Trước tình hình hoạt động bấp bênh, đơn độc và nguy cơ thụt lùi của các sân khấu xã hội hóa (XHH) trên địa bàn TPHCM như Báo SGGP phản ánh trên số báo ra ngày 28-8, giới chuyên môn gồm các đạo diễn, nghệ sĩ đã bày tỏ rất nhiều quan điểm, trăn trở, cũng như mong mỏi phải có sự đổi thay gấp rút của mô hình sân khấu XHH hiện nay và có sự đầu tư, chính sách hỗ trợ các sân khấu XHH đang hoạt động hiệu quả.
NSƯT - Đạo diễn Trần Minh Ngọc:
Tạo không gian cho nghệ sĩ
Sân khấu TPHCM như Phú Nhuận, IDECAF… đều có khuynh hướng làm kịch theo thị hiếu khán giả hiện nay, nhất là khán giả trẻ. Điều này đáng băn khoăn, suy nghĩ. Tham gia phúc khảo tôi thấy nhiều vở có nội dung kinh dị, đồng tính… Điều này không xấu, nhưng yếu về nghệ thuật. Nếu chúng ta cứ mãi theo dòng kịch này, rồi cũng sẽ rơi vào khủng hoảng mà hiện sân khấu đang ở giai đoạn tiền khủng hoảng.
Hiện sân khấu XHH xuất hiện cái mới là đưa ca khúc, âm nhạc vào kịch. Điều này cho thấy người làm sân khấu rất năng động, chịu khó tìm kiếm cách làm mới. Có thể thấy, vẫn có một lượng khán giả chịu xem các vở kịch nghiêm túc. Qua đó tôi nghĩ, phải chăng do chúng ta làm chưa hay, chưa tốt, nên chưa thể lôi kéo được khán giả, chứ không phải hoàn toàn vì thị trường hay vì khán giả. Nguyên nhân trước hết là do những người làm sân khấu chưa làm đến nơi đến chốn. Về phía Nhà nước lại không tạo được không gian biểu diễn cho nghệ sĩ.
Nhìn vào thực tiễn, đến nay TP vẫn chưa có một rạp nào tử tế. Bên chiếu bóng, các rạp được đầu tư hoành tráng, không gian sang trọng, có mặt bằng đẹp, thu hút khán giả. Vậy thì tại sao sân khấu lại không làm như thế? Phải có điểm diễn sang trọng để thu hút khán giả. Ở các nước, sân khấu luôn được tổ chức trong một tổ hợp vừa là nơi mua sắm, giải trí, khách sạn… Còn ở mình thì cứ khoán trắng cho các ông bà “bầu”, mà các ông bà “bầu” thì chỉ có thể lo được những việc nhỏ.
Một vấn đề khác quan trọng không kém, đó là một khi có kịch bản hay thì mới có đạo diễn giỏi, diễn vên giỏi. Hiện nay, Hội Sân khấu TPHCM có gần 200 tác giả nhưng rất ít vở được diễn, được dựng.
Một cảnh trong vở Rau răm ở lại của Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn,Sân khấu kịch IDECAF:
Hỗ trợ 100% cho dự án văn hóa hiệu quả
Ở nhiều nước, ngân sách nhà nước tài trợ cho những dự án văn hóa có hiệu quả, những dự án nào tốt cho cộng đồng thì Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ 100% - hỗ trợ về tác phẩm. Ở Nhật, Hồng Công (Trung Quốc)… có rất nhiều trung tâm văn hóa của chính phủ, mỗi trung tâm đều có nhà hát, cho tư nhân thuê làm các hoạt động văn hóa trong thời gian 5 - 10 năm rồi hoán chuyển, cho thuê với giá ưu đãi, giảm thuế, miễn thuế, lấy giá thấp tượng trưng. Chính phủ bỏ tiền làm liên hoan mang tính học thuật, tài trợ 100% cho các đơn vị dựng vở tham gia liên hoan, kích thích sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các đơn vị XHH nghệ thuật.
Tôi nghĩ, Việt Nam có thể làm được những việc này. Cần phải thấy được hiệu quả trước mắt rất lớn đối với cộng đồng cũng như hoạt động phát triển văn hóa nghệ thuật của cách làm trên.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Chánh Trực:
Sân khấu đang lạc hậu
Sân khấu hôm nay không theo kịp thời đại, cả về nội dung lẫn hình thức. Từ đó ta đặt ra vấn đề: tại sao khán giả coi phim, coi truyền hình thực tế, xem các loại hình giải trí khác… Chung quy là do sân khấu không theo kịp tốc độ phát triển của khán giả. Vì thế, cần phải xây dựng đội ngũ sáng tạo, cơ sở vật chất, vì tư nhân làm nghệ thuật chỉ có thể đầu tư ở một mức độ nhất định, họ không đủ lực. Muốn thay đổi sân khấu để kéo khán giả về thì phải thay đổi rất căn cơ, chứ không thể cứ chắp vá như hiện nay.
Trong khi ở các nước luôn có sân khấu dàn dựng những vở nhạc kịch hoành tráng, thu hút được khán giả và khách du lịch đến xem nhiều lần. Còn sân khấu của mình chỉ lớn hơn phòng trà một chút, không thể xử lý thêm những mảng miếng kỹ thuật, cảnh trí…
Tôi rất mong Nhà nước hãy tạo dựng cho chúng tôi những thiết chế văn hóa tốt, cụ thể là có những sân khấu đúng chuẩn cho người làm nghề có được nơi để làm nghệ thuật, sống hết mình với nghệ thuật.
NSƯT Mỹ Uyên:
Hỗ trợ nhiều hơn cho sân khấu xã hội hóa
Với góc độ người làm sân khấu XHH lâu năm, tôi thấy sân khấu 5B thiếu thốn, hạn hẹp đủ thứ. Còn các anh chị em nghệ sĩ thì cứ siêng năng, cần kiệm để được làm công việc đam mê. Thực tế, lĩnh vực phim ảnh đã thâu tóm hơn 50% khán giả của sân khấu kịch nói. Các chương trình truyền hình giải trí miễn phí chiếm lĩnh hầu hết các kênh truyền hình mà nghệ sĩ sân khấu kịch tham gia các show truyền hình hiện rất đông. Vì thế, khán giả đến với sân khấu cứ giảm dần.
Thế nên, sân khấu XHH rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng cách giảm bớt tiền thuê mặt bằng, xem sân khấu nào tốt, có đóng góp nhiều cho hoạt động sân khấu thành phố thì nên ủng hộ kinh phí để họ xây dựng các vở kịch chính trị, chính thống, văn hóa nghệ thuật chất lượng, phục vụ và định hướng tư tưởng, thẩm mỹ khán giả.
THÚY BÌNH
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, cần thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu thủ đô, huy động nguồn lực từ khán giả, nhân dân để đầu tư trở lại cho tác phẩm. Càng nhiều tác phẩm hay thì sẽ thu hút càng nhiều khán giả ủng hộ quỹ, kích thích nghệ sĩ sáng tạo. Đề xuất của NSND Lê Tiến Thọ về một Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu thủ đô là một gợi ý, một cách làm nằm trong lộ trình XHH mà các nhà hát chưa mặn mà với chủ trương này.
THU HÀ