Sau bão số 10, lũ lên nhanh và nguy hiểm

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố, tình hình thiệt hại do bão số 10 và do mưa lũ gây ra (tính đến 17 giờ ngày 2-10) như sau: chết 9 người (tăng 1 do đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Tài Dũng ở Nghệ An); mất tích 3 người (Nghệ An: 1; Quảng Bình: 1; Quảng Nam: 1); 199 người bị thương (Nghệ An: 2; Hà Tĩnh: 18; Quảng Bình: 140; Quảng Trị: 37; Thừa Thiên - Huế: 2).
Sau bão số 10, lũ lên nhanh và nguy hiểm

(SGGPO).- Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố, tình hình thiệt hại do bão số 10 và do mưa lũ gây ra (tính đến 17 giờ ngày 2-10) như sau: chết 9 người (tăng 1 do đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Tài Dũng ở Nghệ An); mất tích 3 người (Nghệ An: 1; Quảng Bình: 1; Quảng Nam: 1); 199 người bị thương (Nghệ An: 2; Hà Tĩnh: 18; Quảng Bình: 140; Quảng Trị: 37; Thừa Thiên - Huế: 2).

Ngoài ra, bão số 10 cùng làm 389 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; 27.833 nhà bị ngập; 195.801 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đến 17 giờ ngày 2-10 còn khoảng 600 hộ của thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và một số nhà của Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình còn bị ngập; 1.121 trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại, tốc mái; 4.871 ha lúa bị ngập, đổ; 13.410 ha hoa mầu bị ngập, đổ;  444.120 con gia súc, gia cầm bị chết; 2.438 ha ao cá, tôm bị ngập, hư hại; 120 tàu thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố; 206.140 m³ đất, đá, bê tông sạt, trôi, bồi lấp; 2 hồ đập tại Thanh Hóa bị vỡ (dưới 500.000 m³); 4 hồ đập bị hư hỏng; 24.440m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; 29.989m kênh, mương bị hư hỏng, cuốn trôi; 7 cột ăng ten phát sóng bị đổ; 753 cột điện hạ thế, 71 cột điện trung thế và 35 cột điện cao thế bị nghiêng, đổ; 347.220 m³ đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp; 24.661m đường giao thông bị sạt lở, hư hại.

Hiện tại đường sắt Bắc Nam, QL1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ qua các tỉnh cơ bản đã thông xe; một số tuyến tỉnh lộ còn bị ngập, hư hỏng cục bộ đang được khẩn trương khắc phục và phân luồng giao thông.

Cũng trong ngày 2-10, Bộ Y tế đã có văn bản số 6191/BYT-VPB7 chỉ đạo việc cấp áo phao và thuốc cho Sở Y tế các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để phục vụ công tác khắc phục hậu quả bão số 10 và chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ tiếp theo.

Cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 – 14 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông (hồi 1 giờ sáng 3-10) có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Lũ trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum đang lên nhanh. Mực nước lúc 19 giờ ngày 2 tháng 10 trên sông Cả tại Nam Đàn: 5,92m (trên BĐ1: 0,52m); sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 7,84m (trên BĐ1: 0,34m); sông Gianh tại Mai Hóa: 6,06m (dưới BĐ3: 0,44m); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,93m (dưới BĐ2: 0,07m); sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 1,06m (dưới BĐ1: 0,94m); sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 3,33m (dưới BĐ1: 0,17m); 

Dự báo, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định, Gia Lai và Kon Tum tiếp tục lên. Đến sáng 3-10, lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) lên mức BĐ2, có nơi trên BĐ2; các sông khác ở mức BĐ1; các sông từ Phú Yên đến Bình Thuận có khả năng sẽ lên. Cụ thể mực nước trên một số sông như sau:

Trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 8,6, dưới BĐ2:0,4m;

Trên sông Gianh tại Mai Hóa: 6,3m, dưới BĐ3: 0,2m;

Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,6m, dưới BĐ3: 0,4m;

Trên sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 5,3m, trên BĐ2: 0,3m;

Đến chiều tối 03/10, lũ hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn có khả năng lên mức: 6,5m, dưới BĐ2: 0,4m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,2m, trên BĐ2: 0,2m; hạ lưu sông La còn dưới mức BĐ1.

Song Nguyên


Quảng Bình: Thiệt hại nặng nề

Sáng nay 3-10, mưa trên thượng nguồn rất lớn khiến nước sông Gianh dâng trở lại, hàng ngàn hộ dân ở các xã Thanh Hóa, Lâm Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa, Thanh Hóa, Phong Hóa, Thạch Hóa bị lũ dâng ngập từ 0,5-1,5m nước.

