
Lần đầu tiên sau hơn 4 năm Trung Quốc (TQ) gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), báo cáo của tổ chức này, dự kiến đưa vào đầu tháng 4, yêu cầu TQ có chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và tăng cường kiểm soát đối với tình trạng ăn cắp bản quyền. WTO cũng nói tiến độ mở cửa trong các lĩnh vực dịch vụ then chốt như ngân hàng, viễn thông vẫn còn quá chậm chạp.
WTO tạo cơ hội bình đẳng cho các nước trong trao đổi thương mại. Nhưng vào WTO cũng là thách thức bởi các thành viên lớn, bé gì cũng phải cải cách nền kinh tế theo yêu cầu hội nhập, tuân thủ luật WTO. Tiến trình hội nhập của TQ và những trao đổi thương mại của TQ với các nước, đặc biệt các đối tác lớn Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bôïc lộ nhiều điều.
- Hội nhập thương mại thế giới

TQ trở thành thành viên của WTO vào 12-2001. Từ đây, TQ sẽ phải đẩy mạnh cải cách, mở cửa đáng kể thị trường cho cạnh tranh nước ngoài. Bất đồng thương mại sẽ được giải quyết thông qua phán quyết của WTO chứ không phải qua dàn xếp giữa hai bên. TQ trong quá khứ thích kiểu dàn xếp tay đôi hơn, và với vị thế một đất nước to lớn họ thường đạt được nhiều nhượng bộ hơn theo cách này.
Với việc TQ vào WTO, Mỹ cho rằng doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở TQ thuận lợi hơn. Quan trọng hơn là được tiếp cận thị trường trong cả lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông. Về thuế, TQ cam kết giảm đáng kể thuế công nghiệp từ mức 25% xuống còn 8,9%, hoàn thành vào tháng 1-2005.
Một số ít sản phẩm sẽ tiếp tục giảm đến 2010. Xóa hoàn toàn thuế bia, đồ nội thất và đồ chơi (mức thuế lúc đó là 70%, 22% và 23%). Nhiều sản phẩm khác được giảm thuế đáng kể: mỹ phẩm, thiết bị y tế, xe gắn máy, sản phẩm giấy, hàng dệt may,…
Chính quyền Mỹ lúc đó cho rằng xuất khẩu vào TQ sẽ giúp tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người Mỹ, và nó sẽ tăng đáng kể khi TQ vào WTO. Thâm thủng mậu dịch với TQ sẽ giảm trong thời gian ngắn. Nhưng nhiều nhà phân tích cho đó là sai lầm.
TQ vào WTO thời điểm Mỹ đã thâm hụt mậu dịch lớn với TQ: Năm 1999 nhập khẩu từ TQ xấp xỉ 81 tỷ USD trong khi xuất khẩu sang TQ chỉ 13 tỷ USD. Xuất khẩu tạo ra khoảng 170.000 việc làm thì nhập khẩu đã lấy đi 1,1 triệu cơ hội việc làm. Lúc đó dự báo thâm hụt mậu dịch với TQ sẽ lên mức 131 tỷ USD vào 2010. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ tính toán tăng trưởng xuất khẩu tạo 325.000 việc làm nhưng xóa mất 1,142 triệu việc làm trong thời kỳ này. Đã tính đến vậy nhưng năm 2005 mức thâm hụt với TQ lên đến 202 tỷ USD!
- Chính sách đồng nhân dân tệ giá rẻ?
Các đối tác của TQ luôn chỉ trích nước này cố tình hạ thấp giá trị đồng nhân dân tệ (NDT). Mỹ nói TQ cho phép đồng tiền này sụt giá đến 40% khiến cho hàng hóa của TQ trở nên rẻ hơn khi xuất khẩu sang Mỹ còn hàng hóa Mỹ thì trở nên đắt hơn khi nhập khẩu vào TQ, góp phần làm tăng thâm hụt mậu dịch của Mỹ với TQ. TQ đã kiên quyết chặn đứng việc tăng giá đồng NDT và sự không khoan nhượng của TQ đã khuyến khích các nước châu Á khác ngăn chặn hoặc làm chậm lại việc tăng giá các đồng tiền của những nước này.
