Sân khấu xã hội hóa - Mong manh nền tảng phát triển

“Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” - Câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên xem ra lại vận một cách đầy hình ảnh vào thực trạng các sân khấu xã hội hóa ở TPHCM hiện tại. Sau gần 20 năm chủ trương xã hội hóa ra đời, sân khấu TPHCM vẫn loay hoay với thực trạng cũ. Chuyện “cơm áo gạo tiền” vẫn đè nặng, trì níu những giấc mơ thăng hoa của người nghệ sĩ!
Sân khấu xã hội hóa - Mong manh nền tảng phát triển

“Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” - Câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên xem ra lại vận một cách đầy hình ảnh vào thực trạng các sân khấu xã hội hóa ở TPHCM hiện tại. Sau gần 20 năm chủ trương xã hội hóa ra đời, sân khấu TPHCM vẫn loay hoay với thực trạng cũ. Chuyện “cơm áo gạo tiền” vẫn đè nặng, trì níu những giấc mơ thăng hoa của người nghệ sĩ!

        Những cuộc dấn thân vì đam mê

Có thể nói, cho tới nay hầu như chỉ có những nghệ sĩ mê, tâm huyết với nghề mới nhảy vào đầu tư cho sân khấu chứ gần như chẳng có một nhà đầu tư tư nhân thực sự nào.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Idecaf), nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sân khấu kịch không mấy hấp dẫn về lợi nhuận. “Trong các loại hình vui chơi giải trí, thu hút đông nhất vẫn là các khu vui chơi, công viên chủ đề. Thứ hai là điện ảnh, bởi đây là nghệ thuật phổ cập quần chúng, có thể thu lời, thậm chí lời “khủng”. Ca nhạc cũng thế, lượng khán giả đông chẳng thua gì điện ảnh. Nói chung, công chúng của các loại hình nghệ thuật đó đông và nhà đầu tư có thể làm giàu. Riêng kịch nói vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên khá kén chọn người xem. Thành phố có hơn 10 triệu dân mà mỗi năm hai điểm diễn của sân khấu Idecaf chỉ đón khoảng 100.000 khán giả. Thị trường nhỏ vậy thì chẳng ai dại đầu tư xây rạp”, ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích.

Những cuộc dấn thân vì đam mê của các nghệ sĩ đã tạo ra rất nhiều thành tựu nhưng cũng từ đó nảy sinh không ít bất cập trong một cái nhìn dài hạn cho sự phát triển của sân khấu. Điều dễ nhận thấy nhất là thiếu kỹ năng quản trị cũng như kinh nghiệm điều hành. Nhiều người cho rằng đây cũng chính là một trong những lực cản của sân khấu xã hội hóa bởi chỉ nghiêng về phần nghệ thuật mà thiếu một tầm nhìn chiến lược, căn cơ cho phát triển đường dài. “Thực ra, cả nước hiện nay dường như chẳng có giám đốc nhà hát kịch nào được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh. Hệ quả là không có tiến trình, hoạch định khoa học. Thứ nữa là luật biểu diễn chưa có nên không ai dám đầu tư mạnh vì chưa có hành lang pháp lý đảm bảo. Tuy cơ chế duyệt hiện nay cũng thoáng rồi nhưng nói gì nói vẫn bấp bênh, hên xui lắm”, giám đốc một đơn vị sân khấu tại TPHCM nói.

Một cảnh trong vở kịch của sân khấu Idecaf.

Một cảnh trong vở kịch của sân khấu Idecaf.

Bên cạnh đó, do hầu hết là nghệ sĩ nên vốn đầu tư không nhiều, không thể tự mình xây rạp nên chuyện an cư là điều xa xỉ. Hiện nay, các sân khấu đều phải thuê mướn các trung tâm văn hóa quận, huyện rồi cải tạo lại. Trao đổi về điều này, nghệ sĩ Ái Như thốt lên: “Chúng tôi hiện nay đang rất khó khăn. Bởi hôm nay chúng tôi ở đây nhưng chúng tôi không biết sang năm hay sang năm nữa chúng tôi sẽ ở đâu”. Ở một góc nhìn khác, ông Huỳnh Anh Tuấn bức xúc: “Ở nước ngoài các nhà hát được đầu tư theo những tiêu chuẩn đồng nhất nên đem vở diễn từ chỗ này qua chỗ kia diễn đều được. Còn hiện nay ở sân khấu Bến Thành diễn khác, sân khấu Idecaf diễn khác, sân khấu Trần Cao Vân diễn khác, không theo một tiêu chuẩn nào... Chưa an cư thì không thể lạc nghiệp. Mà không lạc nghiệp lấy gì có tác phẩm hay! Trong tình trạng phấp phỏm thế này đành chỉ diễn theo dạng kiếm cơm ngày nào hay ngày đó mà thôi”.

        Cơm áo không đùa với khách thơ

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết, mỗi ngày thức dậy, anh phải nghĩ đến việc kiếm ít nhất 30 triệu đồng để duy trì hoạt động của công ty chứ chưa nói tích lũy. Nỗi lo cơm áo là gánh nặng cho tất cả các sân khấu chứ không riêng gì Idecaf. Không nói con số cụ thể nhưng nghệ sĩ Ái Như cho biết, hiện lực lượng cơ hữu của sân khấu Hoàng Thái Thanh khoảng 30 người. Nhân viên trực tiếp sản xuất như hậu đài, âm thanh ánh sáng… lương dao động từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng. Tất cả đều chỉ trông chờ vào một nguồn thu duy nhất là bán vé. “Nhiều người phê bình sân khấu hài hóa, sử dụng chiêu trò nhưng nếu không như thế chúng tôi sống bằng gì trong khi chúng tôi phải lo, đâu chỉ có những gì diễn ra trên sân khấu mà còn cuộc sống của bao nhiêu người”, quản lý một sân khấu kịch giấu tên nói.

Từ sự “thất thế” về tài chính, các sân khấu hiện nay đang bị áp lực rất lớn về chảy máu nhân sự khi phim truyền hình, các chương trình giải trí… luôn sẵn sàng rút đi những con người của sân khấu. Thử làm một so sánh: Vai chính cho một tập phim truyền hình hiện khoảng 5 triệu đồng, thường có khi quay hai ngày một tập. Đi một phim khoảng 30 tập trong hai tháng diễn viên thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Trong khi kịch nói đứng liên tục ba tiếng đồng hồ, phải nhớ vai, thuộc vai nhưng cátsê rất thấp vì tối đa chỉ có khoảng 300 khán giả mỗi đêm (như sân khấu Idecaf với giá là 150.000 đồng/vé) hay hơn 400 khán giả (như sân khấu Hoàng Thái Thanh với giá vé 120.000 - 130.000 đồng/vé).

Với kinh phí như hiện tại, các sân khấu cũng gần như không có nguồn kinh phí cho việc PR, quảng bá, hoặc có nhưng rất ít. Những gì thuộc về quảng bá cho các vở diễn hầu hết đều từ khán giả, từ facebook, website và sự hỗ trợ của báo chí. Nói chung, trong bối cảnh sức mạnh truyền thông đang chi phối mạnh mẽ và những loại hình giải trí khác sẵn sàng đầu tư cho những chiến dịch PR bài bản thì xem ra các sân khấu kịch vẫn là “hữu xạ tự nhiên hương”. Bởi thế, tránh sao kịch không ngày càng lép vế!

“Đi xem một số vở kịch hiện nay, đôi khi có cảm giác vở diễn bị “bóp” lại tối đa. Bóp một chút nội dung kịch bản, một chút dàn dựng sân khấu, cảnh trí, đường dây kịch, thậm chí cả số lượng vai diễn nên đôi khi có cảm giác hẫng hẫng, chưa đẩy cảm xúc đến cùng. Nó không hẳn là dở hay phá hỏng hoàn toàn cảm xúc mà chỉ là một chút thiếu thiếu! Sao các sân khấu không nghĩ đến việc tăng thêm giá vé để có một sự đầu tư xứng tầm cho vở diễn, khi ấy tôi nghĩ sẽ tốt hơn. Chuyện bỏ ra vài triệu đồng để đi xem một đêm nhạc giờ không hiếm nữa thì với một vở kịch chất lượng chắc chắn khán giả sẽ ủng hộ thôi”.

QUANG MINH (khán giả, quận 6, TPHCM)

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục