Sáng 6-11, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Băn khoăn trần quân hàm
Vấn đề được các ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre), Phùng Khắc Đăng (Sơn La), Huỳnh Thành (Gia Lai) quan tâm chính là quy định về trần quân hàm cấp tướng. ĐB Ngô Ngọc Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 7, phân tích, điều gây băn khoăn trong dự thảo, giải trình, tiếp thu là trần quân hàm trung tướng với tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh Hà Nội và TPHCM cũng như giám đốc công an Hà Nội, TPHCM thì sẽ tạo ra mâu thuẫn cả về tổ chức chỉ huy, tâm tư tình cảm của cán bộ những địa phương còn lại và các đơn vị.
Bởi lẽ, tư lệnh, chính ủy quân hàm trung tướng tại Hà Nội, TPHCM thì sẽ bằng với quân hàm tư lệnh, chính ủy cấp quân khu. Điều này khó chấp nhận vì quân khu có đến 8 - 9 tỉnh, có nhiều sư đoàn, lữ đoàn… chịu trách nhiệm một hướng phòng thủ đất nước. Vì vậy, trần quân hàm thành phố bằng với tư lệnh, chính ủy quân khu là không hợp lý.
“Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cho giữ như luật hiện hành là thiếu tướng đối với tư lệnh chính ủy, giám đốc công an TP Hà Nội, TPHCM”, ĐB Ngô Ngọc Bình nói. ĐB Nguyễn Xuân Tỷ cũng đồng tình và cho rằng, TPHCM thuộc Quân khu 7 nên tư lệnh, chính ủy phải là cấp dưới và chỉ nên trần thiếu tướng là được. Điều này cũng tương tự đối với giám đốc công an.
Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) phát biểu tại hội trường. Ảnh: LÃ ANH
Giải trình thêm vấn đề này, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong phương án trình của Chính phủ, Chính phủ có trình riêng Hà Nội, tư lệnh, chính ủy quân hàm cao nhất là trung tướng vì Bộ Tư lệnh Hà Nội trực thuộc Bộ Quốc phòng, còn Bộ Tư lệnh TPHCM thuộc Quân khu 7 đề nghị chỉ là thiếu tướng là phù hợp. Trình như vậy nhưng khi ra thảo luận thì lại không đúng với chỉ đạo của Bộ Chính trị, quân hàm công an - quân đội không như nhau.
“Quan điểm của tôi là trong quân đội xác định trần thiếu tướng, còn với công an trung tướng cũng là hợp lý. Bởi lẽ, dù hơi vênh quân hàm với công an nhưng Công an TPHCM thuộc Bộ Công an và cũng khác về tính chất nhiệm vụ. Còn nếu so sánh tuyệt đối thì khó”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói.
Đánh giá cao dự án luật nhưng các ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên), Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) vẫn băn khoăn quy định xung quanh cấp hàm đại tá cho chỉ huy trưởng quân sự tại Hà Nội, TPHCM. Dẫn chứng phong tướng công an cho địa phương vì quy định ưu tiên cho khu vực địa bàn trọng yếu đã dẫn đến nhiều tướng, ĐB Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, nếu quy định như trên thì “không lâu, các chỉ huy trưởng quân sự quận, huyện ở Hà Nội, TPHCM lại đại tá hết”.
ĐB Ngô Minh Tiến chia sẻ, quy định ban chỉ huy quân sự quận, huyện ở Hà Nội, TPHCM có trần quân hàm đại tá là chưa hợp lý. Vì quân hàm đó ngang bằng với chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự của tỉnh và nếu so với những địa bàn rộng như Thanh Hóa, Nghệ An lại cũng bất hợp lý, bởi đó chỉ là cơ quan cấp dưới của bộ tư lệnh và sẽ tạo kẽ hở cho quận, huyện trong vấn đề quân hàm. “Nếu có ưu tiên, tôi đề nghị ưu tiên về quân hàm cho khu vực biên giới”, ĐB Ngô Minh Tiến nói.
Đề nghị bổ sung nguyên tắc “tôn trọng và phục vụ nhân dân”
Tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phân tích rằng, dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND) chỉ quy định CAND dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân thì chưa đủ, nên phải bổ sung “tôn trọng nhân dân và phục vụ nhân dân”. “Đây không phải chỉ là chuyện câu chữ, mà có tính cốt lõi, chi phối toàn bộ hoạt động của lực lượng CAND”, ĐB Nguyễn Thái Học phát biểu. ĐB Nguyễn Thái Học cũng đề nghị làm rõ quan hệ phối hợp giữa lực lượng CAND với lực lượng biên phòng trong việc phối hợp bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới.
Về hạn tuổi phục vụ của CAND, nhiều ĐB đề nghị theo hướng kéo dài thời gian đối với sĩ quan nữ đảm nhiệm chức vụ, vị trí quan trọng. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị: “Nữ đại tá được phục vụ đến 58 tuổi và cấp tướng đến 60 tuổi”. Trần quân hàm của sĩ quan CAND là vấn đề được khá nhiều ĐB bày tỏ ý kiến. ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị trần quân hàm cao nhất của các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ thấp hơn 1 bậc so với TPHCM, Hà Nội chứ không phải 2 bậc như dự thảo.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, lập luận khi quy định trần quân hàm là chưa thống nhất, chưa thuyết phục, có thể khiến cán bộ “tâm tư”: “Sẽ có tình trạng cục trưởng hàm trung tướng mà tổng cục phó chỉ thiếu tướng”. Gợi ý giải pháp bổ sung cấp bậc “chuẩn tướng”, ĐB Nguyễn Văn Phúc giải thích, theo dự luật thì giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TPHCM) mang quân hàm đại tá, nhưng tại TPHCM và Hà Nội thì trưởng công an quận cũng là đại tá; như vậy là không thuận. “Đề nghị trưởng công an quận ở TPHCM và Hà Nội chỉ là thượng tá, hoặc giám đốc công an tỉnh, thành khác nên là chuẩn tướng”, ĐB Nguyễn Văn Phúc nói.
Về thời hạn phục vụ nghĩa vụ công an, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) và một số ĐB khác đề nghị cũng nên quy định là 2 năm, tương tự như với lực lượng quân đội và việc tuyển chọn nên thông qua một hội đồng nghĩa vụ quân sự chung, trong đó có đại diện ngành công an...
NGỌC QUANG - ANH THƯ