Dưới áp lực liên tục của các nước, TQ đã một lần nâng giá đồng NDT 2,1% (tháng 7-2005) so với đồng USD và cho phép đồng NDT tăng giảm nhưng trong biên độ quản lý chặt 0,3%. Mỹ và các nước tiếp tục đòi TQ nâng giá đồng NDT hơn nữa. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đang có mặt tại Bắc Kinh trao đổi về các vấn đề thương mại giữa hai nước mà đặc biệt là chế độ tỷ giá. Quốc hội Mỹ ngày 31-3 sẽ biểu quyết thông qua biện pháp trừng phạt TQ bằng cách áp dụng mức thuế 27,5% đối với hàng hóa TQ nếu nước này không chịu thay đổi chế độ tỷ giá.
- Thị trường TQ - Mở và đóng
Ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ vận chuyển là những lĩnh vực được các doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng mở ra cơ hội làm ăn thì đến nay bị chỉ trích là chậm tư nhân hóa. Những lĩnh vực này phần lớn do nhà nước TQ nắm giữ. Theo báo cáo của WTO, 4 ngân hàng lớn của nhà nước hiện giữ 54% tài sản ngân hàng và bảo hiểm do 6 công ty có cổ phần nhà nước chi phối, chiếm 85% tổng phí bảo hiểm. Lĩnh vực viễn thông, 6 công ty lớn của nhà nước chi phối các dịch vụ cơ bản. Tương tự, dịch vụ vận chuyển hàng không và hàng hải thuộc các công ty nhà nước kiểm soát phần lớn hoặc toàn bộ bởi các công ty nhà nước.
TQ đã có những cuộc chiến thương mại với các nước với các sản phẩm vớ, hàng dệt may, xe đạp, hộp quẹt gas, giày da,… nay lại đến phụ tùng ô tô. EU và Mỹ đồng cho rằng TQ đang thiết lập những rào cản thương mại trong nhập khẩu phụ tùng ô tô nước ngoài. Mỹ và EU đang phối hợp nhau đưa vấn đề này ra WTO.
Từ năm ngoái TQ đã ra luật mới áp dụng mức thuế nguyên chiếc đối với phụ tùng ô tô hoặc các cấu kiện nhập khẩu vượt một ngưỡng nhất định tính trên nội dung nội địa. Nếu nhà sản xuất sử dụng nhiều hơn một tỷ lệ nhất định phụ tùng nhập khẩu trong một chiếc xe, những phụ tùng này bị đánh cùng mức thuế xe nguyên chiếc, là 28% so với thuế dành cho phụ tùng 10%.
Một nhà phân tích nói đưa ra luật này TQ nhắm vào việc hạn chế nhập khẩu cụm linh kiện – CKD - chủ yếu là các bộ phận có thể lắp với nhau ở địa phương. Điều này là cách làm khá hợp lý của TQ cố gắng trám những kẽ hở trong hệ thống nhập khẩu của họ.
Giải quyết các bất đồng trong quan hệ mậu dịch của các thành viên WTO có thể đưa ra WTO, tuy nhiên tùy thuộc nhiều yếu tố, các nước cũng có thể thương lượng song phương.
Tiếp các nhóm nghị sĩ Mỹ đang ở thăm TQ bàn về quan hệ kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ, Ngoại trưởng TQ Lý Triệu Tinh nêu rõ TQ và Mỹ đều là những nước lớn và là thành viên thường trực của HĐBA, do vậy hai bên cần duy trì quan hệ tham vấn để thúc đẩy các lợi ích chung cũng như hòa bình và ổn định thế giới. Cần giải quyết bất đồng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; đặc biệt cần bàn bạc giải quyết một cách ổn thỏa chứ không nên làm to chuyện và chính trị hóa vấn đề.