Sát dân và hiểu dân

Mỗi khi đề bạt cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu sở - ngành, quận-huyện, phường - xã, cấp trên thường xem xét cán bộ đó đã trải qua công tác ở cơ sở hay chưa và kết quả công tác ra sao? Nếu ai chưa công tác ở cơ sở, cấp trên điều động về địa phương công tác. Những năm qua, TPHCM làm khá tốt công việc này, qua đó, giúp cán bộ sát dân, hiểu dân, từ đó nắm bắt toàn diện đời sống để giải quyết tốt việc dân.

Song không phải tất cả các trường hợp đều làm đúng như vậy. Nhìn vào việc điều động, đề bạt nhân sự chủ chốt và cả người đứng đầu ở một số đơn vị của TPHCM cho thấy một vài đồng chí chưa tham gia công tác ở cơ sở, địa phương. Có sở, trong 4 phó giám đốc, có 2 đồng chí chưa từng làm việc ở địa phương. Có chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận chưa bao giờ là bí thư, chủ tịch UBND phường…

Một phó giám đốc sở được điều về làm chủ tịch UBND quận hơn 3 năm qua, bày tỏ suy nghĩ của mình. Trong thời gian làm việc ở UBND quận, anh thấy mình trưởng thành lên nhiều, có cái nhìn toàn diện đời sống xã hội hơn, được gần dân, hiểu dân và triển khai hiệu quả nhiều lĩnh vực chuyên sâu. Dù lúc đầu có bỡ ngỡ với công việc của dân nhưng sau đó đã quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy thế mạnh lòng dân.

Đặc biệt, quan tâm công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Ngược lại, hầu hết cán bộ từ quận - huyện khi được điều động về sở - ngành làm việc đều làm khá tốt công tác tham mưu cho UBND TP ban hành những quyết định sát thực tế, mang tính khả thi hơn và được lòng dân hơn. Nhiều đồng chí khi giải quyết việc dân đã nhanh chóng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân nên giải quyết không cứng nhắc, được dân đồng thuận.

Dẫu chưa phải tất cả cán bộ sát dân, hiểu dân đều làm tốt việc dân nhưng ở đâu đó, cán bộ chưa thực sự sống trong lòng dân để hiểu được nỗi lòng của dân và chưa làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân thì còn xuất hiện tệ quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy và né tránh trách nhiệm… Thường khi vô trách nhiệm dễ làm người ta vô cảm, vô tâm, thậm chí nhẫn tâm lúc nào không biết. 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục