Viettel vừa đề nghị Bộ TT-TT cho giảm cước thoại theo hình thức giảm cước cuộc gọi ngoại mạng bằng nội mạng. Một lần nữa, câu chuyện giảm cước di động được Viettel nêu ra, sau một thời gian khá dài hầu như việc này không được nhắc đến…
Xu hướng mới
Ông Hoàng Sơn, Phó tổng Giám đốc Viettel vừa đề xuất Bộ TT-TT giảm cước thoại trên di động nhằm khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Viettel đề nghị Bộ TT-TT cho áp dụng chính sách 1 giá cước, không phân biệt nội mạng và ngoại mạng. Hiện nay, đơn giá thoại nội mạng của thuê bao trả trước 1.466 đồng/phút và liên mạng là 1.651 đồng/phút. Tương tự, giá cước gọi nội mạng của trả sau 990 đồng/phút và ngoại mạng 1.200 đồng/phút. Như vậy, với đề xuất giảm giá cước ngoại mạng bằng nội mạng, có nghĩa giá cước di động sẽ giảm 12,6%.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết sẽ yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động. Đây sẽ là cơ sở để Bộ TT-TT phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước, bởi giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành. Về cơ bản doanh nghiệp có quyền chủ động về giá cước, miễn không bán dưới giá thành.
Câu hỏi được đặt ra Viettel sẽ được gì khi kiến nghị giảm cước và nguyên nhân nào khiến Viettel phải làm điều đó? Theo ước tính của Viettel, nếu Bộ TT-TT đồng ý cho Viettel áp dụng chính sách giá cước ngoại mạng như nội mạng thì trước mắt mỗi tháng sẽ giảm thu gần 80 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hoàng Sơn cho biết, đề xuất giảm giá cước thoại ngoại mạng di động của Viettel nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong sử dụng dịch vụ. Thực tế khách hàng thường có xu hướng gọi nội mạng vì giá cước rẻ, ít gọi ngoại mạng do tâm lý cước đắt.
Hơn nữa, hiện nay các dịch vụ OTT cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí cũng là áp lực để giảm cước. Thế nhưng, một số chuyên gia viễn thông cho rằng, khả năng số cước khách hàng gọi nhiều hơn khi Viettel giảm cước chưa chắc đã bù đắp được phần thiếu hụt doanh thu do giảm cước. Hơn nữa, xu hướng hiện nay người sử dụng di động dùng Internet nhiều hơn thoại và nhắn tin truyền thống (SMS).
Như vậy, Viettel có giảm hay không giảm cước cũng khó ngăn được xu hướng tiêu dùng ngày càng ít sử dụng dịch vụ thoại và SMS. Cùng với việc đề xuất giảm cước thoại, ông Hoàng Sơn cũng đề nghị giữ nguyên mức cước 3G.
Doanh thu sẽ đến từ dịch vụ dữ liệu
Những động thái trên của Viettel cho thấy nhà mạng này đang chuẩn bị cho xu hướng đang diễn ra trên thế giới là sẽ chỉ tính cước data và cho miễn phí thoại, SMS. Như vậy, Viettel đang chủ động đi theo cuộc chơi này dẫu ban đầu có giảm doanh thu.
Mới đây, ông Tenny Sum (tư vấn cao cấp về chính sách của Tập đoàn Huawei) cho biết, chỉ vài năm nữa, Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng ra các gói cước viễn thông miễn phí cuộc gọi. Doanh thu chính nhà mạng thu được từ dịch vụ này là data (dữ liệu) chứ không phải thoại.
Chuyên gia của Huawei khẳng định, xây dựng mô hình giá chính là chìa khóa thành công cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Chẳng hạn như ở Hồng Công, họ cho thêm khách hàng những phút gọi điện miễn phí trong các gói cước 3G. Chính sách và những gói cước kiểu này đều đã được các nhà mạng lớn ở Mỹ và châu Âu áp dụng khá lâu. Khách hàng đóng một số tiền hàng tháng để sử dụng những gói dữ liệu và sẽ được miễn phí những phút gọi, tin nhắn tương đương với gói cước đã đóng.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của 3G trên thế giới. Trong 5 năm tới, data sẽ dần vượt lên thay thế các dịch vụ thoại, cả về doanh thu và lưu lượng. Lúc đó, data trở thành dịch vụ chính và là nguồn thu chính của các doanh nghiệp chứ không phải thoại. Hiện tại, Bộ TT-TT cũng khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đưa ra các gói cước đa dạng phù hợp với các đối tượng người dùng khác nhau trong xã hội.
Theo kết quả khảo sát “Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM” do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen công bố hồi cuối năm 2013, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ truy cập Internet qua điện thoại di động rất cao. Lý do đầu tiên là do Việt Nam có dân số trẻ hơn. Đối với người trẻ, họ cập nhật hơn các xu hướng mới, tiếp cận với loại hình giao tiếp trực tuyến và cũng thúc đẩy loại hình giao tiếp này phát triển. Trong số 58% người Việt Nam thường xuyên sử dụng Internet, có tới 97% dùng hàng tuần và họ dùng trung bình 16 giờ/tuần.
Do đó, trong tương lai Mobile Internet rất quan trọng vì với các thiết bị nhỏ gọn như smartphone cho phép họ có thể truy cập Internet mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, giá của smartphone ngày càng rẻ, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng nên ngày càng nhiều người dùng Việt lựa chọn truy cập Internet qua mạng 3G.
Và quan trọng hơn, giá cước 3G ở Việt Nam hiện nay khá thấp so với nhiều nước trong khu vực và xét ở mức độ chi tiêu thì phù hợp với thu nhập của người Việt Nam; một tháng chi phí 50.000 - 70.000 đồng để có một gói data tốc độ cao 600 - 700 Mb, cộng với đó là miễn phí data ở tốc độ thấp hơn.
Hầu hết các chuyên gia viễn thông đều cho rằng, với xu hướng dữ liệu phát triển mạnh mẽ và sẽ chiếm tỷ lệ doanh thu lớn cho nhà mạng, rất có thể lúc đó nhà mạng sẽ tính chuyện miễn phí cuộc gọi cho thuê bao mà chỉ tính chuyện kinh doanh gói cước data mà thôi.
Và với việc Viettel đang triển khai, chắc chắn VinaPhone và MobiFone cũng sẽ sớm nhập cuộc. Nếu điều này diễn ra, đây có thể xem là một bước ngoặt, hướng phát triển mới của thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam. Điều đang diễn ra trên thế giới như một xu hướng tất yếu.
TRẦN LƯU