bù đắp” bằng show diễn miễn phí của sân khấu Sen Việt tại rạp hát Nam Quang. Tuy nhiên, chương trình này cũng lâu lâu mới diễn ra một lần chứ không phải tuần nào cũng có. Nếu sang năm mới 2012, một số đơn vị nghệ thuật cải lương không nỗ lực đầu tư vở diễn mới, e rằng, khán giả mộ điệu cải lương còn phải thất vọng!
2. Với sân khấu kịch nói, trong năm qua, không có nhiều vở diễn mới, vở diễn hay tạo nên cơn sốt thật sự với công chúng. Vài ba tháng, sân khấu mới có được một vở diễn mới trình làng. Và một điều đáng lo ngại là kịch chuyển thể và kịch cũ được làm mới cũng ngày một nhiều hơn! Sở dĩ có hiện tượng này là do hiện nay, sân khấu đang thiếu những kịch bản hay nên các đơn vị nghệ thuật đành dựa vào nguồn kịch chuyển thể, kịch cũ. NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng sân khấu cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Vào những dịp lễ, tết, nhà nước có thể chọn lựa đơn vị nghệ thuật để hỗ trợ kinh phí, đặt hàng dàn dựng một, hai vở diễn mang tính đột phá phục vụ công chúng.
Đỗ Hạnh