Các doanh nghiệp cần lưu ý việc đăng ký nhãn hiệu trong nước cũng như quốc tế. Trong ảnh: Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được giới thiệu tại TPHCM
Ví dụ như trường hợp của anh Hoàng Đình P. Anh P. thành lập Công ty CP Đình P để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình với các sản phẩm chế biến từ cây cỏ ngọt và chùm ngây dưới tên “the Herb Farm”. Sản phẩm của doanh nghiệp đã được đăng ký và được cấp nhãn hiệu bản quyền tại Việt Nam, tuy nhiên chưa thực hiện đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Anh P. ký hợp đồng ủy thác cho Công ty TNHH Logistics HP xuất khẩu sản phẩm trên tới thị trường Hoa Kỳ. Sản phẩm được nhập khẩu và phân phối tại 27 cửa hàng tiện ích tại tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ.
Sau 5 tháng, một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm làm đẹp từ cỏ ngọt gửi thông báo tới doanh nghiệp của anh P. yêu cầu dừng kinh doanh các sản phẩm nhãn hiệu “the Herb Farm” tại các hệ thống nói trên với lý do nhãn hiệu “the Herb Farm” (cấu phần gồm nội dung chữ và bố cục trong hình vuông 80mm x 80mm) giống đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “the Herb Beauty” mà doanh nghiệp đang sản xuất và đồng thời phân phối tại hệ thống cửa hàng tiện tích nói trên.
Nhãn hiệu “the Herb Beauty” đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Hoa Kỳ tương đương với “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” tại Việt Nam. Thông báo trên đồng thời được gửi tới doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích, phía doanh nghiệp này cũng đã ngừng nhập và kinh doanh mặt hàng này đồng thời trả lại toàn bộ hàng tồn kho và yêu cầu Công ty TNHH Logistics HP (công ty được ủy thác xuất khẩu) hoàn trả tiền hàng và bồi thường thiệt hại.
Hỗ trợ tư vấn pháp lý tình huống trên, cán bộ phụ trách tư vấn pháp lý đã giải thích các quy định pháp luật về vấn đề bảo hộ thương hiệu đối với nhãn hiệu của anh P. Theo đó, điều 93 khoản 1 Luật sở hữu trí tuệ có quy định rõ “Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.
Như vậy, một nhãn hiệu được đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì chỉ được bảo hộ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và không đương nhiên được bảo hộ ở nước ngoài. Để được bảo hộ nhãn hiệu của mình ở nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan sở hữu trí tuệ ở nước đó và được chấp nhận bảo hộ. Chẳng hạn như, nhãn hiệu được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì sẽ được bảo hộ tại Việt Nam chứ không đương nhiên được bảo hộ tại tất cả các nước khác trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ trong tình huống trên.
Trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu vào quốc gia khác, chủ sở hữu sản phẩm khởi nghiệp cần quan tâm đến việc đăng ký để bảo vệ nhãn hiệu của mình. Đã từng có nhiều trường hợp nhãn hiệu ở Việt Nam bị vi phạm khi xuất khẩu ra nước ngoài vì nhãn hiệu đã bị một đơn vị khác đăng ký bảo hộ với tư cách là chủ sở hữu từ trước, điển hình như trường hợp của cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi.
Để nhãn hiệu của mình được bảo hộ tại nước nhập khẩu, chủ sở hữu cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ tại nước đó. Thủ tục tại từng nước sẽ khác nhau tùy theo quy định mỗi nước. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền tại nước này cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.
Ngoài ra, chủ sở hữu có thể tham khảo thủ tục đăng ký quốc tế theo quy định tại Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid mà Việt Nam là thành viên. Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid là điều ước quốc tế quy định về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, khi chủ sở hữu nhãn hiệu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ, họ có thể nộp đơn quốc tế cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong đơn có chỉ định rõ những nước thành viên của hệ thống Madrid, gồm Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và Nghị định thư Madrid, mà chủ sở hữu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ. Khi đó, nhãn hiệu có thể được bảo hộ tại các nước này mà không phải nộp đơn riêng lẻ ở từng quốc gia.
Tóm lại, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là vô cùng quan trọng, chiến lược đăng ký nhãn hiệu phải gắn liền với chiến lược xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, có như vậy các doanh nghiệp mới xác lập được thị trường ở nước ngoài cho mình. Đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp có xu hướng kinh doanh trên thị trường quốc tế thì càng phải cẩn trọng đối với sản phẩm của mình.
Một vài lưu ý khi khởi nghiệp
Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, cũng nhờ đó câu chuyện khởi nghiệp nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng và Chính phủ. Có thể nói chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này, nói cách khác chưa bao giờ khởi nghiệp có được những điều kiện thuận lợi đến thế.
Khởi nghiệp đúng là phải xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo, đột phá nhưng để hiện thực hóa thì cần phải hội tụ thêm nhiều yếu tố. Trong quá trình khởi nghiệp, giai đoạn quan trọng nhất nằm ở bước hình thành doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia ví von giai đoạn này tựa như “thung lũng tử thần” đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, thường xảy ra trong khoảng 1 - 3 năm đầu tiên với những biểu hiện không ổn định, từ nguồn vốn đến sự thay đổi nhân sự, thiếu thống nhất trong đội ngũ sáng lập… Thế nhưng, nếu có sự hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp khởi nghiệp bước qua giai đoạn này thì dự án khởi nghiệp sẽ có nhiều khả năng thành công.
Dưới góc độ pháp lý, theo các luật sư để bắt đầu các nhà khởi nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, trong đó lưu ý lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có ưu và nhược điểm riêng, vì vậy, các nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để phù hợp định hướng phát triển. Song song đó cần lưu ý hiện thực hóa ý tưởng, chứng minh khả năng gia tăng lợi nhuận của sản phẩm để thu hút nguồn vốn từ các quỹ đầu tư hoặc thuyết phục chính mình mạo hiểm với nguồn tài chính tự có cũng như nguồn vốn từ gia đình, bạn bè…
Ngoài ra, do tài sản trí tuệ của hoạt động khởi nghiệp đề cao tính sáng tạo, ý tưởng đột phá nên các nhà khởi nghiệp cần nghiên cứu, sàng lọc xem sản phẩm, dịch vụ dự kiến cung cấp có bị cấm hay hạn chế kinh doanh không. Bên cạnh đó, nói đến khởi nghiệp phải nói đến ứng dụng khoa học công nghệ. Công nghệ được đánh giá là đặc tính tiêu biểu cần có của một sản phẩm khởi nghiệp. Bởi lẽ, ngay cả khi sản phẩm đó không dựa nhiều vào công nghệ thì các nhà khởi nghiệp vẫn cần áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu kinh doanh cũng như tham vọng tăng trưởng. Do vậy, kiến thức, sự tìm hiểu về công nghệ cũng là một yếu tố cần có ở các nhà khởi nghiệp.