Sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TPHCM

Nhằm ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 có thể kéo dài, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực thực phẩm đã “bắt tay” cùng hệ thống phân phối hàng hóa sẵn sàng phương án cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh thành trên cả nước. DN quyết tâm không để người dân, nhất là người dân khu vực cách ly bị “đứt gãy” nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu. 
Hàng hóa dồi dào, phong phú tại siêu thị Lotte Mart, quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hàng hóa dồi dào, phong phú tại siêu thị Lotte Mart, quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tăng công suất 30-50%

Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, nhiều DN của hội đã lên phương án tăng công suất sản xuất, đảo bảo cung ứng hàng đầy đủ và cam kết không tăng giá bán dù chi phí sản xuất đang tăng mạnh. 

Theo đó, đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định, năng lực sản xuất của công ty có thể tăng 30-50% so với bình thường. Hiện công ty đang sản xuất khoảng 3 tỷ gói mì, đủ cung ứng cho thị trường đến cuối năm và dự phòng sẽ tăng lên 4,5 tỷ gói, nếu nhu cầu sử dụng trong thời gian tới tăng cao. Dù không phải là DN tham gia chương trình bình ổn giá nhưng DN cam kết không tăng giá dù chi phí đầu vào tăng, nhằm chia sẽ khó khăn với người tiêu dùng.

Ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, các DN thành viên cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục ổn định. Đại diện Công ty CP Ba Huân cho biết, hiện công ty đã mở rộng mạng lưới tiêu thụ và giữ giá bán bình ổn. Riêng mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm sẽ đảm bảo đủ cung ứng và giữ giá bình ổn trong 3 tháng tới. Tương tự, Công ty San Hà cho hay, nguồn cung dồi dào, không thiếu và giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định… Riêng với mặt hàng gạo, hiện tại dù giá lúa đang cao nhưng sản lượng gạo dự trữ bảo đảm đủ cung ứng đến cuối năm và giữ giá bán hiện tại.  

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, hiện các DN thực phẩm đang phải chịu áp lực giá nguyên liệu tăng từ 30%-300% (tùy loại nguyên liệu) nhưng với mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là người dân đang phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 nên phần lớn các DN sản xuất lương thực thực phẩm đã quyết định không tăng giá bán. 

Cần Nhà nước “tiếp sức” 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc kìm giá hàng hóa bán ra trong khi chi phí sản xuất tăng mạnh đã khiến nhiều DN gặp khó. Hiện lợi nhuận của nhiều DN sụt giảm nghiêm trọng, chưa kể còn phải chi phí cho công tác đảm bảo an toàn phòng dịch. Đáng lo ngại nhất là nhóm DN có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính yếu khó trụ tiếp trong thời gian tới. Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, một số DN phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận, chưa kể DN bắt buộc phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ với giá cao. Tình hình này sẽ không thể kéo dài, DN khó trụ vững nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh, cho biết, nhiều đợt dịch đã bùng lên từ đầu năm 2020 đến nay nhưng hầu hết DN trong ngành vẫn chưa được thụ hưởng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay. Do vậy, đây là lúc DN thực sự cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng, ưu tiên vay vốn ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất vay. Đây là vấn đề cấp thiết để DN có thể triển khai mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng... nhằm khai thác tốt hơn nữa thị trường trong nước và tăng cơ hội xuất khẩu. 

Bà Lý Kim Chi cho biết thêm, hiện hội đang thống kê danh sách các DN đăng ký bổ sung nguồn vốn hỗ trợ theo chỉ đạo của Sở Công thương TPHCM. Tuy nhiên, các DN chỉ mới nhận được biểu mẫu đăng ký, chưa có thông tin cụ thể về gói tín dụng như mức lãi suất, điều kiện được hỗ trợ… Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã đề nghị TPHCM đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM bổ sung các DN của hội vào đối tượng hỗ trợ, chính sách miễn giảm lãi suất vay, đẩy nhanh giải ngân các khoản vay... từ Nhà nước, để DN bổ sung nguồn vốn, dự trữ nguyên phụ liệu. Đồng thời, nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% lên 85% để bổ sung vốn lưu động cho DN. 

Mặt khác, việc TPHCM áp dụng giãn cách xã hội đã khiến cho nhiều tỉnh thành thắt chặt hoạt động kiểm soát người, phương tiện đến/đi từ TP. Điều này làm phát sinh tình trạng ngăn sông cấm chợ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Do đó, TP cần thành lập “tổ phản ứng nhanh” để chủ động hỗ trợ DN xử lý các trường hợp tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, giúp DN yên tâm sản xuất.

Tin cùng chuyên mục