Hiện nay, một bộ phận cán bộ công chức biến chất về lối sống, thoái hóa đạo đức, thường sách nhiễu, vòi vĩnh khi thi hành nhiệm vụ. Trong dịp tết đến, tệ đưa và nhận hối lộ dưới hình thức quà cáp biếu xén lại có dịp bùng phát.
Theo Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị mình trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà. Thế nhưng qua thông tin báo chí, chỉ mới thấy một lần quyết định này được thực thi nghiêm túc. Đó là hồi tháng 7-2012, UBND quận 12 (TPHCM) ra quyết định kỷ luật, điều chuyển nhiệm vụ khác đối với 2 cán bộ lãnh đạo của phường Đông Hưng Thuận vì đã nhận quà tặng trị giá 12 triệu đồng của một doanh nghiệp nhưng không nộp lại theo quy định.
Sẽ có người biện hộ rằng biếu xén cấp trên nhân dịp lễ tết cũng là hành vi văn hóa, thể hiện tình cảm, ân nghĩa, thật ra cha ông chúng ta đã phân định rất rõ về việc này. Trong dịp lễ tết, những việc tặng quà biếu sau đây được coi là thuần phong mỹ tục: học trò biếu thầy rượu, mứt trà để thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo; con cái biếu bố mẹ vải vóc, vật dụng và tiền bạc để tỏ lòng tôn kính, biết ơn sinh dưỡng; bạn bè tặng nhau tranh ảnh, thơ phú để bày tỏ tình cảm quý mến; làng xã tổ chức tiệc để mừng thọ người già…
Để ngăn chặn tệ đưa và nhận hối lộ dưới hình thức quà cáp biếu xén, ngay từ thời Hậu Lê, Bộ luật Hồng Đức đã xác định hành vi hối lộ dưới bất cứ hình thức nào cũng đều bị coi là có tội; người đưa hối lộ và kẻ nhận hối lộ đều bị nghiêm trị. Điều 8 quy định: “Lãng phí của công thì bị xử biếm (giáng chức). Trong lễ tân, khánh tiết, cấp dưới không được lấy của công để biếu cấp trên. Không được dùng công quỹ để biếu xén lẫn nhau. Bất cứ ai sai phạm đều phải nghiêm trị”. Điều 44 quy định: “Những người đưa hối lộ mà xét ra việc của họ là sai trái, thì định tội hối lộ theo việc cụ thể đó. Người không phải việc của mình mà đi hối lộ thay người khác thì tội nhẹ hơn người ăn hối lộ hai bậc. Của hối lộ phải đem sung công”. Qua đó cho thấy hành vi tiêu cực trong việc quà cáp biếu xén phải bị lên án và kết án.
Việc buộc phải nộp lại quà tặng là một trong những biện pháp cần thiết để chống nạn tham nhũng, hối mại quyền thế, bởi khi lãnh đạo cấp trên đã “lỡ” nhận quà biếu thì sẽ phải xuê xoa, nâng đỡ cấp dưới, bịt tai che mắt cho những sai phạm cấp dưới mắc phải.
Rất mong cán bộ các cấp cương quyết không nhận quà cáp biếu xén không đúng quy định của bất cứ ai. Nếu thực hiện được như vậy các vị đã chiến thắng được chính bản thân mình, và sẽ có một món quà to lớn, giá trị hơn gấp trăm ngàn lần, đó là lòng tin yêu của nhân dân.
ĐỖ THÔNG
(Bình Thạnh, TPHCM)