Sân nhà

Một thời gian dài các ngành hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu chủ lực chỉ chuyên tâm vào việc xuất khẩu. Nhưng do chưa có thương hiệu nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng phần lớn đều không biết từ đâu?

Một thời gian dài các ngành hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu chủ lực chỉ chuyên tâm vào việc xuất khẩu. Nhưng do chưa có thương hiệu nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng phần lớn đều không biết từ đâu?

Như cà phê, theo một chuyên gia, cứ 5 ly cà phê người tiêu dùng thế giới uống có 1 ly cà phê xuất xứ từ Việt Nam dưới tên thương hiệu nước ngoài nào đó. Chỉ khi gặp sự cố mới quay nhìn lại “sân nhà” mặt hàng cá tra khi bị Mỹ (thị trường đầu tiên và lớn nhất nhập khẩu cá tra phi lê đông lạnh) áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp (DN) mới tìm về thị trường nội địa. Nhưng thời gian sau, khi mở được nhiều thị trường mới, “sân nhà” lại… xa hơn.

Việc trở về “sân nhà” của ngành gỗ nội thất từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đến nay, với thị trường trong nước hơn 90 triệu người, doanh số vài tỷ USD/năm, nhưng nhiều sản phẩm gỗ nội thất của Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan… đã hiện diện nên việc “trở về” các DN chế biến gỗ không dễ dàng, nhất là khi đã quen với đơn vị container thay vì chỉ vài bộ/đơn hàng trong nước. Việc hình thành hệ thống phân phối cũng có vấn đề bởi khi xuất khẩu DN chỉ sản xuất, đóng gói và giao hàng nên buổi đầu khá trầy trật trong kết nối giữa cung ứng sản phẩm với nhà phân phối. Những khoảng “đứt gãy” còn ở khâu bán hàng với đội ngũ nhân viên không qua đào tạo nên chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng khi cần tư vấn. Cũng như DN xuất khẩu cá tra, không ít DN chế biến gỗ có phần “lơ là” khi cảm thấy thị trường nước ngoài bắt đầu khởi sắc trở lại.

Trong khi đó, việc xúc tiến thương mại ngành hàng cà phê có phần xôm tụ hơn khi định kỳ 2 năm một lần diễn ra lễ hội cà phê tại TP Buôn Ma Thuột. Mới đây, Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) tổ chức sự kiện lễ hội thử uống và quảng bá cà phê Việt tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TPHCM), nhằm tạo ra kênh để các thương hiệu cà phê tiếp cận và giới thiệu với người tiêu dùng. Sản lượng cà phê tiêu thụ nội địa khoảng 10%, còn lại là xuất khẩu. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cần xúc tiến để nâng tỷ lệ này lên 20% trong thời gian tới. Đó mới là cách để ngành hàng cà phê phát triển ổn định, thị trường nội địa tạo thêm nội lực và khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu, không quá lệ thuộc khi giá cả bất ổn như cách mà Brazil, Columbia… đã làm.

Mới nhất là ngành hàng nhân điều. Cũng như những mặt hàng nông sản chủ lực khác, lượng nhân điều tiêu dùng trong nước mới chỉ chiếm 5% - 6%, trên 90% sản lượng chế biến phải xuất khẩu, luôn tiềm ẩn rủi ro khi cung cầu biến động. Bài học của Ấn Độ, đất nước từng là số 1 thế giới về xuất khẩu, nhưng đã “nhường lại” Việt Nam khi họ đã làm tốt việc xúc tiến tiêu thụ nội địa. Nhờ đó, tỷ lệ tiêu thụ nội địa của Ấn Độ tăng lên 50%, con số lý tưởng cho ngành điều phát triển bền vững hơn.

Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam trở về “sân nhà” để tìm sự ổn định trong phát triển là dấu hiệu khả quan. Kinh nghiệm cho thấy, khi thị trường nội địa được khai thác tốt sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh ngành hàng trên thương trường thế giới. Vì vậy, thị trường nội địa “gần” hay “xa” tùy vào cách ứng xử của DN và hiệp hội. Không thể xem thị trường nội địa chỉ là “sân dự bị”.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục