Sản lượng cá tra giảm gần 20%, tôm giảm 5,2% ​

Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý 3 giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%.
Hơn 90% sản lượng cá tra và tôm nước lợ tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hơn 90% sản lượng cá tra và tôm nước lợ tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 12-10, Tổng cục Thống kê công bố những phân tích sâu hơn về tình hình kinh tế vĩ mô quý 3 và 9 tháng. Theo đó, trong mức giảm sâu của GDP quý 3-2021 (giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước), khu vực dịch vụ “chìm” sâu hơn cả, giảm tới 9,28%. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương 1,04%.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP vẫn đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngoài khu vực dịch vụ giảm 0,69% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ vẫn đạt tăng trưởng dương lần lượt là 2,74% và 3,57% nhưng đều thấp hơn so với kỳ vọng.

Vẫn theo cơ quan thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp (+1,04%) trong quý 3 do ảnh hưởng giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long khi đến hơn 90% sản lượng cá tra và tôm nước lợ tập trung tại vùng này. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý 3 giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng suy giảm ở hầu hết các ngành trong quý 3, trong đó giảm mạnh nhất là ngành xây dựng và khai khoáng với mức giảm lần lượt là 11,41% và 8,25%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn luôn giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, có  tăng trưởng quý 3 giảm 3,24%.

Khu vực dịch vụ quý 3 giảm kỷ lục do thời gian giãn xã hội cách kéo dài (giảm 9,28%). Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 54,8% (20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chiếm 63% ngành dịch vụ cả nước); vận tải kho bãi giảm 21,1%; bán buôn, bán lẻ giảm gần 20%.

Tuy nhiên, trong quý 3, một số ngành đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng rất cao 38,7% do dồn sức chống dịch; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,1% do tăng trưởng tín dụng đạt tốt; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 5,3% với sản lượng chủ yếu phục vụ công tác phòng chống dịch và hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, học tập của học sinh, sinh viên.

Theo địa bàn, tại 20 tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội với tổng GRDP chiếm gần 57% GDP cả nước (TPHCM chiếm 17%; Hà Nội chiếm 12,6%; Bình Dương 4,8%; Đồng Nai chiếm 4,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 3,8%). Trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm gần 53% khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước; khu vực dịch vụ chiếm hơn 63%.

Do chiếm tỷ trọng lớn nên mỗi biến động trong tăng trưởng GRDP của các tỉnh, thành phố trọng điểm này đều có ảnh hưởng không nhỏ tới GDP của toàn nền kinh tế. Khi đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không sẽ phải tạm ngừng hoạt động làm ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết trước đó.

Để hoạt động như vậy, các doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn, lực lượng lao động thiếu hụt do nghỉ việc, cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, trì hoãn việc sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn.

Tin cùng chuyên mục