
Theo các số liệu điều tra gần đây của báo chí, diện tích gieo trồng cây thuốc phiện và việc sản xuất ma túy tại Afghanistan đã tăng lên từ 1,5 đến 2 lần kể từ khi quốc gia này nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội NATO. Đó mới là tỉ lệ so sánh với thời Taliban, còn nếu so với thời chính phủ cách mạng trước đây thì việc sản xuất ma túy đã tăng lên gấp 20 chục lần. Afghanistan trở thành nơi sản xuất và cung cấp ma túy hàng đầu trên thế giới…
Bội thu ma túy
Tháng 12 năm ngoái, cơ quan chuyên trách của LHQ về ma túy và tội phạm đã công bố một bản báo cáo về kết quả giám sát tình hình ma túy tại Afghanistan. Báo cáo chính thức này cho biết, chỉ riêng trong năm 2004, diện tích các đồn điền trồng ma túy ở Afghanistan đã tăng từ 80 ngàn ha lên tới 131 ngàn ha. Đây cũng là mức độ bùng phát nạn sản xuất ma túy cao chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.

Trồng thuốc phiện đã trở thành nguồn sinh sống chính của nông dân Afghanistan và các chỉ huy quân sự địa phương.
Theo tính toán của các chuyên gia LHQ, người dân Afghanistan trong năm ngoái đã thu hoạch không dưới 4.200 tấn thuốc phiện nguyên liệu, từ đó có thể điều chế ra ít nhất 420 tấn heroin – gần bằng 87% sản lượng của loại ma túy này trên toàn thế giới.
Qua các số liệu của LHQ, khoảng 43% sản lượng ma túy của Afghanistan có nguồn gốc từ 2 tỉnh (trong tổng số 33 tỉnh của Afghanistan) là Nangarhar và Hilmend, cũng chính là nơi bố trí những đơn vị lớn nhất của quân Anh và Mỹ. Rõ ràng là sự xuất hiện của đội quân NATO hùng hậu trong khu vực đã khiến cho giới tội phạm ma túy của Afghanistan cảm thấy “thoải mái” làm ăn hơn.
Thu nhập của những tên trùm chuyên xuất khẩu ma túy tại địa phương riêng trong năm 2004 đã lên tới 2,8 tỉ USD, tức là tương đương với 61% GDP của Afghanistan. Ngành kinh doanh ma túy hiện nay đã trở thành một lĩnh vực phát triển nhất của nền kinh tế Afghanistan.
Những tên trùm địa phương thậm chí còn xây dựng cả một hệ thống cung cấp tiền vay cho người nông dân để đầu tư trồng thuốc phiện, trong đó có cả việc phân phối hạt giống. Việc những ông chủ này đặt mua thuốc phiện nguyên liệu ngay khi người dân vừa gieo hạt giống đã trở thành chuyện quá bình thường.
Lãnh thổ Afghanistan hiện đang là nơi hoạt động của gần 50 phòng thí nghiệm chuyên sản xuất heroin với công suất gần 30 kg mỗi ngày. Từ Afghanistan, ma túy được xuất khẩu theo ba đường chính – qua Trung Á và Nga (theo đánh giá của LHQ là gần 24%), qua ngả khu vực Balkan (cụ thể là qua Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Balkan với tỉ lệ 40%) và qua Pakistan (36%).
Tỉ lệ tăng trưởng chưa từng có của ma túy tại Afghanistan trong vòng 3 năm gần đây bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính – đó là năng suất thu hoạch cao và thiếu những biện pháp hiệu quả chống lại giới mafia sản xuất và kinh doanh ma túy từ phía các lực lượng quốc tế đang nắm quyền kiểm soát đất nước này.
Trong hai năm liền (2002 và 2003), người ta ghi nhận cây thuốc phiện đã có những vụ mùa bội thu đặc biệt. Nếu như thông thường, người Afghanistan chỉ thu được gần 30kg thuốc phiện nguyên liệu từ 1ha trồng cây anh túc, thì trong 2 năm trên họ có thể thu được tới 45kg.
Và cho dù trong năm 2004, năng suất đã giảm xuống, nhưng quy mô sản xuất ma túy lại tăng lên 17% so với năm 2003 do diện tích gieo trồng tăng tới… 64%.
NATO làm lơ?

Chế biến thuốc phiện tại Afghanistan.
