Sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Nâng chất để… xuất ngoại

Thời gian qua, nhiều sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Không chỉ phát huy hương vị đặc trưng của mỗi vùng, miền mà nhiều sản phẩm OCOP còn được nghiên cứu nâng chất thành những sản phẩm đủ sức vươn ra nước ngoài, góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm Việt.
Sản phẩm Dương Trà pha bằng nước lạnh của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái giới thiệu tại hội chợ thương mại
Sản phẩm Dương Trà pha bằng nước lạnh của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái giới thiệu tại hội chợ thương mại

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Một gian hàng tại Phiên chợ xanh tử tế được tổ chức ở quận 3 (TPHCM) hồi đầu tháng 5 thu hút rất nhiều khách đến mua sắm, tìm hiểu. Sản phẩm của gian hàng là những vật dụng làm từ xơ mướp thuộc chương trình OCOP của tỉnh Đồng Tháp.

Tận dụng xơ mướp, anh Đỗ Đăng Khoa đã làm ra các sản phẩm như miếng lót giày, đồ rửa chén, miếng chà lưng…, vừa tận dụng phế phẩm nông nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp giảm bớt sử dụng đồ nhựa cùng loại. Hiện, sản phẩm của anh Khoa không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật…

Cũng tại Phiên chợ xanh tử tế này, một số gian hàng còn bán các sản phẩm OCOP đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác như trà thảo dược đạt OCOP của TP Cần Thơ (hiện đã xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc); húng chanh trần bì và tía tô, hà thủ ô chế biến đạt OCOP của Hà Nội…

Mới đây, trong buổi lễ ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP247 tại TPHCM, bà Dương Thị Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái, đã lặn lội từ tỉnh Thái Nguyên vào TPHCM để giới thiệu sản phẩm dương trà đạt OCOP của tỉnh. Trái ngược hẳn với các loại trà bình thường pha bằng nước sôi, loại trà này sau khi được pha bằng nước lạnh khoảng 15-20 phút cho ra nước màu xanh óng ánh, với hương vị thanh, ngọt, thơm.

Bà Dương Thị Thơm chia sẻ, sau những lần di chuyển trên xe, thấy nhiều người có thói quen uống trà nhưng lại không có nước sôi để pha nên đã tìm hiểu, học hỏi cách pha trà bằng nước lạnh của Nhật Bản, áp dụng cho trà Việt Nam. Qua nhiều lần “thí nghiệm”, sản phẩm dương trà của Việt Nam đã ra đời.

Hơn 20 năm trong nghề chăn nuôi gà đẻ trứng, Công ty TNHH Chăn nuôi TAFA Việt có trang trại 1 triệu con tại huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) cũng đã có sản phẩm OCOP là trứng gà nướng theo công nghệ Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Nguyên Khôi, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chăn nuôi TAFA Việt, trong một chuyến xúc tiến thương mại, công ty nhận thấy Hàn Quốc sử dụng nhiều trứng gà nướng trong các món ăn, nên năm 2019, công ty đã nhập máy móc để sản xuất trứng gà nướng. Trải qua nhiều lần thất bại, đến năm 2021, công ty đã cung cấp ra thị trường hơn 20.000 quả trứng/tháng. Trứng gà nướng trong 72 giờ liên tục mới thành phẩm, lưu trữ được trong môi trường có nhiệt độ bình thường 30 ngày, để trong tủ lạnh có thể đạt được 60 ngày.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP cũng được bày bán phong phú tại nhiều siêu thị trên cả nước. Đặc biệt, nhiều siêu thị chuyên bán đồ nhập khẩu cũng có nhiều sản phẩm OCOP. Đơn cử, siêu thị Giga Market tại Trung tâm thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TPHCM) bày bán nhiều sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao như: bánh hỏi, bánh phồng, bánh tráng, trà tim sen, trà chùm ngây… Hệ thống siêu thị MM Mega Market đang bày bán khoảng 160 mặt hàng OCOP, trong đó nhóm thực phẩm ngọt, đồ uống hòa tan như trà, cà phê, ca cao, mật ong… chiếm khoảng 45%; nhóm sản phẩm OCOP tươi sống chiếm khoảng 35%.

OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”. Thủ tướng Chính phủ ban hành OCOP như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khuyến khích thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện.

Vững thị trường trong nước

Ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư TM-DV Gigamall Việt Nam, cho biết, từ tháng 10-2022, siêu thị đã liên tục kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có các sản phẩm OCOP để hỗ trợ bán hàng, giúp đưa sản phẩm vào siêu thị. Hiện siêu thị đã và đang làm việc với gần 50 doanh nghiệp có các sản phẩm đặc sản địa phương, truyền thống vùng miền, sản phẩm OCOP…

Tương tự, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết, sản phẩm OCOP rất có tiềm năng phát triển nên đã tiến hành phân phối trong hệ thống bán lẻ và bán sỉ, đã xây dựng gian hàng đặc sản vùng miền OCOP tại 21 siêu thị của hệ thống trên toàn quốc.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm OCOP tại siêu thị Gigamall (TP Thủ Đức, TPHCM)

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm OCOP tại siêu thị Gigamall (TP Thủ Đức, TPHCM)

Theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ NN-PTNT), từ năm 2018-2020, các sản phẩm OCOP mới trong giai đoạn thí điểm chủ yếu là sản phẩm tươi, sống chưa nâng được giá trị. Nhưng thời gian gần đây, nhiều sản phẩm OCOP đã có chất lượng hơn hẳn. Những sản phẩm này vẫn giữ được nét truyền thống nhưng đã sáng tạo thêm, được đánh giá đạt chuẩn 4-5 sao, thay vì chủ yếu 3 sao như trước kia. Sự đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng, tiêu chuẩn đã giúp nhiều sản phẩm vào được hệ thống siêu thị và xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm OCOP không nên chạy theo số lượng mà cần đầu tư thêm cho chất lượng, tham khảo thêm sản phẩm của nước ngoài nhưng cần lưu giữ những nét đặc trưng của quê hương, vì đây là sản phẩm mang giá trị văn hóa, nhân văn của vùng sản xuất.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP theo hướng kết hợp du lịch để du khách trải nghiệm từng công đoạn sản xuất nhằm kích thích mua hàng, nâng cao giá trị sản phẩm hơn cho nông dân. Đặc biệt, để thương hiệu OCOP được nhiều người dân, du khách biết đến, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường hợp tác các cơ quan truyền thông để quảng bá, tăng xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 9.167 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 65% là 3 sao, 33% là sản phẩm 4 sao, còn lại là 5 sao. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Hiện có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Riêng ĐBSCL hiện có khoảng 1.300 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 17,1% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Trong đó, 66,8% sản phẩm đạt 3 sao; 30,6% sản phẩm đạt 4 sao; 2,4% sản phẩm tiềm năng 5 sao; và 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Có 643 chủ thể OCOP với 32,8% là doanh nghiệp, 17,2% là hợp tác xã và 48,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: Xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP ra nước ngoài

Bộ NN-PTNT sẽ thường xuyên tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ. Trong năm 2024, bộ dự kiến tổ chức một hội chợ quốc tế trong phạm vi khối các nước ASEAN để quảng bá sản phẩm OCOP. Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng kế hoạch ký kết thỏa thuận hợp tác, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài và bền vững cho các sản phẩm OCOP và các doanh nghiệp ở nước ngoài. Bên cạnh đó, bộ sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Chị Dương Thị Thủy, quận 3, TPHCM: Cần được “phủ sóng” ở nhiều phân khúc bán hàng

Nhiều sản phẩm OCOP như miến dong Bắc Kạn, gạo nếp Tân Trào, bánh gai Ninh Giang, gạo Ngọc Mầm, bánh phồng tôm Năm Căn… thi thoảng xuất hiện tại một số phiên chợ. Nếu muốn mua thêm, khách gọi điện thoại đặt hàng doanh nghiệp sản xuất thì thường phải mua số lượng lớn họ mới giao. Do đó, sản phẩm OCOP cần được “phủ sóng” ở nhiều phân khúc bán hàng, nếu có thể phát triển thêm trên nhiều trang thương mại điện tử, đặc biệt các trang thương mại của ngành chức năng.

Tin cùng chuyên mục