Sau bão số 10, lũ lên nhanh và nguy hiểm ảnh 1

Anh Thắng ở Quán Hàu, Quảng Ninh tìm lại những tài sản còn sót lại sau khi bão đi qua. Ảnh: Minh Phong

Trong khi đó, tại thành phố Đồng Hới, nước đã được cấp trở lại cho hàng ngàn hộ gia đình vùng lõi thành phố, điện được khắc phục và có trở lại ở các cơ quan đầu não của tỉnh như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Ông Phạn Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nói: “Toàn huyện có đến 90% hộ dân bị tốc mái nhà, kinh tế chủ chốt của huyện là hơn 10.000ha cao su được người dân vay vốn, tích cóp mấy năm nay giờ sau bão đã bị vặn đổ sạch, mất trắng. Mỗi héc ta người dân đầu tư 100 triệu đồng, tính sơ sơ thì cũng có đến 1000 tỷ thiệt hại về cao su”.

Hiện trường khu du lịch đẹp nhất Bắc miền Trung ở Mỹ Cảnh của Tập đoàn Trường Thịnh bị bão cày nát toàn bộ, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. 

Sau bão số 10, lũ lên nhanh và nguy hiểm ảnh 2

Lũ lên lại dọc sông Gianh. Ảnh: Minh Phong

Ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch huyện Minh Hóa cho biết, toàn bộ huyện thiệt hại hơn 135 tỷ đồng. Còn tại huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch huyện nói: Thống kê bước đầu toàn huyện thiệt hai hơn 1800 tỷ đồng. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy thống kê: Hàng chục ngàn nhà bị tốc mái, hơn 50 nhà bị sập hoàn toàn, thiệt hại bước đầu toàn huyện hơn 2000 tỷ đồng. Trong khi đó huyện Quảng Trạch bước đầu thống kê thiệt hại hơn hơn 3000 tỷ đồng. 

* Lúc 1 giờ sáng 3-10, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), xã Hải Ninh (Quảng Ninh) bị lốc xoáy bất ngờ tràn vào từ biển khiến 20 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây xanh bị gãy đổ. 

 Minh Phong


Hà Tĩnh: Tập trung khắc phục sau bão lũ

Đến trưa 3-10, thời tiết tại Hà Tĩnh đã nắng ấm trở lại, nhiều xã ở vùng thấp trũng huyện Thạch Hà, Hương Khê, Vũ Quang… nước đã rút.

Trao đổi với Báo SGGP, bà Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngành y tế Hà Tĩnh đang tập trung nhân lực, vật lực xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sớm ổn định hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân sau lũ. Đồng thời, tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp về tận địa bàn các huyện vùng lũ chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát công tác khắc phục xử lý môi trường, nước sinh hoạt ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh...

Hiện Sở Y tế Hà Tĩnh đã xuất cấp 700kg Cloramin B dạng bột, 5.000 viên Cloramin dạng viên, 1.400 lít Deltamethrin để phun diệt côn trùng, cấp máy khử độc tẩy trùng, 70 cơ số thuốc… cho các huyện bị ảnh hưởng do bão số 10. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp 3.000kg Cloramin B dạng bột, và các loại thuốc, hoá chất, phương tiện vật tư phòng chống dịch cho các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện đang chuẩn bị hơn 5 tấn hóa chất Cloramin B dạng bột để xử lý nguồn nước. Các loại thuốc, hóa chất, phương tiện vật tư phòng chống dịch được chuẩn bị sẵn sàng để cấp phát, hỗ trợ cho các đơn vị khi có nhu cầu.

Sáng 3-10, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, anh Phan Tiến Dũng (34 tuổi, ngụ ở xã Hương Trạch) vẫn đang bị mất tích trong khu vực lòng hồ thủy điện Hố Hô do bão đánh lật thuyền. Vào thời điểm này các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và hàng chục người dân vẫn đang tổ chức tìm kiếm.

Sau bão số 10, lũ lên nhanh và nguy hiểm ảnh 3

Người dân xã Cẩm Nhượng, Huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh: Dương Quang


 Dương Quang


Thừa Thiên - Huế: lốc xoáy, nhiều nhà bị tốc mái
 

Sáng 3-10, ông Hồ Viết Bá, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp đến kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn kéo dài hơn 10 phút đồng hồ tại thôn Phú Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông Bá đến từng hộ gia đình để thăm hỏi và trao kinh phí hỗ trợ cho 5 gia đình thiệt hại nặng với mức 1,5 triệu đồng/hộ và 7 gia đình thiệt hại nhẹ 500.000 đồng/hộ. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã hỗ trợ trước mắt 5 gia đình thiệt hại nặng 1 triệu đồng/hộ và 200.000 đồng cho một trường hợp bị thương.

UBND xã Lộc An, xác nhận, trận lốc xoáy, kèm theo mưa lớn xảy ra chiều 2-10 tại thôn Phú Môn khiến 1 người bị thương, 7 ngôi nhà bị tốc mái và nhiều hộ gia đình bị hư hại hoa màu, cây cối đổ ngã.

Nhiều cây cối tại thôn Phú Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị lốc xoáy quật đổ.

Nhiều cây cối tại thôn Phú Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị lốc xoáy quật đổ.

        Văn Thắng – Văn Nhân

- Thông tin liên quan:

>> Tập trung khắc phục hậu quả bão lũ

>> Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi toàn dân ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ

>> Bão đi, lũ về: Thiệt hại chồng chất 

Tin cùng chuyên mục