Sáng tạo vì cộng đồng

Cùng với các dự án, đề tài nghiên cứu đoạt giải ở các sân chơi quốc tế, các nghiên cứu ứng dụng mang tính thời sự và cấp bách cùng các giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong tình hình mới cũng được các trường triển khai, như chương trình Vaccine tinh thần của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM... 

Từ hiệu quả của chương trình này, trường và Hội Tâm lý học Việt Nam đã ký kết phối hợp tổ chức các hoạt động phòng ngừa sức khỏe tinh thần, tham gia quá trình can thiệp các vấn đề sức khỏe cộng đồng và hoạt động khác tùy vào tình hình thực tế. 

1. Một ngày sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách để chuyển trạng thái xã hội sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, ngày 2-10-2021, niềm vui như được nhân đôi với thầy và trò Trường Đại học (ĐH) Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM khi dự án Nanoneem đoạt quán quân cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021 - Social Business Creation - SBC” diễn ra ở Canada. 

Cuộc thi năm nay có sự tranh đua quyết liệt của 265 đội thi thuộc 80 trường ĐH đến từ 24 quốc gia trên thế giới. Điểm đặc biệt là 5 dự án vào chung kết phải tranh tài cùng 5 dự án của năm 2020, cuộc cạnh tranh vì thế trở nên gay cấn hơn. 

Nanoneem là dự án nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ nano để đưa các thành phần tự nhiên về dạng bền hơn và dễ thẩm thấu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Với nguồn gốc thảo mộc, Nanoneem hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường. Dự án có sự tham gia nghiên cứu của sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học Trường ĐH Quốc tế và một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Trưởng nhóm là TS Dương Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1990), sau gần 10 năm học tập, lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), cô trở về làm giảng viên của Trường ĐH Quốc tế. 

Sáng tạo vì cộng đồng ảnh 1 TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng sinh viên sau buổi học thực hành tại phòng thí nghiệm

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc xen lẫn tự hào khi nhóm đoạt giải trong hoàn cảnh thật khó khăn. Do dịch bệnh, nhóm không thể tham gia trực tiếp tại Canada mà phải thi trực tuyến qua phần mềm Zoom. Suốt 9 tháng với nhiều vòng thi và thử thách, các giám khảo ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã đưa ra những câu hỏi rất sắc sảo, buộc chúng tôi phải chuẩn bị và liên tục đổi mới. Có vị giám khảo còn kết nối giúp nhóm thử nghiệm sản phẩm ở Canada, New Zealand, Australia…, chứng tỏ nông nghiệp sạch vẫn luôn được rất nhiều quốc gia quan tâm”. 

Trong vòng chung kết, TS Dương Nguyễn Hồng Nhung kể câu chuyện mẹ của mình luôn phải ngâm rau hàng giờ hay ăn trái cây gì cũng phải gọt vỏ vì sợ độc hại… và khẳng định: “Đó là chuyện phải thay đổi!”. Cô mong muốn đối tác đưa những sản phẩm của mình đến với nhiều nông dân hơn bằng sự cam kết về hiệu quả, độ an toàn và giá thành hợp lý. “Tôi hy vọng trong tương lai có thể kết hợp nhiều hơn nữa với các dự án khác về nông nghiệp sạch để cùng tạo ra sự thay đổi thật sự. Đối với dự án này, tôi cam kết dành 100% lợi nhuận cho việc tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, khắc phục hậu quả môi trường do hóa chất độc hại và bảo vệ rừng”, TS Dương Nguyễn Hồng Nhung khẳng định.

2. Vượt qua 100 dự án từ các ứng viên khắp thế giới, dự án “UEH Zero Waste Campus (Đại học không rác thải)” của Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã đoạt quán quân cuộc thi quốc tế “Thử thách thành phố không rác thải”. Đây là dự án tiên phong trong lối sống xanh và bền vững tại trường ĐH. Cuộc thi toàn cầu này là một phần của Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn từ tổ chức WasteAid, được tài trợ bởi Huhtamaki và được tổ chức tại TPHCM (Việt Nam), Guwahati (Ấn Độ) và Johannesburg (Nam Phi). 

Với dự án “Đại học không rác thải”, nhóm tác giả đề ra giải pháp đổi mới sáng tạo ưu tiên áp dụng mô hình 3R (Reduce - Reuse - Recycle) trong phân loại và xử lý rác thải cũng như ứng dụng công nghệ trong phương pháp giáo dục và truyền thông. Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong năm 2021 với thông điệp “Rethink and Be Green”, kỳ vọng giảm 40% lượng rác nói chung, giảm 30% rác thải nhựa sử dụng một lần và ít nhất 70% sinh viên, viên chức nhà trường hiểu được chính xác thế nào là không rác. Mục tiêu cuối cùng của dự án là thể hiện tác động rõ rệt trong việc giảm rác thải và hiệu quả tài nguyên tại TPHCM trong năm 2022. Định hướng đến năm 2025, trường sẽ trở thành ĐH không rác thải, một thành phần quan trọng của đại học bền vững.

TS Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh, đại diện nhóm dự án, cho biết: Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra một công thức ĐH không rác thải tốt nhất, từ đó chia sẻ đến các ĐH và tổ chức khác để cùng thực thi, xây dựng thành phố xanh, sạnh và phát triển bền vững, tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục