Săn tìm sự sống ngoài trái đất

Bài 1: Những định hướng tìm kiếm mới
Săn tìm sự sống ngoài trái đất

Bài 1: Những định hướng tìm kiếm mới

Những truyền thuyết hay những câu chuyện khoa học giả tưởng về sự sống ngoài trái đất, hay thậm chí các nền văn minh ngoài trái đất, luôn hấp dẫn chúng ta. Ai cũng phấn khích với ý tưởng rằng các nhà khoa học sẽ phát hiện các hành tinh có sự sống tương tự trái đất để một ngày nào đó con người có thể chinh phục làm nơi cư trú mới.

Tìm những “anh em” của trái đất

Tuy đến nay chưa tìm thấy bằng chứng cụ thể về những hành tinh có sự sống nhưng phần lớn các nhà khoa học đồng ý rằng, sự sống ngoài trái đất thực sự tồn tại, với sự tiến hóa độc lập vào những thời kỳ khác nhau và ở những nơi khác nhau trong khắp vũ trụ. Cũng có các giả thuyết cho rằng, tất cả sự sống trong vũ trụ đã phát triển từ một nguồn gốc rồi “lây lan” từ hành tinh này sang hành tinh khác...

Tại Hội nghị Hiệp hội Khoa học tiên tiến Mỹ (AAAS) 2008, các nhà sinh vật học vũ trụ đã công bố nhiều thông tin đáng chú ý. Theo họ, các hành tinh cấu tạo chủ yếu là đá, với các điều kiện thích hợp cho sự sống, có thể phổ biến trong dải ngân hà nhiều hơn so với những gì con người đã biết.

Có các bằng chứng cho thấy, hơn 1/2 số ngôi sao tương tự mặt trời trong dải ngân hà có thể gồm các hệ hành tinh tương tự hệ mặt trời chúng ta. Các nhà thiên văn tin rằng, có hàng trăm thế giới chưa được phát hiện ở các vòng ngoài của hệ mặt trời. Các nghiên cứu sắp tới về những thế giới này sẽ tạo sự thay đổi lớn về cách chúng ta hiểu biết về sự hình thành các hành tinh.

Nhà thiên văn học Michael Meyer, Đại học Arizona, nói ông tin rằng các hành tinh kiểu trái đất có thể rất phổ biến quanh các ngôi sao tương tự mặt trời: “Các quan sát của chúng tôi cho thấy một điều thú vị, ở 20% - 60% số ngôi sao tương tự mặt trời có bằng chứng đã hình thành những hành tinh đá, kiểu như quá trình hình thành trái đất”. Các nhà khoa học nhóm Meyer đã sử dụng kính viễn vọng không gian Spitzer của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để khảo sát một nhóm sao có khối lượng tương đương mặt trời.

Họ đã phát hiện các “đĩa” bụi vũ trụ bao quanh các ngôi sao trong các nhóm sao trẻ nhất được khảo sát. Bụi này được cho là một sản phẩm phụ của các mảnh vỡ đá khi chúng va chạm và hợp nhất thành các hành tinh. Sứ mệnh của kính viễn vọng không gian Kepler của NASA sắp được phóng lên trong năm 2009 này cũng nhằm tìm kiếm các hành tinh có kích cỡ tương đương trái đất hay nhỏ hơn, với hy vọng hé lộ nhiều mấu chốt về những thế giới ở xa trong vũ trụ vốn chưa được phát hiện.

Tìm ngay trong hệ mặt trời

Săn tìm sự sống ngoài trái đất ảnh 1
Trong dải ngân hà có thể có nhiều “anh em” của trái đất

Một số nhà thiên văn tin rằng, có hàng trăm hành tinh đá cỡ nhỏ ở vành đai ngoài của hệ mặt trời chúng ta và có thể có các hành tinh kích cỡ trái đất bị đóng băng. Nhà khoa học Alan Stern của NASA nói, ông nghĩ các hành tinh trong hệ mặt trời đã được phát hiên chỉ là phần nổi của tảng băng. Hơn một trăm ngàn vật thể đã được phát hiện chỉ ở vành đai Kuiper, trong đó nhiều hành tinh có kích thước tương tự sao Diêm Vương.

Theo Stern, quan niệm rằng hệ mặt trời có 9 hành tinh nên thay đổi, bởi phải có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hành tinh. Nhiều hành tinh trong số này bị đóng băng, một số là hành tinh đá và có thể có những hành tinh có khối lượng tương tự trái đất. Stern cho rằng, có thể có những vật thể tương tự trái đất ở đám mây bụi Oort – dải mảnh vỡ bao quanh hệ mặt trời – nhưng chúng bị đóng băng vì ở khoảng cách xa.

Theo Debra Fischer thuộc Đại học San Francisco ở California, nên tập trung tìm kiếm ở những vùng “Goldilock” – không gian nơi một hành tinh có “khoảng cách đúng” với ngôi sao mẹ nên bề mặt của nó không bị quá nóng cũng không quá lạnh, do đó có thể tồn tại nước ở dạng lỏng. Theo bà Fischer, 2 vấn đề quan trọng là tìm kiếm các hành tinh có khối lượng đúng và ở khoảng cách đúng với ngôi sao mẹ, là những nơi có khả năng tồn tại sự sống cao hơn.

“Đếm” số hành tinh có sự sống

Các nền văn minh ngoài trái đất có thể đến hàng ngàn, theo một tính toán của các nhà khoa học ở Đại học Edinburgh (Anh). Việc phát hiện hơn 330 hành tinh ngoài hệ mặt trời trong những năm vừa qua đã giúp xác định số lượng hình thức sự sống có thể tồn tại. Công trình nghiên cứu mới của Đại học Edinburgh, vừa công bố trên tạp chí International Journal of Astrobiology tháng 2-2009, ước tính có ít nhất 361 nền văn minh trong dải ngân hà và tối đa có thể lên đến...

38.000. Tuy nhiên, cả ở mức cao của các ước tính đó, hầu như cũng không thể tiếp xúc với các thế giới ngoài trái đất. Khác với việc tìm cách tiếp xúc trực tiếp với sự sống trong vũ trụ, các nhà nghiên cứu của Đại học Edinburgh đã lập công thức phỏng đoán số nền văn minh ngoài trái đất. Theo nhà nghiên cứu Duncan Forgan thuộc đại học trên, cách tiếp cận mới này đã mô phỏng một thiên hà như của chúng ta, nơi cho phép các hệ mặt trời phát triển, làm cơ sở cho sự tồn tại của các hành tinh tương tự trái đất.

Mô hình của Đại học Edinburgh đã mô phỏng các thế giới ngoài trái đất theo các “kịch bản” khác nhau. Kịch bản đầu tiên cho rằng, sự sống khó hình thành nhưng dễ dàng tiến hóa, với 361 nền văn minh trong dải ngân hà. Theo kịch bản thứ nhì, sự sống dễ dàng hình thành nhưng khó phát triển đến mức thông minh, với 31.513 nền văn minh. Cuối cùng là khả năng sự sống lan từ hành tinh này sang hành tinh khác do các vụ va chạm thiên thạch – lý thuyết phổ biến về việc hình thành sự sống trên trái đất – cho kết quả có 37.964 nền văn minh.

THIỆN NGUYỄN

---------
Bài 2: Sự sống có thể tồn tại ở đâu?

Tin cùng chuyên mục