Theo các chuyên gia, có thể dễ dàng thay đổi về căn bản tình hình nếu thiết lập một chính sách kiểm soát chặt chẽ tại tất cả các hành lang vận chuyển trong nội bộ Afghanistan. Các biện pháp cụ thể được nêu ra là: thiết lập các điểm kiểm soát phương tiện giao thông ở mọi ngả đường, thường xuyên tiến hành những chiến dịch truy quét nhằm tiêu diệt các phòng thí nghiệm điều chế ma túy và các cánh đồng trồng anh túc.
Vấn đề chính là những biện pháp trên dù rất hiệu quả và rõ ràng nhưng lại không thực tế. Lý do: Việc sản xuất và buôn bán ma túy gần như là nguồn thu nhập chính của không chỉ đa số nông dân Afghanistan mà còn của các chỉ huy quân sự địa phương. Chính nhờ vào ma túy mà họ mới có tiền để nuôi các nhóm lính vũ trang của mình.
Do vậy mà bất cứ một nỗ lực nào của NATO nhằm can thiệp vào lĩnh vực này rất có thể lại là nguyên nhân khiến họ phải hứng chịu một cuộc “thánh chiến” thực sự của người dân tại đây. Đã xảy ra trường hợp quân Đức kiên quyết khước từ khi người Anh đề nghị cho bố trí trong khu vực đóng quân của họ một địa điểm đào tạo cảnh sát chống ma túy Afghanistan.
Nguyên nhân đơn giản là quân Đức vẫn lo ngại sẽ làm xấu đi mối quan hệ với cư dân địa phương. Dù không đến nỗi căng thẳng như tại Iraq, nhưng quân NATO vẫn thường xuyên phải đương đầu với không ít những nguy hiểm trên đất Afghanistan – chỉ tính riêng trong tháng 12 năm ngoái đã có hơn 200 vụ chạm súng.
Thật ra, khi mới giành quyền kiểm soát Afghanistan, quân NATO cũng triển khai một số biện pháp nhằm chống lại nạn ma túy tại đây. Cụ thể là người Anh đã triển khai công việc theo hai hướng chính – huấn luyện cho các quan chức hành pháp địa phương về các phương pháp đấu tranh chống nạn buôn bán ma túy và nghiên cứu phát triển một số giống cây trồng thay thế cho thuốc phiện. Cả hai kế hoạch trên đều nhanh chóng phá sản.
Không chỉ người Anh, mà các đơn vị cảnh sát chống ma túy cũng trở nên bất lực. Hồi tháng 7 năm ngoái, các nhân viên Cục Chống buôn bán ma túy của Bộ Nội vụ Afghanistan đã tịch thu được một chuyến hàng lớn tới vài trăm kilogram heroin.
Nhưng ngay lập tức, chỉ huy một sư đoàn quân đội đã cùng 30 binh lính trang bị đầy đủ vũ khí tới đập phá hết cơ sở của Cục Chống buôn bán ma túy, đánh đập các nhân viên và lấy đi tất cả số heroin tại đây.
Liên quan đến phương pháp thay đổi cây trồng, NATO đã thông qua các chương trình khuyến khích trồng lúa mì, ngô, mơ và nho… Người Anh được sự hỗ trợ của Mỹ đã vận động được vài tỉ USD từ ngân sách LHQ để mua hạt giống, phân bón và các phương tiện kỹ thuật cấp cho người nông dân.
Người Afghanistan nhận sự giúp đỡ của phương Tây nhưng khi đến thời điểm trả nợ thì họ lại lờ đi. Liên quân tất nhiên không dám dùng vũ lực để đòi nợ. Đó là chưa kể một phần số tiền vốn này lại được đầu tư vào việc… trồng cây thuốc phiện.
Mới đây, các quốc gia trong NATO đã bàn bạc và thống nhất về một quan điểm với hy vọng giải quyết được vấn nạn này – đó là nỗ lực xây dựng một chính quyền trung ương có quyền lực tập trung đủ mạnh và từng bước hình thành một nền nông nghiệp lành mạnh.
Nhưng theo các nhà phân tích, đây là một dự án ít khả thi do các biện pháp vẫn nằm trong cái vòng luẩn quẩn: để tạo được một chính quyền trung ương mạnh cần phải làm suy yếu quyền lực của các chỉ huy quân sự địa phương, trong khi để làm suy yếu đối tượng này cần phải dẹp bỏ về căn bản nạn sản xuất và buôn bán ma túy...
LINH NGA (tổng hợp)